Cách tiếp cận của ông Donald Trump với Iran dự kiến sẽ là một trong những biện pháp răn đe cứng rắn, bao gồm tấn công trực tiếp, nhưng tránh chiến tranh tổng lực, tương tự như chính sách trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, hãng tin CNBC nhận xét.
Ông Trump trước đây đã chỉ trích "thỏa thuận hạt nhân" Iran năm 2015 mà bản thân đã rút lui, cho rằng nó không liên quan gì đến chương trình tên lửa đạn đạo hoặc các hoạt động làm giàu uranium của Tehran.
Tổng thống Mỹ mặc dù sau đó đã ám chỉ rằng bản thân sẵn sàng đàm phán, nhưng chỉ khi ông ấy cảm thấy có thể đạt được một thỏa thuận "tốt hơn".
Chính ông Trump là người ra lệnh ám sát tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) ngay tại Iraq thông qua máy bay không người lái, một sự leo thang căng thẳng lớn giữa Mỹ và Iran.
Nước Mỹ có thể sẽ tiếp tục chính sách răn đe quân sự, bao gồm những cuộc tấn công phẫu thuật hoặc tấn công mạng, nếu Iran thực hiện các hành động bị Washington cho là khiêu khích.
Tuy vậy bất chấp giọng điệu cứng rắn của mình, Tổng thống Mỹ nhìn chung vẫn bày tỏ mong muốn tránh chiến tranh, nhưng thực tế này không phủ nhận việc sẵn sàng sử dụng vũ lực khi thấy cần thiết.
Để chống lại các lực lượng ủy nhiệm của Iran, ông Trump có thể sẽ tiếp tục cố gắng hạn chế ảnh hưởng của Tehran tới các nhóm đồng minh như Hezbollah ở Lebanon hoặc Houthis ở Yemen, Washington sẽ áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để chống lại họ.
Có lẽ ông Trump sẽ cố gắng thu hút các đồng minh châu Âu tham gia vào chủ đề này để họ ủng hộ đường lối cứng rắn hơn chống lại Iran và kiềm chế giao dịch với Cộng hòa Hồi giáo. Đồng thời nước Mỹ sẽ tiếp tục thành lập một liên minh chống Iran ở Trung Đông, bao gồm Israel cũng như các quốc gia quân chủ ở Vịnh Ba Tư.
Nhưng lập trường cứng rắn của ông Donald Trump có khả năng cô lập chính nước Mỹ, trừ khi các đồng minh châu Âu và nhiều cường quốc thế giới khác ủng hộ cách tiếp cận nói trên, thực tế này làm phức tạp thêm các nỗ lực kiềm chế Iran.
Tóm lại, chính sách Iran của ông Trump có thể sẽ liên quan đến sự kết hợp giữa áp lực kinh tế, ngăn chặn quân sự và cô lập ngoại giao, nhưng không loại trừ viễn cảnh sẽ xuất hiện một diễn biến đầy bất ngờ nào đó.