Ông Trump dọa xóa thỏa thuận hạt nhân: Châu Âu tái mặt, lời tiên tri ở Iran thành sự thật

Hải Võ |

Hai năm sau khi được ký kết, Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran với 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ cùng Đức, EU đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Tổng thống Donald Trump gọi JCPOA "là thỏa thuận tệ hại nhất", và có thể Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận trong tuần này.

JCPOA, thường được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết nhằm bảo đảm chương trình hạt nhân của Iran được phát triển chỉ để phục vụ các mục đích dân sự, đồng thời giảm khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran thông qua làm giảm kho dự trữ uranium được làm giàu và loại bỏ các máy ly tâm dùng để làm giàu uranium của nước này.

Đổi lại sự đồng thuận của Iran, các biện pháp cấm vận của Liên hợp quốc đã được dỡ bỏ, hàng tỉ USD tài sản bị đóng băng được giải phóng và Mỹ kết thúc một số lệnh trừng phạt thứ cấp liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.

Cam kết của Iran với JCPOA được ghi lại trong Nghị quyết số 2231, và được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bảo đảm.

Thỏa thuận hạt nhân là kết quả nỗ lực ngoại giao trong nhiều năm của chính quyền Barack Obama, do Ngoại trưởng John Kerry làm đại diện, và chính phủ của tổng thống Iran Hassan Rouhani do Ngoại trưởng Jawad Zarif đại diện.

Ở cả Tehran và Washington, những tiếng nói phản đối chỉ trích rằng JCPOA là "sự thỏa hiệp quá đáng" với đối thủ. Quốc hội Mỹ còn thông qua một đạo luật yêu cầu tổng thống phải xác nhận theo định kỳ mỗi 90 ngày rằng Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận.

Ông Trump dọa xóa thỏa thuận hạt nhân: Châu Âu tái mặt, lời tiên tri ở Iran thành sự thật - Ảnh 1.

Iran đã đồng ý cắt giảm mạnh kho dự trữ uranium làm giàu của mình, như một phần của thỏa thuận hạt nhân (Ảnh: AP Photo/Mehr News Agency)

Châu Âu bất an

Theo Al Jazeera, quy trình xác nhận của Mỹ chính là nguồn cơn cho tình trạng khủng hoảng lúc này, khi tổng thống Trump đe dọa rút lại sự ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân và mở đường cho các lệnh trừng phạt mới, trong khi Tehran cảnh báo rút khỏi một phần hoặc toàn bộ thỏa thuận để trả đũa.

"Nếu chính quyền Trump quyết định không xác nhận rằng Iran đã tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận thì Quốc hội Mỹ sẽ có thể áp lệnh cấm vận mới, hoặc khôi phục toàn bộ hay từng phần lệnh cấm vận cũ đã được dỡ bỏ nhờ JCPOA," giáo sư Jonathan Brewer, chuyên ngành nghiên cứu chiến tranh tại King's College London, Anh, đánh giá.

"Ít nhất thì người châu Âu sẽ vận động các chính quyền của họ tiếp tục xác nhận Iran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân," ông nói. Các nhà ngoại giao châu Âu cũng được trao nhiệm vụ bảo đảm Iran không rút khỏi thỏa thuận ngay cả khi nỗ lực với Mỹ thất bại.

Ông Brewer, từng lãnh đạo chiến dịch Chống phổ biến vũ khí hạt nhân của chính phủ Anh, cho biết các nước châu Âu mong muốn bảo vệ JCPOA, để qua đó tiếp tục phát triển các liên hệ về chính trị và thương mại với Tehran.

"Duy trì trao đổi thương mại cũng sẽ trở thành một rắc rối với các doanh nghiệp châu Âu nếu Mỹ tái khởi động các lệnh cấm vận," ông bình luận.

Trang Quartz (Mỹ) hôm 27/9 nêu ra rủi ro mà các nhà sản xuất của Mỹ và châu Âu như Boeing hay Airbus phải đối mặt, bởi các hãng này đã ký thỏa thuận cung cấp hàng trăm máy bay cho Iran, sau khi cấm vận với Tehran được dỡ bỏ. Những hợp đồng trị giá lên tới 32 tỉ USD có nguy cơ đổ bể.

"Đối tác không thể tin cậy"

Hậu quả của sự đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân sẽ không dừng lại ở các liên hệ "chớm nở" giữa châu Âu với Iran, mà còn gia tăng nhận thức của các nước về Mỹ là nước kém uy tín trong chính trị toàn cầu kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống.

Al Jazeera cho rằng ông Trump đã cho thấy phong cách ngoại giao "khó lường" khi đe dọa bắt Mexico trả phí cho việc xây dựng bức tường ở biên giới hai nước.

Ông Arshin Adib-Moghaddam, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Iran, thuộc Trường nghiên cứu châu Phi và phương Đông ở London, Anh, nói: "Đến cuối cùng, châu Âu và phần còn lại của thế giới sẽ nhìn nhận Mỹ là một kẻ gây rối quốc tế và là đối tác không đáng tin cậy."

"Iran chia sẻ quan điểm này và sẽ ngăn cản bất kỳ sáng kiến ngoại giao nào có liên quan đến chính quyền Trump."

Ông Trump dọa xóa thỏa thuận hạt nhân: Châu Âu tái mặt, lời tiên tri ở Iran thành sự thật - Ảnh 2.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

"Lời tiên tri thành hiện thực"

Nếu chính quyền Trump không tiếp tục xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận, thì động thái này sẽ như một sự thừa nhận các chỉ trích từ phe bảo thủ đối lập với Tổng thống Iran Rouhani nhằm vào JCPOA là đúng.

Theo giáo sư Anoush Ehteshami của Đại học Durham, Anh: "Ông Rouhani sẽ bị đẩy vào thế khó bởi nhận thức về sự bất tín của người Mỹ [từ phe đối lập ở Iran]."

Ông cho biết, luồng quan điểm đang thắng thế ở Iran hiện nay cho rằng JCPOA "sẽ không thể sống sót bởi người Mỹ không chơi theo những điều luật đã nhất trí".

"[Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali] Khamenei sẽ nói rằng Iran không nên tin Mỹ ngay từ đầu. Đó sẽ là 'lời tiên tri thành hiện thực', chừng nào phe bảo thủ còn hiện diện, và áp lực trong nước sẽ buộc ông Rouhani phải phản ứng hoặc trả đũa [Mỹ] bằng cách nào đó."

"[Rouhani] sẽ nhận thấy ngày càng khó cân bằng lợi ích giữa những người theo lập trường cứng rắn trong nước và các lợi ích rộng hơn của cử tri đã bầu cho ông - những người muốn thỏa thuận hạt nhân được duy trì, và muốn thấy lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn, để họ có thể tự do đi lại," học giả Ehteshami cho hay.

Với nhiều nhà quan sát, bao gồm các đối thủ của Iran ở Trung Đông, JCPOA được phổ biến ghi nhận là bước đầu trong nỗ lực tái tiếp cận nhau giữa Washington và Tehran. Nhưng ông Ehteshami lưu ý rằng hai nước cũng chưa hề tiến gần đến việc bình thường hóa quan hệ dưới thời Obama.

"Việc bình thường hóa phải mất nhiều thời gian hơn. Xây dựng lòng tin là cả một quá trình thai nghén và hai bên phải cùng tạo dựng lòng tin đó," ông nói.

Theo ông Ehteshami, một tổng thống Mỹ "giống hình mẫu Obama" sẽ giúp củng cố thỏa thuận hạt nhân thuận lợi hơn, bằng cách mở rộng liên hệ về xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị.

"Tôi nghĩ rằng các mối quan hệ [giữa Mỹ và Iran] đã đóng băng trở lại," ông kết luận.

[VIDEO] Một cuộc tập trận của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại