Ông Trump giữa sóng gió bủa vây

Bình Giang |

Khi nhiệm kỳ chỉ còn 13 ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng cũng phải đối mặt với thực tế, giữa những lời kêu gọi phế truất, luận tội ông. Cuộc bạo loạn vừa qua có thể đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông, và đe dọa cả cơ hội của những người xung quanh ông.

Sau vụ bạo loạn ở trụ sở Quốc hội Mỹ, ông Trump đăng video lên án bạo lực xảy ra trong cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông. Sau đó, lần đầu tiên ông thừa nhận rằng nhiệm kỳ của mình sẽ sớm kết thúc, dù ông không gọi tên Tổng thống đắc cử Joe Biden hay khẳng định rõ ràng ông đã thua.

“Chính quyền mới sẽ tuyên thệ vào ngày 20/1. Trọng tâm của tôi bây giờ là bảo đảm sự chuyển giao quyền lực suôn sẻ, trật tự và liền mạch. Khoảnh khắc này cần sự hàn gắn và hòa giải”, ông nói. Phát biểu của ông được cho là nhằm ngăn chặn nguy cơ bị buộc phải rời ghế sớm, và cũng để ngăn tình trạng các quan chức trong chính quyền lũ lượt từ chức.

Và khi giới chức điều tra cụ thể đám đông xông vào phá phách Quốc hội, đang có nhiều cuộc bàn bạc về chuyện luận tội ông lần thứ hai hoặc viện dẫn Tu chính án thứ 25 để buộc ông rời Nhà Trắng trước khi hết nhiệm kỳ.

Vụ xâm chiếm tòa nhà Quốc hội, một biểu tượng cho nền dân chủ Mỹ, gây choáng cho cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Họ đang phải nghĩ xem cách nào tốt nhất để kiểm soát sự bốc đồng của vị tổng thống khi cách sử dụng mạng xã hội của ông chứng tỏ sự nguy hiểm như thế nào, trong khi ông vẫn là tổng tư lệnh của quân đội lớn nhất thế giới. Một số nguồn tin từ đảng Dân chủ tiết lộ đảng này đang bàn cách cắt giảm thủ tục để có thể luận tội ông Trump sớm nhất có thể.

Nỗ lực phế truất ông Trump có thể khó thực hiện vì còn rất ít thời gian. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi về những điều một vị tổng thống tuyệt vọng có thể làm trong ít ngày cuối cùng đang lan truyền ở thủ đô Mỹ và cả bên ngoài. Một số người dự đoán ông Trump có thể xúi giục thêm bạo lực hoặc bổ nhiệm người vội vàng, ân xá vô lý, kể cả cho chính ông và gia đình, hoặc thậm chí gây ra một cuộc xung đột quốc tế để gây bất ổn, AP viết.

Trong video vừa đăng, ông Trump nói rằng “phục vụ các bạn trên cương vị tổng thống là niềm vinh dự của đời tôi”, nhưng ông vẫn ngụ ý về sự tái xuất của mình. Ông nói với những người ủng hộ rằng “hành trình đáng kinh ngạc của chúng ta mới chỉ bắt đầu”.

Dù video được đăng lên mạng xã hội, ông Trump vẫn im lặng và ở yên trong dinh thự cho đến tối 7/1. Nhưng xung quanh ông, nhiều người trung thành quyết định ra đi sớm, để thể hiện chính kiến đối với vụ bạo loạn vừa xảy ra. Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao là thành viên nội các đầu tiên từ chức, tiếp nối là Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos và một số quan chức cấp thấp hơn.

Dấu chấm hết?

Sự việc ngày 6/1 được đánh giá là sẽ đe doạ tương lai chính trị của ông Trump và làm hoen ố triển vọng của các trợ lý và thành viên gia đình ông. Trước ngày 6/1, ông Trump từng nói về khả năng tái tranh cử vào năm 2024 và nhiều người nhận định ông sẽ vẫn có nhiều ảnh hưởng trong đảng Cộng hoà trong những năm tới dù không làm tổng thống. Nhưng biến cố vừa qua đã thay đổi tình thế.

“Sẽ không có sự hồi phục nào. Đó là hành vi xúi giục nổi loạn. Tôi không nghĩ còn tương lai”, một cựu quan chức trong chính quyền Mỹ nhận xét. Quan chức này cho rằng những thành viên nội các và những người không lên tiếng hoặc lặng lẽ từ chức đã bị “vấy bẩn mãi mãi”.

Ngoại trưởng Mike Pompeo, người có thể có tham vọng trở thành tổng thống, cũng đang bị chỉ trích vì đã không lên án chuyện vừa xảy ra. Ông Pompeo chỉ viết trong một tweet rằng chuyện bạo lực vừa qua là “không thể chấp nhận được”. Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận thêm.

“Có thể gọi đó là việc tổng tư lệnh bỏ nhiệm vụ và tôi nghĩ ông ấy đã bị trọng thương trong sự nghiệp chính trị. Tay ông ấy đã dính máu. Một phụ nữ đã chết”, một cựu quan chức Nhà Trắng từng làm việc cho ông Trump nói với Reuters.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại