Mỹ lên kế hoạch cấm TikTok hoạt động
Vào tối thứ Sáu, 31/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cấm ứng dụng video Tiktok, do công ty chủ quản có trụ sở tại Trung Quốc.
“Về vấn đề TikTok, chính phủ Mỹ sẽ cấm ứng dụng này hoạt động”, ông Trump phát biểu như vậy trên chuyến bay Air Force One.
Nhiều người dùng nói với NBC News rằng TikTok, ứng dụng phổ biến với 100 triệu người dùng ở Mỹ, đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhiều người trong đại dịch COVID-19 như là phương tiện giải trí, giáo dục và kết nối cộng đồng. Họ cho biết TikTok giúp mọi người quên đi thực tế khắc nghiệt bên ngoài và cảm thấy được kết nối với cộng đồng.
Một số người nói rằng nếu ông Trump quyết định cấm ứng dụng, thì điều này sẽ khiến cho nhiều người dùng TikTok trẻ tuổi đi bỏ phiếu chống lại tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
"Tôi nghĩ rằng đây chắc chắn sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với các cử tri trẻ tuổi đi bỏ phiếu bầu năm nay," Kay Elkins, 18 tuổi, sống ở bang Washington, cho biết.
Ứng dụng TikTok gần đây đang tâm điểm gây tranh cãi tại Mỹ vì trụ sở chính của công ty ở Trung Quốc. Luật pháp Trung Quốc có thể buộc bất kỳ công ty nội địa giao nộp dữ liệu họ đã thu thập của người dùng. Giống như các ứng dụng khác, TikTok cũng theo dõi các vị trí điện thoại và dữ liệu của người dùng. Theo NBC, phía Trung Quốc đã thể hiện mong muốn truy cập dữ liệu cá nhân của người dân Mỹ.
TikTok nhiều lần khẳng định doanh nghiệp này là công ty độc lập và không phải tuân theo các yêu cầu của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân gần đây nói rằng chính phủ nước này coi TikTok là một công ty nội địa.
Người dùng Mỹ không muốn "chia tay" TikTok
Dù TikTok vướng vào căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ-Trung, nhiều người dùng nói họ không cảm thấy phiền khi ứng dụng này có liên quan tới Trung Quốc.
"Tôi thấy rất kỳ cục khi chứng kiến những gì đang diễn ra trên thế giới và tại nước Mỹ," anh Elkins nói. "Tôi nghĩ rằng nếu Tiktok thuộc sở hữu của một quốc gia châu Âu, ông Trump thậm chí sẽ không nghĩ tới việc cấm nó nữa."
Thông tin về dự định cấm TikTok của ông Trump đã khiến cộng đồng người dùng của ứng dụng này dậy sóng, với những người có tầm ảnh hưởng kêu gọi những người theo dõi tìm họ trên các mạng xã hội khác như Twitter hoặc Instagram.
“Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người nói về một chuyện trên ứng dụng này lâu đến vậy. Tôi thấy ứng dụng có nhiều thứ thú vị mà người dùng có thể làm trên TikTok.Việc mọi người đang không ngừng nói về nó khi nó đối mặt lệnh cấm là điều khá thú vị," Clara McCourt, 18 tuổi, ở New Jersey nói.
Đối với một số người dùng như Tyler Nyx, cô nói rằng mình sẽ cảm thấy suy sụp nếu không còn được chơi TikTok. Khía cạnh cộng đồng là một lý do khiến những người trẻ tuổi rất muốn duy trì TikTok. Đối với Nyx, cộng đồng này đã giúp cô thu hút tới 400.000 người theo dõi và kết nối với những người sáng tạo nội dung khác. Cô chia sẻ việc nhận được tin nhắn mỗi ngày từ những người phụ nữ nói rằng những video của cô đã thay đổi cuộc sống của họ.
"Khả năng giúp đỡ người khác giúp bản thân tôi cảm thấy thật tuyệt vời," cô Nyx nói. "Tôi rất đau lòng khi biết về lệnh cấm của tổng thống Trump. Tôi không thể tưởng tượng được việc mất đi cộng đồng này mà tôi đã dành nhiều tháng để xây dựng nên. Nếu cộng đồng này không còn nữa, tôi sẽ không biết phải làm gì nữa."
Các cộng đồng như TikTok đang trở nên quan trọng đối với những người trẻ tuổi trong thời gian dịch bệnh, do những ứng dụng này giúp họ cảm thấy ít cô lập hơn.
"Trong thời điểm dịch bệnh như hiện tại, tôi biết được mình không trải qua thời gian đáng sợ này một mình khiến tôi cảm thấy rất ấm lòng và sẽ rất thất vọng nếu ứng dụng này không còn nữa," Elkins nói.
Nhiều cử tri trẻ sẽ đi bầu để ngăn ông Trump
Nhiều người trong số những người dùng TikTok tại Mỹ chia sẻ với NBC News rằng họ sẽ lần đầu tiên đi bầu cử vào tháng 11 tới. Quyết định của ông Trump đã thúc đẩy họ đi bỏ phiếu.
Một số người khác nói rằng quyết định cấm này tạo ra cảm giác tổng thống đang muốn trả đũa cho việc người dùng TikTok đồng loạt đặt vé tham dự các buổi mít-tinh tranh cử của ông tại Tulsa, bang Oklahoma, mà không hề có ý định tham dự.
Dù không rõ liệu các vé ảo của cộng đồng TikTok có ảnh hưởng gì đến số lượng người thực tế tham gia cuộc mít-tinh hay không, song việc đặt vé chắc chắn đã khiến những người tổ chức chiến dịch của ông Trump kì vọng vào số lượng người tham gia lớn hơn thực tế.
"Tôi nghĩ rằng ông Trump cảm thấy bị đe dọa bởi vì ông biết rằng ứng dụng này đã được sử dụng để chống lại ông trong sự kiện vận động tại Tulsa," anh Elkins nói về TikTok.
Trong một thông điệp được đăng lên TikTok ngày 1/8, Tổng Giám đốc TikTok Mỹ Vanessa Pappas cho biết ứng dụng này sẽ tiếp tục hoạt động tại Mỹ.
"Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ các bạn và chúng tôi muốn nói lời cảm ơn. Chúng tôi không có kế hoạch di chuyển đi bất cứ nơi nào cả," bà Pappas nói. "Chúng tôi rất tự hào về tất cả các cộng đồng khác nhau coi TikTok là nhà của họ."
Pappas cho hay TikTok hiện đang có 1.500 nhân viên tại Mỹ. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên TikTok cho biết họ cam kết bảo mật thông tin cho 100 triệu người dùng Mỹ.
"Chúng tôi đã sử dụng gần 1.000 nhân viên cho chi nhánh tại Mỹ trong năm nay và đã có kế hoạch tuyển dụng thêm 10.000 nhân viên nữa trên khắp nước Mỹ", phát ngôn viên Tiktok nói. "Tiktok đã thành lập quỹ sáng tạo trị giá 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ các nhà sáng tạo nội dung tại Mỹ."
"Dữ liệu người dùng TikTok được lưu trữ tại Mỹ cùng với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với quyền truy cập của nhân viên", trích tuyên bố của TikTok.
"Các nhà đầu tư lớn nhất của ứng dụng này cũng đến từ nước Mỹ. Chúng tôi cam kết bảo vệ quyền riêng tư và sự an toàn của người dùng, và tiếp tục làm việc để mang lại niềm vui cho các gia đình cùng sự nghiệp có ý nghĩa cho những người sáng tạo nội dung trên nền tảng của mình."
Những tuyên bố này được coi là một nguồn an ủi cho người dùng TikTok vì đã giúp họ cảm thấy an tâm rằng những nhà vận hành sẽ chiến đấu đến cùng để duy trì hoạt động của nó tại Mỹ.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus