Ông Trump ký sắc lệnh "săm soi" thâm hụt thương mại với các đối tác

VietnamPlus |

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 đã ký hai sắc lệnh, trong đó chỉ đạo các quan chức thương mại nước này tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại ở Mỹ, kiểm tra đánh giá cụ thể đối với từng quốc gia và từng sản phẩm giao thương.

Sắc lệnh thứ nhất, được xem như là một phần trong những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng chính sách thương mại mà chính quyền Trump cho là không công bằng của các bạn hàng của Mỹ, được công bố ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hai ngày 6-7/4 tới, cũng như cuộc đối thoại kinh tế cấp cao giữa Mỹ và Nhật Bản, dự kiến diễn ra vào giữa tháng Tư tới. Trung Quốc và Nhật Bản sẽ là hai trong số các đối tác lớn của Mỹ trong diện bị "săm soi" theo sắc lệnh vừa ký.

Sắc lệnh thứ hai yêu cầu các quan chức đẩy nhanh việc thu thuế chống bán phá giá và các loại thuế cao đã được áp dụng đối với những sản phẩm từ nước ngoài được trợ giá hay trợ cấp một cách bất hợp pháp.

Phát biểu với các phóng viên trước khi ký kết các sắc lệnh, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định động thái trên sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi mạnh của lĩnh vực chế tạo Mỹ, đồng thời nói: “Chúng ta sẽ bảo vệ ngành công nghiệp của đất nước và tạo ra một sân chơi công bằng cho người lao động Mỹ...”

Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ nghiên cứu về mức thuế quan của các nước đối tác, những rào cản phi thuế quan, trợ cấp chính phủ, vấn đề quyền sử hữu trí tuệ cùng những hình thức giao dịch thương mại đi ngược với lợi ích của nước Mỹ và sẽ báo cáo lên Tổng thống trong vòng 90 ngày.

Với những kết quả thu thập được, rất có thể Washington sẽ buộc Trung Quốc, Nhật Bản và những đối tác thương mại khác phải mở cửa thị trường hơn nữa đối với các hàng hóa và dịch vụ đến từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong báo cáo thường niên về “Ước tính tình hình thương mại hàng hoá quốc gia đối với các vấn đề rào cản thương mại quốc tế năm 2017” được công bố hôm 31/1, USTR đã chỉ trích Tokyo về "các rào cản lớn trong tiếp cận thị trường" đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và "một loạt rào cản phi thuế quan" đối với ôtô.

Trong khi đó, phía Bắc Kinh cũng bị chỉ trích về tình trạng công suất dư thừa trong ngành công nghiệp sản xuất thép và nhôm do các chính sách hỗ trợ của nhà nước gây ra./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại