Nhóm vũ trang chống chính phủ Iran lớn nhất trong lịch sử?
Tổ chức thánh chiến của nhân dân Iran (MEK) - Nhóm vũ trang lớn nhất và là "kẻ thù hoạt động tích cực" nhất của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran có một lịch sử đầy biến động và đẫm máu.
Là những người Hồi giáo cực đoan, các thành viên của MEK đã ủng hộ cuộc cách mạng Iran năm 1979 lật đổ Shah. Nhưng quan hệ giữa MEK với Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Khomeini đã nhanh chóng trở nên xấu đi.
Khi lực lượng vũ trang của Cộng hòa Hồi giáo triển khai các cuộc đàn áp sau đó trở thành hoạt động truy quét, MEK đã phải lưu vong.
Các chiến binh MEK tại Tehran năm 1982.
Iraq dưới thời nhà lãnh đạo Saddam Hussein, kẻ địch của Iran trong chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988) đã cung cấp nơi trú ẩn cho MEK. Và để đổi lại, các thành viên của MEK đã cùng với quân Iraq chống lại các đồng hương Iran.
Gholam Mirzai là một tù binh Iran, người đã bị bắt từ giai đoạn đầu của chiến tranh. Ông đã bị cầm tù 8 năm ở Iraq và khi chính phủ Iraq khuyến kích tù binh như Mirzai tham gia MEK, ông đã lựa chọn gia nhập.
Hiện tại Mirzai đã 60 tuổi, ông đã bỏ trốn vào 2 năm trước khỏi một khu dân cư kiểu doanh trại của MEK bên ngoài Tirana, thủ đô của Albania. Lần liên lạc đầu tiên qua điện thoại của Mirzai với gia đình sau nhiều năm cũng là điều rất khó khăn với ông.
"Tôi chưa nói chuyện với vợ và con trai trong hơn 37 năm. Họ nghĩ tôi đã chết. Nhưng khi tôi nói với họ rằng tôi còn sống và đang ở Albania, họ đã khóc".
Mirzai hiện là một "kẻ ly khai", một trong hàng trăm cựu thành viên MEK đã rời bỏ tổ chức kể từ khi chuyển đến Albania. Họ đã bị MEK buộc tội làm gián điệp cho kẻ thù mà họ đã tuyên thệ chống lại, Cộng hòa Hồi giáo Iran.
MEK từng là lực lượng "thân binh" của nhà lãnh đạo Saddam Hussein ở Iraq.
Với sự giúp đỡ từ gia đình ở Iran, một số cựu thành viên MEK đã được những kẻ buôn người đưa tới những nơi khác ở châu Âu (bản thân quốc gia chủ quản Albania bị đánh giá là nền kinh tế nghèo theo tiêu chuẩn Châu Âu) và ít nhất hai người đã quay trở về Iran.
Nhưng hàng chục cựu thành viên MEK vẫn ở lại Albania, không quốc tịch và không thể làm những công việc chính thức.
Tại sao mà các thành viên vũ trang của MEK, từng được Mỹ và Châu Âu liệt kê là một nhóm khủng bố lại xuất hiện ở khu vực này của Châu Âu?
Các sĩ quan MEK tại Albania và Gholam Mirzai.
Hành trình từ Trung Đông tới Châu Âu
Năm 2003, cuộc xâm lược Iraq của Mỹ và đồng minh đã lật đổ chính phủ của nhà lãnh đạo Saddam Hussein. Mất "ô bảo vệ", MEK liên tiếp bị tấn công, hàng trăm thành viên đã thiệt mạng và bị thương.
Lo sợ một thảm họa nhân đạo và thấy rằng MEK "còn có thể dùng được" trong tương lai, người Mỹ đã tiếp cận chính phủ Albania vào năm 2013 và thuyết phục họ tiếp nhận khoảng 3.000 thành viên MEK.
Tình hình chính trị hiện tại của Albania bị phân cực sâu sắc, gần như mọi thứ đều trở thành chủ đề tranh cãi ở nghị trường. Nhưng sự hiện diện không công khai của các "vị khách Iran" nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng cầm quyền và phe đối lập.
Khác với Iraq, Albania là một môi trường hoàn toàn mới với MEK. Gholam Mirzai đã rất ngạc nhiên khi ngay cả trẻ em cũng sở hữu điện thoại di động.
Một số thành viên đã được bố trí sống trong các chung cư ở rìa thủ đô Tirana, sự kiểm soát của MEK đối với các thành viên trở nên lỏng lẻo. Ở Iraq, MEK đã kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của thành viên, nhưng ở Albania, tạm thời họ có một cơ hội để được tự do.
"Khi chúng tôi ở Iraq, nếu muốn gọi điện thoại về nhà, MEK sẽ gọi bạn là kẻ yếu đuối. Chúng tôi không có mối liên hệ nào với gia đình. Nhưng khi chúng tôi đến Tirana, chúng tôi đã có internet để liên lạc", Gholam Mirzai nói.
Một trại huấn luyện của MEK ở Iraq sau cuộc xâm lược của Mỹ và đồng minh.
Những "lá bài" còn giá trị sử dụng hay các "tu sĩ"?
Sau một thời gian xây dựng, vào cuối năm 2017, MEK đã chuyển đến căn cứ mới. Doanh trại được xây dựng trên một ngọn đồi ở Albania, cách Tirana khoảng 30 km. Vào tháng 7/2019, hàng nghìn người đã tham dự một sự kiện được gọi là "Iran tự do" của MEK trong trại.
Các chính trị gia từ khắp nơi trên thế giới, những người Albani có ảnh hưởng và người dân từ ngôi làng Manze gần đó đã tham gia sự kiện cùng hàng nghìn thành viên MEK và lãnh đạo của họ, ông Maryam Rajavi trong một "khán phòng hào nhoáng".
Luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Rudy Giuliani đã phát biểu: "Đây là những người chiến đấu cho tự do".
Ông Rudy Giuliani, phát biểu trong sự kiện "Iran tự do". Trên bục phát biểu của ông có dòng chữ "thay đổi chế độ" là một nhân vật thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các chính trị gia Hoa Kỳ như Giuliani vẫn hào hứng và tiếp tục ủng hộ mục tiêu lật đổ chế độ ở Iran của MEK nhưng Hassan Heyrany không còn theo đuổi nó nữa. Heyrany gia nhập MEK năm 20 tuổi, nhưng năm 2018 anh đã chạy trốn cái gọi là "sự áp bức với những vấn đề riêng tư".
Heyrany nói rằng MEK đã tổ chức các cuộc họp bắt buộc tham dự vào buổi tối: "Chúng tôi được phát một cuốn sổ nhỏ và nếu có bất kỳ ham muốn tình dục nào, chúng tôi phải viết chúng ra".
Các mối quan hệ tình cảm và hôn nhân bị MEK cấm sau thất bại đẫm máu của một cuộc truy quét MEK của Iran, giới lãnh đạo lập luận rằng việc đó đã diễn ra vì các chiến binh bị phân tâm bởi các mối quan hệ cá nhân.
Hàng loạt cuộc ly hôn theo sau đó và trẻ em bị gửi đi (thường đến nhà nuôi dưỡng ở châu Âu) và các thành viên MEK độc thân phải cam kết sẽ giữ nguyên tình trạng như vậy.
Ở Albania, một quốc gia từng khép kín trong nhiều thập kỷ, có một số sự thông cảm cho các lãnh đạo MEK - ít nhất là về việc cấm các mối quan hệ cá nhân. Mặc dù vậy, một số người Albani lo lắng rằng sự hiện diện của MEK có thể đe dọa an ninh quốc gia.
Hai nhà ngoại giao Iran đã từng bị trục xuất sau những cáo buộc về các âm mưu bạo lực chống lại MEK, và Liên minh châu Âu đã cáo buộc Tehran đứng sau âm mưu ám sát các đối thủ, bao gồm thành viên MEK ở Hà Lan, Đan Mạch và Pháp.
Một nguồn tin cấp cao của Albania chia sẻ lo ngại rằng tình báo nước này thiếu khả năng giám sát hơn 2.500 thành viên MEK. Một nhà ngoại giao nói rằng chắc chắn một số thành viên MEK đang làm việc cho tình báo Iran.
Tương lai của các chiến binh lưu vong?
Gholam Mirzai và Hassan Heyrany đã bị MEK buộc tội làm việc cho tình báo Tehran. Đó là cáo buộc mà họ liên tục phủ nhận. Cả hai đang tập trung cho tương lai. Với sự giúp đỡ từ gia đình ở Iran, Heyrany đang mở một quán cà phê và anh đang hẹn hò với một phụ nữ Albania ở tuổi 40.
Hassan Heyrany ở Iraq năm 2006 và một hoạt động duyệt binh của MEK.
Tình hình của Gholam Mirzai bấp bênh hơn. Sức khỏe của ông không được tốt, vết thương sau một cuộc tập kích vào doanh trại của MEK ở Iraq đã khiến ông phải đi tập tễnh và quan trọng nhất, ông không có tiền.
Mirzai bị dằn vặt bởi những sai lầm đã gây ra trong cuộc đời, và điều mà ông phát hiện ra trong lần đầu tiên liên lạc với gia đình. Khi Mirzai chiến đấu chống lại Iraq vào năm 1980, ông có một đứa con trai một tháng tuổi.
Sau khi chiến tranh Iran - Iraq kết thúc, gia đình ông đã đến trại huấn luyện của MEK ở Iraq để tìm Mirzai. Nhưng MEK đã không thông báo với ông về chuyến thăm của họ.
"Họ không nói với tôi rằng gia đình tôi đã tìm kiếm tôi ở Iraq. Họ không nói cho tôi biết gì về vợ và con trai tôi.
Những năm tháng đó tôi đã nghĩ rằng vợ và con trai mình đã chết trong cuộc chiến. Tôi muốn quay trở lại Iran, sống cùng vợ và con trai. Đó là mong muốn của tôi".
Gholam Mirzai đã đến Đại sứ quán Iran ở Tirana để yêu cầu sự giúp đỡ và gia đình ông đã vận động chính quyền ở Tehran. Cho tới nay ông vẫn đang chờ đợi - không có quyền công dân, không có hộ chiếu và một giấc mơ được trở về nhà.
Buổi tuần hành "Iran tự do" do MEK tổ chức ở Albania có sự tham gia của hàng loạt quan chức Mỹ, Pháp, Canada và hàng trăm chính trị gia phương Tây.