Ông Trump nói rằng, Moscow đã vi phạm Hiêp ước, không cho phép Mỹ tiến hành các chuyến bay qua những khu vực nghi ngờ Nga đang triển khai các loại vũ khí hạt nhân có thể bắn tới châu Âu, đồng thời cấm các chuyến bay qua các cuộc tập trận lớn của Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Nga đã sử dụng các thông tin thu thập được trong khuôn khổ Hiệp ước để triển khai vũ khí nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ và các nước thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
01.
Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở nằm trong chính sách chung của Trump
Việc Washington rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là nằm trong chính sách của Tổng thống Trump và cách tiếp cận tiêu cực của ông đối với các điều ước và hệ thống luật pháp quốc tế.
Sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng,ông Trump đã rút khỏi nhiều hiệp ước quốc tế quan trọng như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (2017); Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (2017); Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO (2017); Hiệp ước toàn cầu về di trú GCM (2017); Hội đồng nhân quyền (2018);Thoả thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện PCPOA (2018); và Hiệp ước cắt giảm các lực lượng hạt nhân tầm trung INF(2019).
Trước đây, Mỹ cũng đã rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo ABM (2002).
Theo báo New York Times, Tổng thống D. Trump cũng không có ý định gia hạn Hiệp định giữa Nga và Mỹ về giải trừ và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), hết hạn vào năm 2021.
Như vậy, với tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, Washington đã rút khỏi tất cả các thỏa thuận ký kết với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.
02.
Phản ứng của Nga
Bộ Ngoại giao Nga, trong phản ứng của mình, cho biết Washington đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về các vi phạm của Nga và coi hành vi của Mỹ là một bước tiến mới trong việc phá vỡ hệ thống an ninh toàn cầu.
Các nhà phân tích chính trị Nga cho rằng việc Mỹ cáo buộc Moscow không tuân thủ Hiệp ước, không cho phép máy bay giám sát của Mỹ bay trên không phận khu vực Kaliningrad hoặc theo hành lang không được vượt quá 10 km dọc biên giới Nga với Georgia, Nam Ossetia và Abkhazia chỉ là cái cớ để rút khỏi thỏa thuận mà thôi.
Trên thực tế, Georgia đã trở thành một quốc gia độc lập và không phải là thành viên của Hiệp ước bầu trời mở. Mặt khác, năm 2008, Nga đã công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Osetia.
Về cáo buộc Nga năm 2019 đã từ chối một chuyến bay quan sát của Mỹ ở khu vực Kaliningrad, Bộ Ngoại giao Nga giải thích rằng, lúc đó đang diễn ra cuộc tập trận "Trung tâm - 2019", phía Nga rất khó có thể đảm bảo an toàn cho các chuyến bay trong một môi trường như vậy.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói, từ lâu phía Mỹ đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc thực thi Hiệp ước, trong đó có việc thay đổi thủ tục cho các chuyến bay qua quần đảo Hawaii.
Bà M. Zakharova viện dẫn trường hợp năm 2016 phía Mỹ đã không đảm bảo an toàn cho máy bay Nga tại điểm xuất - nhập cảnh, đồng thời từ chối cung cấp số lượng sân bay trung gian cần thiết và năm 2017 đã không cho phép phi hành đoàn các máy bay quan sát của Nga nghỉ qua đêm tại các sân bay tiếp nhiên liệu Robins và Ellswort, ngoài ra còn từ chối cung cấp dịch vụ lưu trú qua đêm trên lãnh thổ Mỹ và nhiều vi phạm khác.
Theo bà Zakharova, Washington là bên đầu tiên áp dụng các hạn chế đối với các chuyến bay quan sát của Nga. Sau đó Moscow đã đáp trả quyết định này bằng các biện pháp tương tự.
Vụ trưởng Vụ không phổ biến và kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Ermakov coi việc Washington tuyên bố rút khỏi Hiệp ước là để phản ứng lại đối với các vi phạm của Moscow là hoàn toàn vô căn cứ.
Chủ tịch Uỷ ban Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga về các vấn đề quốc tế, ông Konstantin Kosachev, tỏ khó hiểu trước quyết định của Mỹ. Ông cho rằng, điều đó chủ yếu sẽ gây tổn hại cho Washington.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky nhấn mạnh, Nga đã có kế hoạch đáp trả và Moscow bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của mình.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Groshko tuyên bố rằng Moscow sẽ tiếp tục tuân thủ Hiệp ước chừng nào nó còn hiệu lực.
03.
Nội bộ Mỹ chia rẽ về quyết định của Tổng thống Trump
Quyết định của Tổng thống D. Trump đã gây nhiều phản ứng không thuận trong nội bộ nước Mỹ.
Cựu Tổng thống Mỹ, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden nói, việc ông Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là một quyết định "thiển cận", sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng giữa phương Tây và Nga, cũng như gia tăng nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột.
Thành viên Ủy ban các lực lượng vũ trang của Thượng viện Mỹ Gene Shahin thuộc đảng Dân chủ, bang New Hampshire gọi quyết định củaTrump là sai lầm. Theo bà, quyết định này không chỉ có tác động tai hại đến khả năng của Mỹ thực hiện các chuyến bay giám sát trên lãnh thổ nước Nga, mà còn cho phép Nga tiếp tục các chuyến bay quan sát trên các căn cứ của Mỹ ở châu Âu.
Các nghị sĩ Quốc hội Adam Smith thuộc đảng Dân chủ, bang Washington và James Cooper cũng thuộc đảng Dân chủ, bang Tennessee đã gọi quyết định của chính quyền D. Trump rút khỏi Hiệp ước là một cái tát vào mặt các đồng minh Mỹ ở Châu Âu.
Sau tuyên bố của Trump, Thượng nghị sĩ Edward Markey và Dân biểu Jimmy Panetta, cả hai thuộc đảng Dân chủ đã đưa ra một dự luật cấm Tổng thống tuyên bố rút khỏi các điều ước quốc tế mà không được phép của Quốc hội.
04.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu lo ngại
Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stefan Dujarric nói rằng, việc chấm dứt các thỏa thuận hiện nay về kiểm soát vũ khí giữa Liên bang Nga và Mỹ có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm, một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Mặc dù Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về An ninh Quốc tế Christopher Ford nói rằng, Washington đã tham khảo ý kiến của đồng minh trước khi đưa ra quyết định, nhưng hầu hết các nước đều không ủng hộ việc Mỹ rút khỏi TOS.
Ngày 22/5/2020, các nước thành viên NATO đã phải triệu tập họp khẩn cấp và ra tuyên bố chung liên quan đến động thái của Mỹ.
Hiệp ước Bầu trời mở là nhân tố then chốt của khuôn khổ xây dựng lòng tin và đã tồn tại nhiều thập kỷ nhằm tăng cường tính minh bạch và an ninh ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương
Tuyên bố khẳng định Hiệp ước ngày càng có giá trị đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí thông thường và an ninh chung và cam kết sẽ tiếp tục thực thi Hiệp ước này. Tổng thư ký NATO Jen Stontelberg cho biết NATO sẵn sàng duy trì đối thoại với Nga để cùng giải quyết các bất đồng.
Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) Thomas Greminger tuyên bố, quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở là hết sức lo ngại.
Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrel bày tỏ sự hối tiếc về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Ông kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định này với Nga và trở lại thực hiện đầy đủ Hiệp ước.
Ông Borrel nói: "Tôi rất tiếc về việc Mỹ đã quyết định rút khỏi TOS. Hiệp ước này là một nhân tố cơ bản trong cơ cấu kiểm soát vũ khí của châu Âu và là một biện pháp quan trọng để xây dựng lòng tin và an ninh. Hiệp ước cung cấp sự minh bạch về quân sự. Đây là một đóng góp quan trọng cho an ninh và ổn định ở châu Âu và trên toàn cầu. Việc rút khỏi Hiệp ước này không phải là một giải pháp cho các vấn đề đang tồn tại hiện nay."
Đức và Thụy Điển tỏ ra rất tiếc về việc Mỹ rút khỏi TOS. Ngoại trưởng Thụy Điển Anne Linde cho rằng, Hiệp ước này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và an ninh ở châu Âu. Bà tỏ sự hối tiếc về quyết định của Mỹ và hy vọng phía Mỹ sẽ xem xét lại quyết định của mình.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh rằng, Berlin lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ. Ông lưu ý rằng những khó khăn mà Nga gặp phải trong việc thực hiện Hiệp ước không thể biện minh cho việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước này. Ông khẳng định, Đức không có ý định rút khỏi TOS và sẽ tiếp tục thực hiện đồng thời sẽ làm hết sức mình để duy trì Hiệp ước này.
Chính quyền Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu cũng khẳng định cam kết của mình đối với Hiệp ước, nhưng tỏ ra thông cảm với quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước này.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, các chuyến bay của Mỹ qua Nga hiện nay không còn quá quan trọng vì họ vừa phóng hai vệ tinh tình báo điện tử hệ Keyhole hiện đại có khả năng thu thập các thông tin chính xác trên mặt đất.
Việc Mỹ rút khỏi TOS sẽ gây tổn hại cho các đồng minh của Mỹ ở châu Âu nhiều hơn so với Nga.
Các nước châu Âu thành viên NATO sẽ mất cơ hội thực hiện các chuyến bay trên bầu trời của Nga, sẽ không thể nhận được các thông tin trong các chuyến bay qua Nga theo Hiệp ước, trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các thông tin tình báo của Mỹ thu thập từ các vệ tinh.
Trong tình hình này, Washington sẽ định phần lớn chính sách của NATO. Vì vậy, các nước châu Âu sẽ phải gắn với Mỹ về an ninh.
Hiệp ước Bầu trời mở là gì?
Hiệp ước "Bầu trời mở - Treaty on Open Skies" là một Hiệp ước quốc tế đa phương được 23 quốc gia thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) ký kết ngày 24/3/1992 tại Helsinki, Phần Lan.
Đến nay đã có 35 nước tham gia Hiệp ước này. Kyrgyzstan là quốc gia cuối cùng ký Hiệp ước, nhưng chưa phê chuẩn. Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực từ 2002, cho phép các máy bay trinh sát không vũ trang của các nước tham gia ký kết thực hiện các chuyến bay trên không phận của nhau nhằm giám sát các hoạt động quân sự và việc tuân thủ các hiệp ước kiểm soát vũ khí hiện hành.
Mỗi nước tham gia Hiệp ước có nghĩa vụ tiến hành các chuyến bay hàng năm. Số lượng các chuyến bay được quy định cho từng nước thành viên. Mỹ và nhóm nước gồm Nga và Belarus mỗi năm được thực hiện 42 chuyến bay. Hiệp ước Bầu trời mở là một biện pháp có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố lòng tin và an ninh giữa các quốc gia sau Chiến tranh Lạnh.
Máy bay giám sát không được trang bị vũ khí. Các thiết bị được lắp đặt trên máy bay phải được đại diện của các quốc gia tham gia Hiệp ước kiểm tra. Trên máy bay phải có đại diện của quốc gia khi chuyến bay được tiến hành trên lãnh thổ của mình. Các chuyến bay được thực hiện từ một số sân bay nhất định.
Ở Nga, những sân bay như vậy được đặt tại Kubinka thuộc Moscow, Ulan-Ude, Magadan và Vorkuta. Liên bang Nga đã phê chuẩn Hiệp ước Bầu trời mở vào ngày 26/5/2001, nhưng trên thực tế đã tham gia ngay từ đầu.