Giá trị của thỏa thuận
Thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), được Iran và nhóm P5+1 - gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, cùng với Đức - ký ngày 14/7/2015, giúp chấm dứt những căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.
Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 16/01/2016. Theo đó, Iran được LHQ và Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các biện pháp trừng phạt về tài chính, kinh tế và dầu mỏ. Đổi lại, Teheran phải giới hạn chương trình phát triển hạt nhân của nước này.
Đây là một thành công rất lớn sau 12 năm đàm phán dai dẳng giữa Iran với P5+1.
Trước hết, JCPOA chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo thế giới, mặc dù bất đồng trong nhiều vấn đề như Ukraine, Biển Đông, hay chương trình hạt nhân Triều Tiên, vẫn có thể cùng nhau đàm phán, giải quyết một vấn đề chung.
Thỏa thuận cũng giúp làm giảm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, củng cố công cuộc chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới và mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran với các nước phương Tây.
Cường quốc dầu mỏ Iran
Iran là nước có tiềm lực kinh tế dồi dào. Trữ lượng dầu thô được kiểm chứng ước tính gần 158 tỷ thùng và 33.800 tỷ m3 khí đốt, lần lượt đứng thứ tư và thứ hai thế giới.
Hơn 10 năm trước, kinh tế Iran có quy mô lớn hàng đầu khu vực, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính trên 500 tỷ USD, chỉ sau Saudi Arabia.
Dàn khoan dầu mỏ Iran. (Ảnh: ABDOLREZA MOHSEN)
Tuy nhiên, nền kinh tế này đã rơi vào tình trạng gần như tê liệt sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế mạnh mẽ từ năm 2006 do các bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.
Việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế sau thỏa thuận JCPOA là bước ngoặt đặc biệt quan trọng, đem lại cơ hội để quốc gia Hồi giáo thúc đẩy toàn diện nền kinh tế, nhất là khôi phục và thúc đẩy các hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu khí.
Tới nay, sản lượng dầu thô của Iran đạt xấp xỉ 3,8 triệu thùng/ngày, trong khi xuất khẩu dầu tăng từ 0,9 triệu thùng/ngày hồi cuối năm 2015 lên đến gần 2 triệu thùng/ngày, giúp thu về cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD.
Ngoài ra, Iran cũng đã ký một loạt hợp đồng liên quan đến lĩnh vực năng lượng, khí đốt với các công ty năng lượng hàng đầu như Shell (Hà Lan), Gazprom (Nga) và các hợp đồng về lĩnh vực hạ tầng, tài chính, thương mại, hàng hải, hàng không, đóng tàu… với các đối tác lớn như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Mặt khác, từ khi thực thi thỏa thuận hạt nhân, Iran thoát khỏi bị cô lập chính trị, có thể hội nhập trở lại với thế giới và mở rộng quan hệ đa phương với nhiều nước, tăng cường vai trò cũng như vị thế trong khu vực.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Bloomberg)
Có thể nói, thỏa thuận hạt nhân với Iran không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân, mà còn giúp Iran thoát khỏi khủng hoảng, thân thiện hơn với cộng đồng quốc tế, tạo tiền đề cho việc giải quyết những vấn đề nóng mà cả thế giới cùng quan tâm.
Đúng như tổng thống Iran Hassan Rouhani đã từng nói: "Thỏa thuận đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Iran và thế giới", đồng thời là cơ hội để Iran phát triển, cải thiện phúc lợi, tạo sự ổn định và an ninh trong khu vực, cũng như trên thế giới.
Ý tưởng khác người của tổng thống Donald Trump
JCPOA không chỉ đem lại những giá trị lợi ích cho Iran mà còn cho cả thế giới, và Iran cũng đã tuân thủ nghiêm chỉnh các điều khoản của thỏa thuận này.
Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã cho rằng, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 là "một trong những thỏa thuận ngớ ngẩn nhất" mà ông từng chứng kiến.
Ông Trump cũng cảnh báo văn kiện, được coi là di sản để đời của người tiền nhiệm Barack Obama, sẽ không thể ngăn được Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Kể từ khi nắm quyền vào 20/1/2017, chính quyền tổng thống Trump không ngừng tìm mọi lý lẽ để phủ nhận những giá trị mà thỏa thuận này đem lại.
Hồi tháng 7, ông Trump ra lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Iran, bất chấp việc Iran được các nước châu Âu ghi nhận là thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân.
Mỹ cáo buộc Tehran phát triển tên lửa đạn đạo và phóng tên lửa mang theo vệ tinh vào quỹ đạo, triển khai các lực lượng quân sự ở Iraq và Syria cũng như hỗ trợ các nhóm phiến quân ở một số nơi trên thế giới.
Ông Trump chỉ trích Iran tại cuộc họp ĐHĐLHQ ngày 19/9 tại New York. (Ảnh: PBS)
Bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại LHQ, trả lời báo chí ngày 15/8, cũng cho rằng Iran phải chịu trách nhiệm vì "phóng tên lửa, ủng hộ khủng bố, coi thường nhân quyền và vi phạm nghị quyết của HĐBA".
Bà nhấn mạnh, "Iran không thể dùng thỏa thuận hạt nhân để bắt cả thế giới làm con tin. Thỏa thuận này không ‘lớn đến mức không thể hủy bỏ’".
Mới đây nhất, ngày 19/9, trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) ở New York, tổng thống Donald Trump đã gọi Iran là chế độ theo đuổi "sự hủy diệt và chết chóc", còn thỏa thuận hạt nhân là "nỗi hổ thẹn" đối với nước Mỹ.
Ông Trump cảnh báo Washington sẵn sàng đơn phương rút khỏi JCPOA bởi Tehran đã vi phạm "tinh thần" của thỏa thuận.
Pháp ủng hộ Iran và thỏa thuận hạt nhân
Đáp lại những cáo buộc của tổng thống Mỹ, tổng thống Iran Rouhani khi trả lời báo chí bên lề phiên họp ĐHĐ LHQ, cho rằng Mỹ sẽ phải trả giá đắt và sẽ đánh mất sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế nếu từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Bên cạnh đó, Iran chắc chắn sẽ có những phản ứng "thích hợp" đối với bất kỳ sự vi phạm thỏa thuận hạt nhân nào. Ông Rouhani nhấn mạnh, Iran không theo đuổi sản xuất vũ khí hạt nhân và không có ý định rút khỏi thỏa thuận đã ký với nhóm P5+1.
Theo ông Rouhani, Iran cũng sẽ không từ bỏ năng lực phòng thủ tên lửa của mình và việc sử dụng tên lửa đạn đạo nằm ngoài thỏa thuận hạt nhân. Ông chỉ trích việc chính quyền Trump coi nước này và Triều Tiên là "các mối đe dọa hạt nhân".
Đồng quan điểm với Tehran, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định việc xóa bỏ thỏa thuận với Iran sẽ khiến cho tình hình trở nên căng thẳng hơn và tạo tiền lệ xấu cho vấn đề Triều Tiên.
Ông Macron khẳng định thỏa thuận này có tính ảnh hưởng rất mạnh, bởi nó không có bất kỳ sự phê phán nào trong thỏa thuận.
Iran sẽ có phản ứng thích hợp nếu Mỹ tiếp tục ép buộc vô căn cứ. Ảnh: BBC
"Châu Âu cần phải khéo léo. Nhìn vào tình hình chung của khu vực. Khủng hoảng đang diễn biến phức tạp khắp mọi nơi trên thế giới.
Iran là một đối tác khu vực tin cậy của châu Âu, không chỉ về lĩnh vực thương mại mà cả trong chính trị. Các siêu cường châu Âu cần phải tuân thủ thỏa thuận này.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) phải khẳng định tuân thủ thỏa thuận này. Sự cứng nhắc của Tổng thống Trump sẽ chỉ vô hình mở rộng khoảng cách giữa các nước liên quan mà thôi," ông Macron phát biểu.
Mớ bòng bong về chương trình hạt nhân ở Triều Tiên vẫn chưa tìm được nút thắt để tháo gỡ, nếu Mỹ lại khơi mào cho những rắc rối mới với Iran bằng việc tìm cách xóa bỏ JCPOA, thế giới có thể sẽ bị đẩy đến những đe dọa tiềm tàng của bài toán hạt nhân không hồi kết.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả