Thỏa thuận gây quan ngại
Nằm cao trong danh sách ưu tiên của Tổng thống Trump khi ông cố gắng khép lại cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là đảm bảo rằng Trung Quốc phải đối mặt với những hậu quả nếu không thực hiện cam kết. Tuy nhiên, trong khi theo đuổi mục tiêu đó, ông Trump lại có thể trao cho Trung Quốc một công cụ mới để Bắc Kinh tấn công các doanh nghiệp Mỹ, thậm chí làm phương hại tới luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết Mỹ sẽ đưa ra những cam kết của riêng mình với Trung Quốc và đồng ý rằng cả hai bên sẽ phải tuân theo một cơ chế thực thi. Đây sẽ là một thỏa thuận hai chiều trong việc thực hiện đồng thời Mỹ cũng sẽ sẵn sàng cho những "hậu quả nhất định".
Chi tiết về những cam kết và cơ chế thực hiện của thỏa thuận thương mại chưa được công bố. Tuy nhiên, bình luận của ông Mnuchin đã khiến nhiều người chú ý, từ các học giả đến cộng đồng doanh nghiệp và Quốc hội Mỹ.
"Nếu Mỹ cho Trung Quốc các quyền để buộc Mỹ phải thực thi thỏa thuận, họ sẽ trao cho Bắc Kinh ‘quyền thẩm phán, bồi thẩm và thi hành án’ để phán quyết Washington có tuân thủ thỏa thuận hay không. Tôi không nghĩ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đủ cảnh giác trước nguy cơ liên tục phải đối mặt với các hành động thực thi đơn phương của Trung Quốc", ông Daniel Price, người từng là cố vấn kinh tế cấp cao cho Tổng thống George W. Bush, nhận định.
Chính quyền ông Trump đang muốn một cơ chế để nhanh chóng trừng phạt bất cứ hành vi trái với thỏa thuận nào của Trung Quốc bằng cách áp thuế hoặc các biện pháp hà khắc khác mà không cần thông qua WTO hoặc các Tòa Trọng tài mà họ cáo buộc không hiệu quả trong quá khứ. Tuy nhiên, thỏa thuận đối ứng sẽ cho phía Trung Quốc quyền tương tự với các công ty Mỹ.
Theo các quan chức Mỹ, cơ chế này đang được tính toán để đôi bên cần đồng thuận khi tranh chấp xảy ra. Dẫu vậy, nó vẫn cho phép một bên đơn phương tiến hành trừng phạt. Thỏa thuận cũng cho thấy cả hai bên từ bỏ quyền trả đũa hoặc khiếu kiện lên WTO dù bên kia có làm gì đi chăng nữa.
Các hiệp hội kinh doanh của Mỹ đã từ chối bình luận công khai về tuyên bố của Mnuchin và nói rằng mô hình này chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà vận động hành lang phàn nàn rằng họ không được chính quyền hỏi ý kiến và băn khoăn khi thỏa thuận được công bố, các công ty sẽ buộc phải chấp nhận nó mà không có cách nào phản kháng.
Dấu hỏi lớn quanh Quyền thực thi
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người trước đây chỉ ra rằng Mỹ sẽ nhấn mạnh vào các quyền thực thi đơn phương, cho biết ông không có kế hoạch tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội trong thỏa thuận với Trung Quốc. Nhà Trắng đang phải đối mặt với nhiều sự bất đồng trong Quốc hội Mỹ, ngay cả với vấn đề thuế nhập khẩu. Các nhà lập pháp thì cho biết họ bị "bỏ rơi" trong quá trình thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Các trợ lý Nghị sĩ Mỹ bày tỏ sự lo ngại về những chính sách thương mại của ông Trump đồng thời chỉ ra những diễn biến tiếp theo ở Đồi Capito khi ông Trump trao cho Trung Quốc quyền tấn công vào hàng hóa xuất khẩu của Mỹ theo cách họ thích.
Ngoài ra, một động thái như vậy có thể trở thành một cú đánh vào WTO, tổ chức được xây dựng như một Trọng tài độc lập với các quy tắc thương mại toàn cầu. Ông Trump từng chỉ trích hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO bằng việc ngăn tiến trình bổ nhiệm một thẩm phán mới. Một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo ra một hệ thống khác song song, điều có thể khiến trọng lượng của WTO giảm xuống.
Vai trò khó bỏ qua của WTO
Jennifer Hillman, cựu thẩm phán WTO giảng dạy tại Đại học Georgetown, cho biết trong khi các hiệp định thương mại thường bao gồm các cơ chế tranh chấp, hiệp ước tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là duy nhất nếu nó không nhắc đến vai trò trọng tài của bên thứ 3.
Nó cũng có thể cho thấy vai trò của WTO sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, phớt lờ vai trò của tổ chức này trong các tranh chấp.
Một số ý kiến cho rằng Chính quyền Trump đang có cách tiếp cận thực tế hơn đối với thương mại so với các tổng thống trước đây. Họ lập luận WTO rõ ràng đã thất bại trong việc kiếm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Họ cũng nhấn mạnh hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO quá chậm. Đó là lý do tại sao họ muốn có một cơ chế thực thi nhanh chóng hơn trong thỏa thuận với Trung Quốc.
Tuy nhiên, thoát khỏi WTO không phải điều dễ dàng.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang có những vụ kiện lớn chờ giải quyết tại WTO, Chad Bown, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định.
Hơn nữa, Mỹ cũng đã cho thấy họ sẵn sàng viện tới WTO khi nó phù hợp với lợi ích của họ. Ví dụ điển hình nhất là tranh chấp kéo dài giữa Boeing và Airbus trong hơn 1 thập kỷ qua.
Ông Trump đe dọa đánh thuế 11,5 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ EU để trả đũa khối này tài trợ phi pháp cho Airbus. Tuy nhiên, Nhà trắng tuyên bố chờ phán quyết cuối cùng của WTO trước khi biện pháp đánh thuế này có hiệu lực.
Ngoài ra, các thành viên khác của WTO cũng có thể khiếu nại riêng với thỏa thuận Mỹ - Trung và sử dụng WTO để thách thức nó, Jim Bacchus, cựu thẩm phán trưởng của cơ quan phúc thẩm WTO, cho biết. Theo ông Bacchus, Mỹ và Trung Quốc không phải hai nước duy nhất trong hệ thống thương mại toàn cầu.