Chia sẻ tại tọa đàm “Startup - Đường nào tới thành công?”, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT CTCP FPT – cho rằng: Cần nói rõ một biên giới giữa chữ Startup và Entrepreuners.
“Chúng ta đang nhầm lẫn. Một bên là Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một bên hiểu là Lập nghiệp. Lập nghiệp cũng có thể trở thành doanh nghiệp cực kỳ lớn. Còn nói đến Startup phải nói đến đỉnh cao của khoa học công nghệ, nói đến điều thế giới chưa từng làm”, ông Bình giải thích.
Ông Bình lấy ví dụ về Uber hay Grab – những hãng taxi được coi là lớn nhất nhì thế giới nhưng không hề có một chiếc taxi nào – là điều chưa từng xảy ra. Đây cũng là cơ hội lớn đối với các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam khi nghĩ đến Startup và nền kinh tế chia sẻ (Sharing Economy).
Tương tự như vậy, các bạn bán phở, bán cà phê… có thể gọi là lập nghiệp, chứ không thể gọi là khởi nghiệp.
Nên khởi nghiệp ở độ tuổi nào? Kiếm vốn ban đầu ở đâu?
Có người cho rằng những người lớn tuổi thì nhiệt huyết không còn đủ để theo đuổi đến cùng đam mê, trong khi tuổi trẻ đam mê có thừa nhưng kinh nghiệm lại thiếu.
Theo ông Trương Gia Bình, mô hình nhân sự hoàn hảo nhất là có sự kết hợp tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ với kinh nghiệm tuổi già.
Ví như Google, bắt đầu từ 2 chàng nghiên cứu sinh rất trẻ - Larry Page và Sergey Brin - làm bài toán sắp xếp lại thư viện, nhưng thay vì chỉ sắp sách trong thư viện, họ đã có ước mơ sắp lại toàn bộ thông tin của thế giới.
Sau một giai đoạn, họ phải mời Eric Schmidt – một người lớn tuổi cùng cộng tác.
“Mô hình tốt nhất là kết hợp giữa đam mê tuổi trẻ và kinh nghiệm tuổi già. Còn nếu tự thân khởi nghiệp, thì tôi cho rằng nên bắt đầu khi trẻ, tốt nhất là nên bắt đầu khởi nghiệp trước 35 tuổi”, ông Bình nói.
Về vốn đầu tư, ông Bình cho rằng: Trong khi nhiều Startup kêu “đói vốn” thì cũng có rất nhiều các quỹ đầu tư đang thắp đuốc tìm kiếm các Startup có những ý tưởng xuất sắc. Chỉ cần có ý tưởng xuất sắc, khả thi, và có khả năng thuyết phục, các bạn sẽ có tiền.
“Các quỹ đầu tư đang thắp đuốc để đi tìm các bạn. Vấn đề là các bạn có đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư hay không”, ông Bình nói.
Đại học Harvard đã tổng kết những Startup thành công thông thường xuất phát ở số vốn trung bình 50.000 USD. Ở Việt Nam, sau khi trừ chênh lệch giá sinh hoạt, Startup cần đâu đó 5.000 USD.
“5.000 USD này kiếm đâu ra? Nếu bắt đầu từ 3 bạn chắc cũng có 6 bố mẹ, chúng ta có thể xin mỗi người 1.000 USD cũng có thể có đủ vốn khởi nghiệp”, ông Bình khuyên nhủ.
“Khi dấn thân vào Startup, các bạn không chỉ lập ra một doanh nghiệp mà đó là doanh nghiệp để tạo ra những giá trị mới, có thể chưa từng có, tất nhiên độ mạo hiểm rất cao. Nhưng khi bạn thắng lợi thì bạn có thể trở thành Nguyễn Hà Đông”.
“Tỷ lệ “10 ăn 1” là tỷ lệ thành công khi khởi nghiệp trên toàn thế giới. Và chúng ta hãy chấp nhận nó chứ đừng sợ nó, vì khởi nghiệp 10 lần thế nào cũng có 1 lần thành công”.