Các nhà phân tích cho rằng, cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách đã được một năm, động thái của ông Trump là nhằm gây áp lực lên Bộ tư pháp, làm tăng thêm một biến số cho cuộc điều tra “Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ”.
Truyền thông Mỹ cho biết, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, FBI đã cử một nhân viên nhiều lần tiếp xúc với các thành viên trong đội ngũ tranh cử của ông Trump nhằm tìm kiếm bằng chứng mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử với Nga.
James Clapper, cựu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, nói rằng mục tiêu của FBI khi ấy là Nga chứ không phải giám sát đội ngũ tranh cử của ông Trump.
Gần đây, tổng thống Trump nhiều lần công khai chỉ trích FBI cài người vào đội ngũ tranh cử của ông là nhằm mục đích chính trị, đồng thời yêu cầu Bộ tư pháp mở một cuộc điều tra nội bộ. Ngày 23/5, Trump gọi vụ việc này là “cài cắm gián điệp”, và nói rằng đây là bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Christopher Gardieri, trợ lý giáo sư ở trường Đại học Saint Anselm nói với Tân hoa xã rằng, ông Trump đang tạo ấn tượng đại chúng về “cơ quan chấp pháp Mỹ bị chính trị điều khiển thay vì theo đuổi công lý”.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, dưới áp lực của cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, ông Trump và đảng Cộng hòa hi vọng sớm kết thúc cuộc điều tra “Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ”. Do đó, sử dụng cái gọi là “cài cắm gián điệp” nhằm tạo nghi vấn về động cơ của cuộc điều tra.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Saunders ngày 21/5 tuyên bố rằng Bộ Tư pháp đã yêu cầu chánh án tòa án tối cao tiến hành một cuộc điều tra nội bộ để xác định liệu Bộ Tư pháp và FBI có vi phạm quy định khi điều tra đội ngũ tranh cử của ông Trump.
Truyền thông Mỹ đánh giá, cuộc điều tra “Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ” đang bước vào giai đoạn then chốt. Bộ tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra nội bộ là nhằm tránh đối đầu trực diện với tổng thống, đồng thời phần nào tránh sự can thiệp của các cơ quan khác lên cuộc điều tra.