Tại Diễn đàn Sản xuất và công nghiệp Việt Nam diễn ra sáng 21/4, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đưa ra số liệu tổng kết cho thấy, trong 30 năm đổi mới vừa qua tỷ trọng công nghiệp, xây dựng của Việt Nam trong GDP đã tăng 16%.
“Đây là con số nhiều, đúng hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhưng tại sao mặc dù chuyển dịch tốt, công nghiệp Việt Nam vẫn yếu?”, ông Thiên đặt câu hỏi.
Thực tế trên được lý giải do trong nhóm công nghiệp xây dựng, lĩnh vực cốt lõi là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sau 30 năm chỉ tăng 1,6%.
“Trong thời đại công nghệ cao mà lĩnh vực chế biến chế tạo chỉ tăng như vậy thử hình dung công nghiệp Việt Nam giậm chân tại chỗ hay thụt lùi ghê gớm so với thế giới?
Ta thích công nghiệp khai khoáng, xây dựng, tập trung gia công còn lĩnh vực tạo năng lực cốt lõi là chế biến chế tạo lại rất yếu”, ông Thiên nói.
Ông Thiên cũng nhấn mạnh rằng, để “đuổi theo” Thái Lan, Việt Nam còn mệt do cách thức mà Việt Nam đang làm chưa rõ ràng.
Cũng theo Viện trưởng Thiên, những tập đoàn, tổng công ty nhà nước không phải là tập đoàn định hướng vào công nghiệp, sử dụng công nghệ rất ít chủ yếu là khai thác tài nguyên, khoáng sản trong khi các tập đoàn tư nhân nếu không có môi trường tốt sẽ khó cạnh tranh.
Trước khi đề cập đến cạnh tranh giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI , ông Thiên nói “lời xin lỗi” các nhà đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam quá quý, quý hơn bình thường mời họ đến phát triển hộ Việt Nam, chúng ta đã dựa quá nhiều vào họ”, ông Thiên trăn trở.
Theo đó, ông Thiên cho biết, cần xem lợi thế thật trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. “Chúng ta đã kể ra nhiều lợi thế nhưng càng kể ra càng mất đi như tài nguyên, lao động giá rẻ.
“Nay cả vị trí địa chiến lược cũng không dễ tạo lập được lợi thế. Vậy còn gì là lợi thế để Việt Nam phát triển?
Lợi thế là phải để cho doanh nghiệp tư nhân định vị và tôn trọng sự định vị của họ trong mối liên kết với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Thiên nhấn mạnh.
Thứ hai, ông Thiên cho rằng cần xác định đúng cấu trúc doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam có doanh nghiệp nội địa và FDI, cần phải thấy doanh nghiệp tư nhân là lực lượng nền tảng, quyết định trong quyết định đó các tập đoàn tư nhân phải là trụ cột còn doanh nghiệp nhà nước có thể hoặc không nhất thiết.
“Để làm được, chúng ta phải liên kết với nước ngoài, chọn chuỗi đúng và làm sao để nhà đầu tư chọn mình, những tập đoàn lớn nước ngoài chọn Việt Nam, khiến họ phải chọn ta như vậy mới được”, ông Thiên nhấn mạnh.
Đồng tình với những quan điểm được ông Thiên đưa ra, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen cho biết, các tập đoàn nước ngoài trong đó có Thái Lan đã nhanh chóng nhìn ra cơ hội từ các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết, dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nhưng cùng môi trường lao động nguồn lực được FDI hút hết vào doanh nghiệp Việt Nam sẽ không còn.
Lợi thế của Việt Nam nhưng lại là thất thế của doanh nghiệp Việt Nam.
“Một số tập đoàn Thái Lan qua thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam qua những công ty niêm yết hoặc chưa niêm yết, thâu tóm siêu thị và nhiều doanh nghiệp phản hồi không thể đưa hàng vào siêu thị …
Làm sao để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được trong tương quan luôn ở thế bất lợi?”, ông Vũ trải lòng.
“Kinh tế Việt Nam như cơ thể, cộng đồng doanh nghiệp trong nước như chân phải, FDI như chân trái.
Khi nào chân phải thực sự mạnh và đi đều với chân trái mới có thể mạnh nhưng chân phải đang bị “teo” đi”, ông Vũ so sánh.