Một bài phân tích trên Reuters nói các chính sách của ông Trump nhằm thay đổi chế độ ở Venezuela đã không đạt được hiệu quả mong muốn. Theo bài báo, trong sự can thiệp chính trị và ngoại giao lớn nhất vào một nước châu Mỹ Latinh trong nhiều năm, chính phủ Mỹ đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt chống lại Venezuela , nhắm tới lãnh đạo, ngành dầu mỏ và các ngân hàng quan trọng.
Với ít đòn bẩy hơn và các cuộc biểu tình dường như đã giảm dần, tổng thống Donald Trump có thể phải chịu một thất bại nếu nỗ lực mới nhất của ông Guaido không thể kích hoạt một cuộc nổi dậy rộng lớn hơn chống lại Maduro. Theo Reuters, dưới đây là những thách thức và các lựa chọn còn lại của Trump:
Bắt quân đội quay đầu
Ông Maduro cùng các tướng lĩnh quân đội tại một sự kiện ở Caracas hôm 2/5
Các quan chức Mỹ dường như đã quá lạc quan về việc nhanh chóng châm ngòi cho một cuộc nổi dậy quân sự chống lại ông Maduro sau khi Washington công nhận ông Guaido là tổng thống lâm thời vào tháng 1. Tổng thống Maduro dường như đã duy trì được sựlòng trung thành của hầu hết các sĩ quan.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và các trợ lý khác của ông Trump đã lo lắng về những gì họ nói là sự thất bại của ba người trung thành với Maduro, những người cố tình đàm phán với phe đối lập để đổi phe nhưng sau đó đã từ bỏ việc này. Ngoại trưởng Mike Pompeo nói ông Maduro dự kiến rời khỏi đất nước nhưng Nga đã thuyết phục ông ở lại. Điện Kremlin phủ nhận điều này và nói Mỹ tung tin giả có ý đồ.
Thắt chặt thòng lọng tài chính
Chính quyền Trump đã tập trung chủ yếu vào các biện pháp trừng phạt để chống Maduro. Các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích bóp nghẹt dòng tiền cho chính phủ của ông. Tuy nhiên, dù chính phủ Mỹ đã gây ra một số khó khăn nhất định và có thể thêm các ngân hàng, công ty và cá nhân Venezuela vào danh sách đen , nhưng không rõ liệu điều này sẽ có tác động đáng kể hay không.
Mỹ có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp tài chính chống lại các đối tác nước ngoài còn lại của công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA của Venezuela, sử dụng các biện pháp trừng phạt "thứ cấp" như Washington đã áp dụng với các công ty nước ngoài làm ăn với Iran. Các mục tiêu tiềm năng là công ty dầu mỏ Tây Ban Nha Repsol, công ty dầu mỏ lớn của Nga Rosneft và Reliance Industries của Ấn Độ. Tuy nhiên những động thái như vậy, sẽ chọc giận chính phủ của họ.
Lựa chọn quân sự của Mỹ
Trump và các trợ lý của ông đã nhiều lần nói rằng lựa chọn quân sự đang ở trên bàn. Nhưng có sự hoài nghi sâu sắc liệu ông, người đang cố gắng rút Mỹ khỏi Syria và Afghanistan, đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột nước ngoài mới.
Lầu Năm Góc hôm thứ Tư đã hạ thấp khả năng có bất kỳ sự chuẩn bị tích cực nào cho hành động quân sự ở Venezuela, nhưng thừa nhận một kế hoạch dự phòng chi tiết. Chỉ vài giờ trước đó, ngoại trưởng Pompeo nói rằng Mỹ đã sẵn sàng hành động quân sự "nếu đó là điều bắt buộc". Nhưng các quan chức Mỹ tiếp tục nhấn mạnh áp lực ngoại giao và kinh tế là cách tốt nhất để hất cẳng Maduro.
Gây áp lực đối với Nga và Cuba
Chính quyền Trump chỉ trích Nga và Cuba ngày càng mạnh, cáo buộc họ ủng hộ đồng minh trung thành Maduro. Nhưng cả Moscow và Havana đều không chú ý đến các cảnh báo của M ỹ. Ông Pompeo, trong một cuộc gọi điện thoại với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ ba, nói sự can thiệp của Nga là "gây bất ổn" cho quan hệ Nga-Mỹ. Ông Lavrov nói với ông Pompeo "những bước đi của Mỹ" ở Venezuela sẽ gây ra hậu quả nặng nề, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Nga, nước đã cung cấp cho Venezuela vũ khí và các khoản vay và gần đây đã gửi khoảng một trăm nhân viên quân sự, nói Mỹ đang cố gắng khuyến khích một cuộc đảo chính.