2024: Năm thắng lợi lớn của VIMC
Gần 3 thập kỷ sau ngày được thành lập với sứ mệnh là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã có những gặt hái lớn trong năm 2024, hứa hẹn phát triển mạnh mẽ trong năm 2025.
Khép lại năm 2024, sản lượng vận tải biển của VIMC đạt xấp xỉ 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch. Doanh thu toàn VIMC đạt hơn 24.810 tỷ đồng. Đặc biệt, sản lượng hàng hóa qua cảng biển của VIMC năm 2024 tăng 26% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng trung bình của cả nước).
Cũng trong năm này, hệ thống cảng biển của VIMC còn triển khai các tuyến dịch vụ lớn, kết nổi trực tiếp với các cảng biển lớn tại châu Âu, Mỹ.
Đây là những con số/thông tin rất đáng mừng được Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh thông tin ngày 6/1/2025.
2025: Đẩy mạnh chiến lược xanh của "ông trùm" VIMC
Bước sang năm 2025, "ông trùm" vận tải biển Việt Nam không chỉ quyết tâm vượt tiến độ năm 2024 mà còn đẩy mạnh chiến lược phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Đây là một chiến lược đúng, trúng và rất kịp thời với xu thế quốc tế trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu và tác động của nó.
Bởi, ngay từ tháng 7/2023, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã thông qua Chiến lược IMO về Giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển (Chiến lược GHG IMO 2023), cam kết ngành vận tải biển toàn cầu sẽ đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cụ thể, VIMC sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư mua tàu phù hợp với chiến lược phát triển đội tàu; ưu tiên các loại tàu thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường; đẩy mạnh thanh lý các tàu có tuổi cao, hiệu quả khai thác thấp, không đáp ứng yêu cầu môi trường của IMO.
Con đường phát triển xanh của VIMC nói riêng là một trong những nỗ lực góp phần cùng IMO đạt được mục tiêu Net Zero năm 2050 cho ngành vận tải biển.
Hiện nay, hơn 80% khối lượng thương mại hàng hóa quốc tế được vận chuyển bằng đường biển. Vận tải biển đóng vai trò là xương sống của thương mại quốc tế và nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khi thương mại đường biển mở rộng, vấn đề phát thải CO2 do vận tải biển gây ra ngày càng trở nên đáng lo ngại.
IMO cho biết, lượng khí thải nhà kính (GHG) toàn cầu hiện nay của tổng lượng vận tải biển đã đạt 1,076 tỷ tấn - đứng thứ 5 trong danh sách các ngành kinh tế phát thải CO2 tương đương. Nếu không có bất kỳ thay đổi nào, dự kiến chúng sẽ tăng từ 50–250% vào năm 2050.
Do đó, việc kiểm soát lượng khí thải CO2 từ tàu thuyền là rất cấp thiết. IMO quyết tâm không đứng ngoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại.
Chiến lược GHG IMO 2023 đặc biệt hướng đến đến mục tiêu giảm cường độ phát thải carbon của vận tải biển quốc tế, ít nhất 40% vào năm 2030 so với năm 2008. Chiến lược này cũng bao gồm một cấp độ tham vọng mới liên quan đến việc áp dụng các công nghệ, nhiên liệu và/hoặc nguồn năng lượng không phát thải, phấn đấu đạt 10% năng lượng sạch được sử dụng bởi vận tải biển quốc tế vào năm 2030.
Maersk là ví dụ điển hình cho việc sử dụng các nhiên liệu ít phát thải. Năm 2024, tàu container Astrid Maersk - 1 trong 18 tàu của Maersk - sử dụng hàng trăm tấn methanol xanh thân thiện với môi trường. Việc chạy bằng methanol xanh có thể giảm được 280 tấn CO2 mỗi ngày so với các tàu tương tự chạy bằng dầu nặng.
Trong một thời gian dài, "ông trùm" vận tải biển thế giới này rất coi trọng việc đạt được mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tham khảo: VIMC, The Guardian, IMO, Sciencedirect