Nguy cơ "biến tướng" xung đột
Trong khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẵn sàng cho một phương án quân sự khả dĩ để phản ứng trước vụ tấn công nghi là bằng khí độc tại Syria, thì lại nảy sinh lo ngại: Liệu các cuộc không kích của Mỹ có vô tình giết hại binh lính Nga ở Syria và khiến xung đột khu vực leo thang thành một cuộc đối đầu Nga - Mỹ hay không?
Khả năng đụng độ sẽ gia tăng nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn phương án ném bom hạng nặng, không chỉ phóng Tomahawk từ các tàu hải quân ngoài khơi - như những gì ông làm hồi năm ngoái - mà còn sử dụng máy bay ném bom không người lái và các chiến đấu cơ khác để tấn công nhiều mục tiêu ở Syria, nguồn tin của LA Times cho hay.
Mặc dù hôm 9/4, Tổng thống Trump nói, ông sẽ đưa ra quyết định trong vòng 24-48 giờ tới nhưng thời điểm Mỹ tiến hành tấn công có thể sẽ bị hoãn lại sau khi Syria cho phép các thanh sát viên vũ khí hóa học quốc tế tiếp cận điều tra. Ngoài ra, Lầu Năm Góc và các đồng minh của Mỹ cũng cần thời gian để điều động lực lượng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump họp với các quan chức quân sự và an ninh. Ảnh EPA
Ông Trump đã hoãn chuyến thăm tới Colombia và Peru, dự kiến bắt đầu từ 13/4 để tập trung vào cuộc khủng hoảng.
Mới đây, ông đã trao đổi với Thủ tướng Anh Theresa May cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và theo Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo "đã nhất trí không để cho hành động sử dụng vũ khí hóa học được tiếp diễn". Có thể một chiến dịch chung đang được tính đến.
Hôm qua, 10/4, ông Trump cũng có cuộc gặp với Quốc vương Tamim bin Hamad al Thani, lãnh đạo Qatar - nơi đặt căn cứ không quân của Mỹ mà Washington nhiều khả năng sẽ phải dùng tới nếu ông Trump muốn điều máy bay không người lái tới Syria.
Rõ ràng, cả Moscow và Washington đều không muốn một cuộc xung đột trực tiếp diễn ra ở Syria.
Hiện có hàng trăm nhà thầu và lính đánh thuê Nga đang làm việc ở Syria.
Ngày 7/2, Mỹ đã không kích tấn công nhóm phiến quân được Syria hậu thuẫn khi nhóm này tiếp cận các mỏ dầu khí mà lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đang kiểm soát ở miền Đông Syria. Sau đó, Nga xác nhận, 5 trong số những người thiệt mạng là công dân Nga.
Nếu bất cứ công dân Nga nào thiệt mạng trong các cuộc trả đũa của Mỹ, Moscow có thể sẽ nhằm vào các máy bay và đồn bốt của Mỹ trong khu vực.
Tổng thống Nga cảnh báo về “Sự khiêu khích” trong vụ tấn công hóa học ở Syria
Cả Syria và Nga đều kiên quyết khẳng định, vụ tấn công hóa học không hề xảy ra và những bức ảnh nạn nhân đều là dàn dựng. Giới chức Nga cũng đe dọa sẽ đáp trả nếu Mỹ và đồng minh tiến hành kế hoạch tấn công Syria.
Mỹ có khoảng 2.000 binh lính đang hoạt động ở Bắc Syria, nơi họ hỗ trợ các chiến binh người Kurd trong cuộc chiến chống IS. Lầu Năm Góc sử dụng đường dây nóng từ căn cứ không quân ở Qatar để đảm bảo máy bay của Nga và Mỹ không đụng độ trên không phận Syria.
Lực lượng Nga ở Syria thì ít hơn một chút - ở vào khoảng dưới 2.000 quân và chưa đến 100 máy bay chiến đấu. Vì thế Mỹ và đồng minh có thể tiến hành các cuộc đáp trả nhằm vào các mục tiêu quân sự Syria, giảm thiểu khả năng gây tổn thất cho phía Nga, đặc biệt nếu Mỹ cảnh báo Nga trước các cuộc tấn công, quan chức Mỹ cho biết.
"Nhiều khả năng điều Mỹ sẽ làm là cảnh báo trước cho Nga và sau đó sử dụng tên lửa để tấn công vào các cơ sở của Syria" thay vì tiến hành ném bom trên diện rộng hơn - Ilan Goldenberg, chuyên gia Syria ở Trung tâm An ninh Mỹ Mới phân tích.
Tuy nhiên, quan chức Lầu Năm Góc sẽ lo ngại tới trường hợp Moscow chuyển tin tình báo cho lực lượng Syria và hỗ trợ họ nếu Mỹ báo trước cho Nga thời điểm hoặc mục tiêu của cuộc không kích.
Tấn công vào đâu?
Ông Trump đã cảnh báo rằng: Nga hoặc bất cứ quốc gia nào chia sẻ trách nhiệm với Syria trong cuộc tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học đều sẽ phải "trả giá".
Có thể quan chức Lầu Năm Góc đang hối thúc ông Trump nhắm vào các công xưởng điều chế clo và các chất hóa học khác, trong trường hợp Mỹ có thông tin về sự tồn tại của những công xưởng như vậy.
Họ cũng có thể nhằm vào những đơn vị an ninh Syria đã thực hiện vụ tấn công hồi tuần trước (được biết là các đơn vị này đã sử dụng trực thăng để ném bom thùng), cũng như các cơ sở chỉ huy và điều khiển của chính phủ, Derek Chollet, cựu quan chức Lầu Năm Góc nhận định.
Nếu ông Trump chấp nhận thông qua một chiến dịch khốc liệt hơn, các tư lệnh Mỹ chắc chắn sẽ kiên quyết hạ các hệ thống phòng không của Syria, được cho là gồm cả các tổ hợp tên lửa đất đối không S-400 tiên tiến do Nga cung cấp.
Mỹ cũng có thể sử dụng phương thức gây nhiễu radar và máy bay tầm thấp để đánh bại lưới phòng thủ của Syria. Chollet cho rằng, máy bay chiến đấu của Mỹ đã xuất hiện 4 năm trên bầu trời Syria để tìm, diệt các lực lượng IS. Không máy bay nào bị bắn hạ.
"Chúng tôi biết rất nhiều" về lưới phòng không của ông Assad, Chollet cho hay, "vì thế chúng tôi có khả năng kiểm soát nguy cơ nhiều hơn".
Để giảm thiểu nguy cơ, các máy bay chiến đấu Mỹ có thể triển khai các tên lửa không đối đất tầm xa, những tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu Syria mà không cần phi công phải xâm nhập vào không phận của nước này.
Trong những năm gần đây, Israel đã nhiều lần sử dụng các tên lửa này để tấn công Syria, gần đây nhất là vụ tấn công nhằm vào căn cứ không quân T-4 mà Israel chưa xác nhận.
Hải quân Mỹ có một tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình ở phía Đông Địa Trung Hải, và các máy bay Mỹ hiện diện quanh khu vực có thể được sử dụng cho các chiến dịch đường không quy mô lớn.
Một cụm tàu sân bay, gồm tàu sân bay Harry Truman, một tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường và 4 khu trục hạm có tên lửa dẫn đường sẽ rời Norfolk tới Trung Đông. Nhưng cụm tàu này sẽ không thể vào vị trí tấn công trong vòng ít nhất 1 tuần.
Trong khi đó, các lực lượng chính phủ Syria và đồng minh đã thiết lập tình trạng báo động và thực hiện các phương án phòng bị tại các căn cứ quân sự cũng như đồn bốt ở khu vực quân chính phủ kiểm soát vì lo ngại Mỹ tấn công, LA Times dẫn nguồn quan sát viên cho hay.