4 năm trước, chia sẻ với báo chí tại Tọa đàm định hướng và giải pháp phát triển chipset, thiết bị mạng 5G tại Việt Nam, ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel đã nói: “Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ làm được con chip từ đầu đến cuối. Khi chúng tôi nói sẽ sản xuất chipset thì nhiều người không tin. Nhưng chỉ sau 3 năm, Viettel đã làm được chip”.
Từ một quốc gia “chưa bao giờ làm được con chip”, hiện tại Việt Nam đã và đang đứng trước cơn sóng lớn khi hàng loạt đầu tư về công nghệ nói chung và ngành bán dẫn nói riêng đổ về, đặc biệt sau việc ký kết hợp tác chiến lược toàn diện Mỹ - Việt. Điều đáng khích lệ hơn cả, các doanh nghiệp nội địa như Viettel, FPT,… cũng đang dần thành công trong công cuộc sản xuất chip “make in Việt Nam”.
Đầu năm 2023, Viettel High Tech cùng với tập đoàn sản xuất chip viễn thông hàng đầu thế giới là Qualcomm công bố đã nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G (32 phát, 32 thu) đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open Ran của Qualcomm.
Sản phẩm sẽ được hoàn thiện và đưa vào thử nghiệm trên mạng lưới Viettel vào quý 4/2023 tại 11 thị trường. Bên cạnh đó, Viettel sẵn sàng cung cấp cho các nhà khai thác khác trên toàn cầu. Tiếp theo thành công này, Viettel sẽ hoàn thiện thiết bị 5G (64 phát, 64 thu) để phục vụ các nhà mạng phát sóng ở những khu vực có nhiều nhà cao tầng cần phủ cao và sâu.
Viettel là đối tác đầu tiên của Qualcomm trên thế giới hoàn thành chế tạo khối thu phát vô tuyến trạm 5G sử dụng chipset QRU100 5G RAN của Qualcomm chỉ sau 7 tháng hợp tác. Trong quá trình này, đội ngũ kỹ sư của Viettel High Tech đã cùng tham gia vào quá trình nghiên cứu, đưa ra những phương án tối ưu và hoàn thành sản xuất bo mạch hoàn chỉnh cho trạm thu phát 5G trong thời gian chỉ bằng 1/3 so với quy trình phát triển thông thường. Đây là kết quả vượt xa kỳ vọng của Qualcomm.
Chia sẻ với truyền thông, ông ST Liew, Phó chủ tịch Qualcomm CDMA Technologies Asia-Pacific Pte. Ltd., kiêm Chủ tịch Qualcomm Đông Nam Á, Australia và New Zealand cho biết: “ Việt Nam là một trong những đối tác đầu tiên của chúng tôi khi Qualcomm bắt đầu nghiên cứu 5G nhưng có sự quyết tâm lớn. Mọi chuyện đang diễn ra rất tốt và trong thời gian tới, chắc chắn bạn sẽ nghe được nhiều tiến bộ lớn ”.
Vào đầu năm nay, “ông trùm” ngành chip toàn cầu này cũng đã hợp tác với VinAI để tạo ra các giải pháp thành phố thông minh. Cụ thể, VinAI sẽ sử dụng phần cứng và ngăn xếp AI của Qualcomm để tối ưu hóa độ chính xác và kết quả cuối cùng nhằm xác định các mối lo ngại về bảo mật, an ninh.
Trước đó, Qualcomm cũng hợp tác với SonKim Land về các giải pháp IoT trong dự án thành phố thông minh; hay với Phenikaa trong triển khai dự án xây dựng tiểu đô thị đại học thông minh đầu tiên tại Việt Nam.
“2 năm trước, tôi đến Hà Nội và thăm trường Đại học Phenikaa. Họ đã, đang làm việc với chúng tôi và với Viettel về mạng 5G trong khuôn viên trường. Phenikaa có rất nhiều ứng dụng như phương tiện dẫn đường tự động, giao hàng bằng máy bay không người lái, cơ sở hạ tầng, giáo dục sử dụng PC kết nối 5G,... Đây thực sự là những điều tôi muốn tiếp tục nhìn thấy ở Việt Nam ”, ông ST Liew cho biết.
Mới đây, Qualcomm cũng đã có thoả thuận với Vin AI và Viettel IDC để đưa khung trí tuệ nhân tạo, thêm khung trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng trong xã hội Việt Nam. Theo ông ST Liew, đây là hai dự án rất đáng chú ý mà Qualcomm đang thực hiện “có liên quan đến tương lai đầy tiềm năng của AI” .
Nhận định về tiềm năng công nghệ của Việt Nam, vị lãnh đạo của Qualcomm cho rằng Việt Nam là một thị trường “mồi” - rất tốt và màu mỡ cho việc thử nghiệm các công nghệ, đặc biệt về giải pháp 5G, ứng dụng trong thành phố thông minh, giáo dục thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, nông nghiệp, mạng lưới tư nhân,... Ở đó, Viettel, VinAI, SonKim Land hay Phenikaa, giống như là những “ngọn hải đăng”.
“ Những thử nghiệm sớm này, sẽ giúp các công ty Việt Nam tối ưu hóa và sản xuất nhiều sản phẩm cũng như giải pháp liên quan đến 5G, AI không chỉ phù hợp với Việt Nam mà với thế giới. Vì vậy, những công ty như Viettel không chỉ bó gọn lại ở Việt Nam mà còn mang tính toàn cầu. Thành công trong việc thực hiện một số đổi mới công nghệ hàng đầu này cùng với các đối tác như Qualcomm là một khởi đầu rất tốt cho Việt Nam ”, ông Liew cho hay.
Đặc biệt, sau chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đại diện Qualcomm khẳng định Việt Nam có tiềm năng mạnh mẽ để tham gia vào ngành công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn, vì nhiều lý do khác nhau.
“Một trong số đó là Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng, đường xá, giao thông vận tải, làm cho đất nước trở nên thích hợp cho việc sản xuất các sản phẩm một cách đa dạng. Và thực sự, Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất trọng điểm ở Đông Nam Á. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng là rất quan trọng. Nó tiếp tục đảm bảo rằng môi trường và hệ sinh thái luôn sẵn sàng cho việc sản xuất”.
Điều thứ hai mà ông Liew đề cập đến là bộ kỹ năng của lực lượng lao động, với kỹ thuật và kỷ luật rất khác nhau nhưng cần thiết cho công nghệ cao. Đến Việt Nam từ rất sớm, năm 2003, từ những đổi mới, thách thức trong khoảng 20 năm qua, đại diện Qualcomm nhận thấy ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng về lao động, từ người trẻ cho đến người già, đều rất yêu thích công nghệ và có những ý tưởng hay về chúng.
Đặc biệt, sau khi làm việc với Viettel, “ Qualcomm rất ấn tượng với năng lực và quyết tâm của đội ngũ kỹ sư Viettel, chuyên môn và kiến thức của họ rất đáng chú ý. Và tất cả những điều đó cho thấy điều mà tôi đã tin từ lâu, rằng Việt Nam sản sinh ra rất nhiều người có tay nghề giỏi, các kỹ sư lành nghề,… ”, ông Liew nhận xét.
Và điều thứ ba là chính sách rất hấp dẫn và tinh thần của Chính phủ. Vị này cho biết, Chính phủ Việt Nam khá quyết tâm trong công cuộc chuyển đổi số với những chính sách khuyến khích về công nghệ, họ đã trao đổi rất nhiều với nhiều công ty và chính phủ khác nhau, mới nhất là với Tổng thống Biden.
“Vì vậy, theo tôi, ba yếu tố then chốt này sẽ biến tham vọng của Việt Nam trở nên rất thực tế. Và hy vọng trong những năm tới, điều đó sẽ trở thành sự thật. Thực sự, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để tiếp tục thúc đẩy khát vọng đổi mới, khao khát sáng tạo,…”
Trong tương lai, “ông lớn” ngành chip mong muốn hợp tác với công ty Việt Nam để mang giải pháp đến các khu vực khác của Việt Nam, đến các khu vực khác ở Đông Nam Á và sau đó là trên toàn cầu. “Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, 5G sẽ được phổ biến rộng rãi và thương mại hóa tại Việt Nam, khi đó các giải pháp về công nghệ cao sẽ còn phổ biến hơn nữa. Sau đó, chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác của mình ở đây, để đảm bảo rằng các công nghệ Qualcomm sẵn sàng phục vụ nhiều giải pháp ”, Phó chủ tịch Qualcomm nhấn mạnh.
Theo thống kê hồi đầu năm của Gartner , doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 601,7 tỷ USD và tăng lên khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Đồng nghĩa với việc, nếu được "tham chiến" trong chuỗi cung ứng ngành chip toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội hàng tỷ USD.
Hiện ở Việt Nam có hơn 35 công ty thiết kế và hơn 5.000 kỹ sư, đa phần trong số họ làm việc cho các công ty tại nước ngoài. Vì vậy, việc có được dấu ấn Việt Nam tại ngành chip là điều đáng khích lệ.
Thông tin tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam với chủ đề "Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á" vừa diễn ra vào ngày 29/9, Việt Nam đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư đến năm 2030.
Đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam dự báo vượt giá trị 6,17 tỷ USD. Đây sẽ là mục tiêu để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu, giúp thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.