Bệnh nhân là anh Giáp Văn Đức sinh năm 1987, ở thị trấn Tân Dân (Yên Dũng- Bắc Giang).
Theo lời kể của người nhà, Trước đó anh Đức đi lấy tổ ong nhưng chủ quan không mặc bảo hộ nên bị ong tấn công.
Ngay sau đó, gia đình đã nhanh chóng đưa bệnh nhân vào cấp cứu. Bác sĩ Thân Sơn Tùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết: Ngay sau khi cấp cứu bệnh nhân đã hồi tỉnh, huyết áp ổn định, đi lại, nhận thức được. Hiện anh Đức đang được nằm theo dõi điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.
Theo bác sĩ Tùng, thời điểm này đang là mùa ong sinh sản, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị ong đốt. Nhiều trường hợp nhập viện muộn nên cơ thể nhiễm độc nặng, gây khó khăn cho điều trị.
Một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận cấp, vỡ hồng cầu và rối loạn đông máu do bị ong vò vẽ đốt nhiều nốt dẫn đến biến chứng suy đa tạng. Các bác sĩ khẩn trương đưa ra phác đồ điều trị tích cực, truyền dịch, lọc máu, sử dụng thuốc lợi tiểu để cứu chữa bệnh nhân.
Theo các bác sĩ hầu hết bệnh nhân bị ong đốt thường không biết cách sơ cứu hoặc không đến cơ sở y tế trong 6 giờ đầu sau khi xảy ra sự cố. Trong khi đó, nọc độc ong vò vẽ rất nguy hiểm đối với sức khoẻ, chỉ trên 10 nốt đốt đã rất nặng nề.
Bệnh nhân sẽ thấy đau nhiều, choáng, khát, tiểu ít dần, tổn thương cơ, suy thận, tan máu, rối loan động máu và tiểu cầu, có thể tổn thương các tạng khác.
Các chuyên gia lưu ý khi bị ong đốt việc quan trọng nhất là cho nạn nhân uống thật nhiều nước để thải độc sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị thải độc, truyền nước. "Bù nước và truyền dịch là biện pháp hữu hiệu nhất để nọc độc được đào thải qua đường tiểu.
Nếu chậm trễ (bệnh nhân được cấp cứu sau 12 tiếng bị ong đốt) nạn nhân có thể bị khó thở, sốc do dị ứng (mạch nhanh, yếu, tụt huyết áp), vỡ hồng cầu, tiêu cơ vân, suy thận khiến việc điều trị có thể kéo dài cả tháng, thay vì một vài ngày nếu sơ cứu đúng cách và điều trị sớm” BS Tùng khuyến cáo thêm.
Khi bị ong tấn công, nạn nhân phải bình tĩnh, trước tiên cần che vùng đầu để không bị đốt. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng bu lại tấn công.
Với những con ong có độc tính mạnh như ong vò vẽ, ong bắp cày, nếu bị đốt (dù chỉ một vài nốt) ở vùng mặt, hàm và mang tai, cần đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được theo dõi và cấp cứu.