Đánh giá cán bộ là khó nhất
Sáng 25.9, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh đã có phát biểu tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới – những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Tại đây, ông Triệu Tài Vinh đề nghị được phát biểu dưới vai trò là nguyên lãnh đạo một địa phương.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng, nên tổ chức để cán bộ sau khi kinh qua kinh nghiệm công tác thực tế rồi tiếp tục được học lý luận chính trị sẽ “thấm” hơn.
Theo ông, trong việc lựa chọn, bồi dưỡng, quản lý cán bộ, thực tế từ Đại hội XI, XII tới nay cho thấy công tác nhận xét, đánh giá cán bộ là khó nhất, cần chú trọng nhất để đánh giá sao cho đúng, cho trúng.
“Rất nhiều cán bộ, việc đánh giá ban đầu rất đúng nhưng sau này, việc đó không đảm bảo được tính thường xuyên, liên tục, không nắm được sự biến đổi của mỗi con người” – ông Vinh nêu.
Trình bày kinh nghiệm đã thực hiện tại Hà Giang, ông Vinh cho rằng cần định tính và định lượng đánh giá trong công tác cán bộ để có thể nhận xét được một cán bộ, nhận ra quá trình tự diễn biến, tự chuyển hoá của người đó.
Theo đó, khi còn lãnh đạo tại địa phương, ông đã tổ chức để với mỗi bản kiểm điểm cá nhân của cán bộ đều phải có sự đánh giá, đối chiếu với hiệu quả thực tế công tác của mỗi người.
“Khi một cá nhân Đảng viên được xem là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một chi bộ Đảng được xếp là trong sạch, vững mạnh nhưng khu vực quản lý của cán bộ, tập thể đó vẫn mãi là vùng nghèo thì rõ ràng giữa thực tiễn và báo cáo có sự vênh nhau.
Vậy nên tiêu chí đánh giá cán bộ, tập thể với việc thực hiện nhiệm vụ nhất thiết phải gắn với việc tạo ra sự thay đổi thực tế. Mỗi bản kiểm điểm, theo đó vẫn là do cá nhân cán bộ tự nhận nhưng tập thể sẽ xem xét.
Đó chính là một điểm mới Hà Giang đã triển khai trong việc đánh giá cán bộ” – ông Triệu Tài Vinh nói.
“Chấm điểm” biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"
Kinh nghiệm “định lượng” cán bộ của ông Triệu Tài Vinh là áp dụng Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá mà Trung ương Đảng đã chỉ ra. Ông Vinh cho rằng “chấm điểm” vào các biểu hiện đó, nhất định trong mỗi cán bộ đều có ít nhiều.
“Bí thư các cấp uỷ tự “chấm” cho mình trước. Sau đó, bản “chấm điểm” này cũng được đưa ra tập thể chi bộ xem xét. Kết quả, “không ai không thấy mình trong bản danh sách 27 biểu hiện đó”, chỉ là mức độ khác nhau ra sao” – ông Vinh nói.
Theo ông Triệu Tài Vinh, Hà Giang cũng xây dựng các khung định lượng, nếu mức độ tự diễn biến ở điểm này, điểm kia của cán bộ ở mức 10-20% thì được tự xây dựng chương trình hành động để khắc phục.
Mức “diễn biến” cao hơn thì tập thể sẽ cùng góp ý, theo dõi quá trình khắc phục. Còn mức thứ ba thì nhất định cán bộ đó phải bị xem xét.
“Khi tôi phát biểu, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến câu chuyện từng “nóng” facebook “gia đình làm quan”, rồi vụ gian lận thi cử vừa qua. Cá nhân tôi phải đối mặt với việc đó và vượt qua nó” – nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang chia sẻ.
Ông Triệu Tài Vinh cho rằng, cần phải phát huy không khí dân chủ trong tập thể thông qua việc bỏ phiếu vì theo ông, nếu không phát huy hiệu quả của lá phiếu mà chỉ giơ tay, hiệp thương thôi thì rất khó phát huy tinh thần dân chủ của mỗi cán bộ.