Ông Trump sang Pháp, cả châu Âu 'thở phào nhẹ nhõm'

Đức Thức |

Mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã có một sự khởi đầu không mấy suôn sẻ do sự khác nhau giữa hai nước trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Những khác biệt Mỹ-Pháp trước chuyến thăm

Trước khi ông Trump thăm Pháp, Mỹ-Pháp đã diễn ra những cuộc đối thoại không mấy vui vẻ về vấn đề chính sách thương mại và khí hậu, vốn đã đẩy ông Trump vào thế đối đầu với lãnh đạo các nền kinh tế lớn thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức cuối tuần trước.

Hơn nữa, chuyến công du lần này đưa ông Trump đến một thành phố mà ông từng liên tục chế nhạo: "Paris không còn là Paris" nữa. Ông đã nói như vậy hồi tháng 2 vừa qua, ngụ ý là thành phố này đang bị hủy hoại bởi các vụ tấn công khủng bố, và mới tháng trước, khi tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, ông còn nói: "Tôi được bầu ra để đại diện cho người dân của vùng Pittsburgh, chứ không phải Paris".

Tuy nhiên, các kết quả tích cực trong chuyến thăm Pháp từ ngày 13/7 của ông Trump cho thấy cả Mỹ và Pháp đều đang nỗ lực hướng tới xây dựng quan hệ cùng có lợi.

Ngoài ra, các khoản thuế mà chính phủ Mỹ áp đặt với mặt hàng thép và việc xây dựng luật trừng phạt Nga tại Quốc hội Mỹ, có thể tổn hại đến dự án đường ống khí đốt trị giá 10,9 tỷ USD mà trong đó tập đoàn SA Engie của Pháp có cổ phần. Đây là một vấn đề gai góc mà cả ông Trump và Macron đều phải đối mặt.

Đặc biệt, Mỹ và Pháp còn tồn tại quan điểm khác nhau về Iran. Trong chuyến công du tới Saudi Arabia hồi tháng 5, Trump đã chỉ đích danh Iran là nguồn tài trợ chính cho các nhóm thánh chiến. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump cũng đe dọa sẽ xóa sổ thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân Iran, gọi đó là "thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước đến giờ".

Trong khi đó Pháp lại có quan hệ chặt chẽ với Iran đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ. Đầu tháng này, Tập đoàn năng lượng của Pháp đã ký một thỏa thuận sơ bộ với Iran để tham gia phát triển dự án South Pars với công ty Petropars của Iran. Đây là thương vụ hợp tác quốc tế lớn nhất của Iran kể từ khi các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tehran được nới lỏng hồi đầu năm 2016.

Hợp tác cùng có lợi

Tuy nhiên, bất chấp những khác biệt kể trên, cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Macron đã được chính phủ cả hai nước xác định là thời cơ để củng cố mối quan hệ gắn kết giữa hai nước.

Trong các cuộc hội đàm giữa Trump và Macron, hai bên đã đạt được nhiều đồng thuận về các vấn đề nổi bật như quan hệ đồng minh chiến lược, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, giải pháp về Syria...

Ngày 13/7, sau cuộc gặp với Tổng thống Macron, Tổng thống Trump khẳng định mối quan hệ giữa hai nước là "không thể bị phá vỡ". Tiếp đó, ông Trump đã để ngỏ khả năng đảo ngược quyết định của mình liên quan đến Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Macro, ông Trump nói: "điều gì đó có thể xảy ra, chúng ta sẽ thảo luận về nó trong thời gian tới".

Trong khi đó, Tổng thống Macron cho biết hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh, đồng thời kêu gọi lực lượng đồng minh đang chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng quyết tâm bảo vệ thành phố Mosul của Iraq.

Đặc biệt, ông Macron cho biết ông "tôn trọng" quyết định của Tổng thống Trump về việc rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định Pháp vẫn sẽ theo đuổi thỏa thuận này. Sự bất đồng này không ảnh hưởng đến và không ngăn cản các cuộc thảo luận về các vấn đề khác. Ông khẳng định Washington vẫn là "đồng minh chiến lược" dù còn "nhiều bất đồng" về khí hậu.

Trước đó, phát biểu tại buổi họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel chiều 13/7 tại Paris, ông Macron khẳng định hai nước Pháp và Mỹ chia sẻ nhiều quan điểm đặc biệt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ các lợi ích sống còn của cả hai quốc gia. Sự hợp tác giữa Pháp và Mỹ luôn là hình mẫu, dù là ở vùng Trung Cận Đông hay châu Phi.

Theo các chuyên gia phân tích, Tổng thống Macron chọn thời điểm ngày Quốc khánh để mời Tổng thống Trump tới thăm có ý nghĩa quan trọng, cho phép tái khẳng định những mối liên hệ lịch sử đã gắn kết hai nước Pháp và Mỹ cũng như gắn kết Mỹ với châu Âu.

Đây cũng là dịp để ông Macron củng cố mối quan hệ với cá nhân ông Trump, nhằm hướng đến một mối quan hệ và hợp tác có tính xây dựng giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Washington đang bị cô lập sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, việc cùng nhau chứng kiến lễ diễu binh và kỷ niệm 100 năm ngày Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất cho phép hai nhà lãnh đạo có thể nâng cao hình ảnh của mình dưới góc nhìn quốc tế.

Giới ngoại giao Pháp nhận định: "Chuyến thăm này có lợi cho cả hai nước. Trump vẫn là một lãnh đạo không thể phớt lờ và vẫn có tầm quan trọng của mình. Macron cũng vậy, ông ấy đang sở hữu hình ảnh một vị lãnh đạo của ‘thế giới tự do’".

Với ông Macron, đây là cơ hội có thể khiến lãnh đạo Mỹ thay đổi tư duy và nâng tầm ảnh hưởng của Pháp trong các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là ở Syria và Trung Đông.

Về phần Donald Trump, thông qua việc bắt tay với người Pháp, ông Trump muốn thể hiện rằng mình có thể là một nhân tố tích cực trên trường quốc tế" .

Thiết lập mối quan hệ thực dụng trong bối cảnh hiện nay là điều rất quan trọng đối với cả ông Trump và Macron. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Pháp có xóa bỏ được bất đồng hay không, điều này phụ thuộc vào những toan tính của các bên đối với các vấn đề trong nước và quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại