Tuyên bố này được ông Trump đưa ra sau khi có tin Mỹ mời Trung Quốc bước vào vòng đàm phán thương mại tiếp theo.
Hãng tin Bloomberg cho biết, dòng trạng thái (tweet) của ông Trump trên mạng xã hội Twitter vào ngày thứ Năm cho thấy ông quyết tâm đàm phán. Tuy nhiên, những gì ông viết cũng có thể khiến phía Trung Quốc lo ngại rằng nhà lãnh đạo Mỹ chưa thực sự nghiêm túc về việc đi đến một thỏa thuận để xuống thang xung đột thương mại.
Trong những lần đàm phán trước, phía Trung Quốc từng cảm thấy bị "hớ" khi đưa ra nhượng bộ mà không được Mỹ chấp nhận, hoặc Washington đã chấp nhận một số đề nghị của Bắc Kinh nhưng sau đó lại thay đổi thái độ và vẫn áp thuế lên hàng hóa của Trung Quốc.
Dòng tweet của ông Trump có vẻ như nhằm vào một bài báo của tờ Wall Street Journal nói về khả năng sắp diễn ra vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp theo.
Bài báo nói rằng ông Trump đang đối mặt với sức ép chính trị đòi ông phải giải quyết cuộc xung đột thương mại và chấm dứt sự trả đũa của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11.
"Wall Street Journal đã nhầm, chúng tôi không hề chịu sức ép nào để buộc phải đạt thỏa thuận với Trung Quốc. Có mà Trung Quốc chịu sức ép phải thỏa thuận với chúng tôi", ông Trump viết trên Twitter.
"Thị trường chứng khoán Mỹ đang tăng điểm mạnh, còn thị trường chứng khoán Trung Quốc thì sụt giảm. Chúng ta sẽ sớm thu được hàng tỷ USD từ thuế quan mới và sẽ sản xuất các sản phẩm trong nước".
Phía Trung Quốc hiện vẫn chưa chính thức nhận lời mời đàm phán của Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng ngày 13/9 nói rằng Bắc Kinh đã nhận được lời mời từ Washington và đang thảo luận chi tiết với phía Mỹ.
Ông Gao cũng nói nếu Mỹ nhất quyết áp thuế quan bổ sung lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hoặc hơn thế, thì điều đó sẽ gây tổn hại cho lợi ích của cả Trung Quốc, Mỹ và thế giới.
Vị phát ngôn viên cũng kêu gọi Mỹ tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và điều chỉnh việc sử dụng thái quá các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo giới phân tích, ông Trump đang đứng trước những sức ép trái chiều trước cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11.
Một lập trường cứng rắn về thương mại có thể giúp ông giành sự ủng hộ của giới công nhân Mỹ, nhưng nỗi lo về sự trả đũa của Trung Quốc lại gây khiến nông dân Mỹ - một lực lượng ủng hộ quan trọng của Đảng Cộng hòa - "đứng ngồi không yên".
Chuyên gia kinh tế Yao Shaohua thuộc ABCI Securities ở Hòng Kông cho rằng dù còn nhiều bất đồng lớn giữa hai bên, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nhận lời mời đàm phán của Mỹ và có thể sẽ cử Phó thủ tướng Lưu Hạc đến Washington để đàm phán.
Ông Lưu Hạc là người đã dẫn đầu đoàn Trung Quốc trong cuộc đàm phán với đoàn Mỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu hồi tháng 5. Trong vòng đàm phán đó, hai bên đã đạt thỏa thuận, nhưng sau đó, ông Trump đã viết một dòng tweet tuyên bố rút khỏi thỏa thuận.