Trịnh Sướng tại phiên xét xử sơ thẩm
Theo thông báo của TAND tỉnh Đắk Nông, vụ án này sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 20/12 tới đây.
Tham dự phiên tòa ngoài 39 bị cáo, còn có nhiều luật sư. Đại diện các ngân hàng cũng sẽ được triệu tập đến tòa với cương vị là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án. Ngoài ra, còn có các giám định viên thuộc Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP Hồ Chí Minh) và khoảng 14 người làm chứng.
Trước đó, ngày 8/4, TAND tỉnh Đắk Nông mở lại phiên sơ thẩm vụ sản xuất, buôn bán hàng giả liên quan đến Trịnh Sướng và 38 bị cáo khác. Sau nhiều ngày xét xử, đến 20/4, HĐXX tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung những vấn đề mà HĐXX không thể bổ sung tại phiên tòa. Cụ thể điều tra, làm rõ khối lượng xăng giả mà các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự, số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo trong vụ án.
Tháng 5/2021, Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã có kết luận điều tra bổ sung vụ 39 người bị cáo buộc sản xuất, buôn bán hàng giả (xăng giả) trong đó có Trịnh Sướng. Kết quả điều tra bổ sung lần mới nhất này xác định Trịnh Sướng thu lợi bất chính hơn 155,8 tỉ đồng, cao hơn kết quả điều tra cũ gần 50 tỉ đồng (trong lần trước là hơn 106 tỉ đồng).
Hai tháng sau, Viện KSND tỉnh Đắk Nông đã ban hành cáo trạng truy tố 39 bị can trong vụ sản xuất, buôn bán hàng giả (xăng giả).
Như tin đã đưa, trong quá trình sinh sống, kinh doanh tại địa bàn các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, TP.HCM, Đồng Nai và Đắk Nông, Trịnh Sướng và đồng phạm biết được cách pha chế xăng giả.
Các đối tượng đã sử dụng dung môi Naphtha, Solmix, orgasol, BMSol White, BMSol Petro với xăng chính hãng A95, A92 và E5 ron 92 và hóa chất tăng ron như Toluel, MTBE, Xylene, Ethanol cùng hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, A92 và E5 ron 92 giá bán ra thị trường sẽ thu được lợi nhuận cao hơn buôn bán xăng, dầu chính hãng.
Đầu năm 2019, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả trên.