Ông Trump gây cảm tình để thực hiện chiến lược tách Nga khỏi Trung Quốc?

Vĩnh Thụy |

Các nhà nghiên cứu nói suốt 18 tháng qua, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có các hành động cứng rắn chống Nga, và ông chớ để việc thực hiện chiến lược gây cảm tình với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16.7 phủ lấp các hành động này.

Cựu trung tá bộ binh Mỹ Daniel Davis, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao ở tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại Defense Priorities (ở Washington), nói với Washington Times hôm 17.7:

Trump đã làm nhiều điều rất khiêu khích, như trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga về nước, phóng tên lửa vào Syria, giao tên lửa chống tăng Mũi Lao cho Ukraine, chống lại các quyền lợi của Nga.

Chúng ta đã dành quá nhiều thời gian chú ý tính cách và phong thái của tổng thống, mà bỏ qua chính sách thật sự. Chúng ta có quyền phê phán tổng thống, như đã phê phán Obama. Nhưng chúng ta vẫn cần chú ý đến chính sách”.

Mỹ làm căng với Nga, nhưng đề phòng mối đe dọa từ Trung Quốc

Ngoài các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh đối với hàng trăm doanh nhân, các nhà môi giới quyền lực và các đại gia có ảnh hưởng người Nga, chính phủ Mỹ cũng trục xuất các nhà ngoại giao Nga, chính phủ Trump còn trực tiếp hỗ trợ quân sự cho đối thủ của Nga, khác với chính quyền tiền nhiệm Barack Obama.

Ví dụ đầu năm nay, Mỹ xác nhận đã chuyển đợt tên lửa chống tăng Mũi Lao đầu tiên cho Ukraine vốn đang ngán ngại Nga sau khi mất Crimea năm 2014 và Nga đang ủng hộ quân ly khai ở miền đông Ukraine.

Ông Trump cũng duyệt bán Mũi Lao cho Gruzia vốn từng có cuộc chiến tranh ngắn với Nga năm 2018.

Tuy nhiên, trong khi chính phủ Mỹ có những hành động chống Nga rõ rệt, vài nhà phân tích khu vực nói cùng lúc, ông Trump cũng cẩn thận thực hiện chiến lược tách Nga khỏi Trung Quốc, vì Nhà Trắng xem Trung Quốc chính là mối đe dọa nghiêm trọng và lâu dài đối với nước Mỹ.

Nhà nghiên cứu Ariel Cohen ở tổ chức Atlantic Council nói với báo Washington Times: “Ông Trump đang nỗ lực vươn tay đến ông Putin để tách Nga khỏi Trung Quốc, vì ông nghĩ Trung Quốc là đối thủ chính, cả về chính trị lẫn kinh tế”.

Với viễn cảnh một chiến lược lớn hơn để đối phó Trung Quốc, vài nhà phân tích nói sẽ rất sai khi xem cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Putin là cuộc đầu hàng của Tổng thống Mỹ với một thế lực địch thù mạnh, vì khó có thể xem Nga là đối thủ ngang cơ của Mỹ.

Cựu trung tá Davis nói: “Người ta cứ bám vào tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh, với Nga chính là Liên Xô cùng các thành viên Hiệp ước Warsaw. Những điều đó nay đâu còn tồn tại. Nga có nền kinh tế như Ý, giống như Ý có vũ khí hạt nhân. Chúng ta đừng quá chú ý đến Ý... vì những lý do kinh tế, và cũng nên đừng quá chú ý đến Nga”.

Hai chính sách Trump - Nga và Mỹ - Nga không nhất thiết giống nhau

Trong khi đó, Nhà Trắng hôm 17.7 cố gắng dập tắt lửa phẫn nộ xung quanh cuộc gặp Tổng thống Nga, vì ông Trump đã có hành xử “về phe” với Điện Kremlin của ông Trump và chống lại các cơ quan tình báo Mỹ vốn kết luận Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Khi đứng cạnh ông Putin, ông Trump nói: “Tôi rất tin tưởng giới tình báo của tôi, nhưng tôi cho quí vị biết hôm nay Tổng thống Putin đã mạnh mẽ và cực lực phủ nhận”.

Và ông nói thêm rằng ông “không thấy có bất kỳ lý do nào để Nga đứng sau can thiệp” cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

24 giờ sau, ông Trump đính chính: “Hãy để tôi nói rõ là tôi đồng ý kết luận của các cơ quan tình báo chúng ta, rằng đã xảy ra chuyện Nga can thiệp”.

Tiếp đó, Nhà Trắng công bố tài liệu đề cao quan điểm chống Nga kịch liệt: nỗ lực bảo vệ cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ (tổ chức vào tháng 11 tới), trục xuất các nhà ngoại giao và điệp viên Nga khỏi Mỹ tiếp sau nghi án Nga đầu độc cựu điệp viên phản quốc Sergei Skirpal ở Anh, trừng phạt kinh tế đối với hàng trăm cá nhân và công ty Nga, và Mỹ ủng hộ Ukraine và các đồng minh NATO.

Hoặc hồi tháng 6, quân đội Mỹ tổ chức cuộc tập trận Nhát kiếm (Saber Strike) ở miền đông Ba Lan, cùng với quân Anh, Croatia và Romania. Cuộc tập trận lớn nhất khu vực này nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa các nước, và để phô trương với Nga rằng Mỹ có khả năng đánh chặn mạnh ở vùng đông bắc Ba Lan.

Các chuyên gia chính sách đối ngoại nói sự quay ngoắt 180 độ của ông Trump hôm 17.7 có thể giải thích từ thực tế này: đôi khi ông Trump tự cho phép các cố vấn kiềm chế ông, và cách tiếp cận với Nga của cá nhân ông hoàn toàn khác với tư tưởng của Washington.

Chuyên gia Cohen nói: “Tôi cho rằng có một chính sách Trump - Nga và một chính sách Mỹ - Nga. Tôi ghét phải nói ra, nhưng không nhất thiết hai chính sách phải giống nhau. Chính sách Mỹ - Nga là Nga hành xử phi pháp, vi phạm luật quốc tế khi tấn công Ukraine, sáp nhập Crimea, tấn công mạng bầu cử Mỹ, ủng hộ độc tài Syria. Đã có sự nhất trí 90% rằng chúng ta cần phải cảnh giác Nga”.

Thực tế tầm ảnh hưởng toàn cầu của Nga không lớn như vẫn hình dung

Đã có những tín hiệu ông Trump ý thức cần cảnh giác với Nga. Nhưng viễn cảnh quyền lực Nga trên vũ đài toàn cầu có thể nhỏ hơn, không lớn như vẫn ngỡ.

Hiện hàng trăm doanh nhân, các nhà môi giới quyền lực và các đại gia có ảnh hưởng người Nga đều bị Mỹ trừng phạt kinh tế nặng, và chính phủ Mỹ cũng đang xét khả năng tăng thêm trừng phạt các quan chức Nga, nếu Moscow tiếp tục thúc đẩy dự án tuyến ống dẫn dầu gây tranh cãi Nord Stream 2, vốn sẽ chuyển khí đốt Nga qua vùng biển Baltic đến Đức.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO tuần trước, Tổng thống Mỹ mạnh lời chỉ trích dự án tuyến ống dẫn dầu Nord Stream 2 của Nga, nói nó sẽ khiến châu Âu ngày càng lệ thuộc năng lượng Nga, đẩy Ukraine và các nước khác vào nguy cơ bị Nga cắt nguồn khí đốt, và củng cố quan hệ giữa Nga với Đức.

Các chuyên gia nói việc ông Putin dùng năng lượng làm vũ khí địa - chính trị là chuyện không mới, và trong nhiều năm qua, Nga tăng cường gây chia rẽ quốc tế như một cách tự thể hiện có quyền lực kinh tế và có tầm ảnh hưởng với vũ đài thế giới, cũng như để nâng giá dầu thô.

Dầu khí chiếm gần 40% nguồn thu cho chính phủ Nga, và việc duy trì giá dầu cao và ổn định cũng như đạt được các hợp đồng năng lượng mới - như Nord Stream 2 - là trọng tâm trong chiến lược của Điện Kremlin.

Giá dầu giảm và không có khách hàng mới mua năng lượng sẽ là một thảm họa kinh tế cho Nga, vốn hiện khẳng định có mức GDP gần bằng Canada hoặc Hàn Quốc.

Theo Ngân hàng Thế giới, GDP của Mỹ năm 2017 đạt 19,4 ngàn tỉ USD, Trung Quốc đạt 12, 2 ngàn tỉ USD, còn Nga đạt 1.6 ngàn tỉ USD, đứng hạng 11 sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Brazil, Ý và Canada.

Chuyên gia Cohen nói nếu giá dầu dưới 50 USD/thùng, GDP của Nga có thể giảm xuống còn 1,25 ngàn tỉ USD. Nhưng nếu giá dầu tăng lên khoảng 100 USD/thùng, GDP của Nga có thể vươn tới gần 2 ngàn tỉ USD.

Với nhận thức này, Nga đang tích cực hợp tác với Ả rập Saudi cùng các nước hàng đầu trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) để cố gắng giữ giá dầu ổn định và bảo vệ GDP của Nga.

Điều này cho thấy dầu khí - hai sản phẩm của Nga có nguồn cầu cao - vẫn là trọng tâm cho Nga duy trì nền kinh tế. Chuyên gia Cohen kết luận: “Bạn sẽ không bao giờ mua xe Nga, thời trang Nga, máy X-quang Nga. Họ không có nguồn lực để tăng trưởng kỹ thuật cao”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại