Hàn Thuyên là một danh sĩ nổi tiếng thời nhà Trần, tuy nhiên ông cũng để lại nhiều ẩn số lịch sử.
Tài thơ đuổi dã thú
Tượng thờ danh sĩ Hàn Thuyên.
Hàn Thuyên sinh khoảng năm 1229, tên thật là Nguyễn Thuyên. Có tài liệu cho rằng ông là người làng Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay là xã Lai Hạ, huyện Lương Tài (Bắc Ninh).
Cũng có sách nói quê ông ở làng Lão Hạ, huyện Thanh Lâm, nay thuộc Nam Sách (Hải Dương). Thậm chí có tài liệu ghi ông quê ở làng Vụ Cầu, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ).
Trong các địa chỉ ấy, nhiều chuyên gia đồng tình với quê quán xã Lai Hạ, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) hơn cả. Bởi tại đây ở khu Đồng Bến có đền thờ Hàn Thuyên, và quan trọng hơn là dòng họ Nguyễn có gắn bó mật thiết với vị danh sĩ gần 800 năm nay.
Tương truyền vào thời nhà Lý có ông Nguyễn Dương thi võ cử, được phong làm quan võ, sau được phong làm Thái bảo - Quận công. Năm 1151, Nguyễn Dương bị gian thần hãm hại khiến con cháu sau đó cũng phải sống ẩn dật. Một người cháu của ông là Nguyễn Thuyên cũng phải ẩn thân đến hết thời Lý.
Đến thời nhà Trần, khoảng năm Đinh Tỵ (1248), nhà Trần mở khoa thi Thái học sinh, Nguyễn Thuyên thi đỗ và làm đến chức quan Hình bộ Thượng thư.
Năm 1282 thời vua Trần Nhân Tông, cá sấu bỗng xuất hiện rất nhiều ở sông Phú Lương, khiến dân chúng thiệt mạng và vô cùng sợ hãi. Vua được tin liền cử Hình bộ Thượng thư Nguyễn Thuyên đến xem xét giúp dân.
Nguyễn Thuyên đến nơi, không cho người đuổi bắt cá sấu mà làm bài thơ “Văn tế cá sấu” rồi đốt và thả xuống sông. Kỳ lạ thay cá sấu liền bỏ đi mất, từ đó trở đi không còn con nào quấy nhiễu dân chúng nữa.
Sự việc này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rằng: “Mùa thu năm Nhâm Ngọ 1282, khi quân Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2; bấy giờ có cá sấu đến sông Hồng (?). Vua sai Thuyên làm văn ném xuống sông, con cá sấu tự nhiên đi mất. Vua xem việc này giống như Hàn Dũ, cho đổi họ là Hàn Thuyên”.
Như vậy, có thể giải thích vì sao Nguyễn Thuyên lại có tên là Hàn Thuyên. Hàn Dũ là Thứ sử Triều châu thời nhà Đường. Sách sử ghi chép rằng ở địa phương Hàn Dũ cai quản có cá sấu đến quấy nhiễu, ông bèn sai làm thịt dê, lợn để tế và đọc bài văn tế cá sấu. Mấy hôm sau thì cá sấu cũng đi mất không còn quấy nhiễu dân chúng.
Văn tế cá sấu
Khó xác định nguyên bản bài 'Văn tế cá sấu'.
Từ đó, người làng Lai Hạ được tự do đánh bắt cá trên khúc sông quê. Dân gian có câu truyền rằng: Đại giang là của Đông Giàng/Tiểu giang là của riêng làng Lai Hạ. Dân trong vùng làm nghề đánh bắt cá là chính, nghề làm ruộng là phụ, nên mới có câu: “Dĩ giang vi điền, dĩ nghệ thế canh”.
Bản dịch bài thơ “Văn tế cá sấu” của Hàn Thuyên bị người sau thêm bớt nên có thay đổi mà không thống nhất, nhưng bản gốc chữ Hán thì vẫn còn được lưu tại đền thờ ông. Hiện nay tại nhà thờ Hàn Thuyên có treo một bản bài “Văn tế cá sấu” đã được dịch như sau:
“Kia hỡi ngặc ngư mày có hay?/Bể Đông rộng rãi là nơi mày/Phú Lương đây thuộc về thánh vực/Lạc lối đâu mà lại tới đây/Phải biết rằng người Việt ta xưa/Vốn dân chài lưới có đâu vừa/Đời Hùng vẽ mình vua dậy bảo/Ngày đêm sông nước đảo long chừa/Thánh thần đã dõi bấy chiều nay/Đây từ hải ấp ngôi trời hay/Võ công vang dậy bốn phương tĩnh/Bể bể sông sông cũng nặng trong/Từ nay xa dân dân cày cấy/Các vật đều yên đâu an đấy/Ta vâng thánh thượng bảo ngay mày/Về ngay biển Đông mà vùng vẫy”.
Ngôi mộ được cho là của cụ Hàn Thuyên tại Thái Bình. Nguồn: Hàn ngọc gia phả
Tuy nhiên, về sau Hàn Thuyên lại gặp muôn vàn sóng gió. Có thuyết nói rằng, khi về trí sĩ ông có xây nhà theo kiểu “nội công ngoại quốc”, trong nhà sắm nhiều đồ giống như ngai vàng, bát bộ. Việc đến tai nịnh thần trong triều, họ đã tâu lên vua hặc tội Hàn Thuyên và cho rằng ông có ý định làm phản. Vua tức tốc phái quan khâm sai đến để tìm hiểu.
Viên quan này đến, Hàn Thuyên thật thà cho rằng lập nhà như vậy là để thờ Phật, còn việc thờ phụng những đồ giống như cung điện là muốn tỏ ý trung thành, một lòng hướng về nhà vua. Không hề có ý làm phản vì đâu có kho tàng vũ khí, đâu có chiêu binh mãi mã.
Những lời nói của ông đã thuyết phục được sứ giả và ông thoát khỏi kiếp nạn. Tuy nhiên, ông vẫn nhận ra mối nguy hiểm rình rập. Vào một đêm, Hàn Thuyên cùng gia quyến bí mật ra đi và để lại 3 chữ: “Dân nại tri” (một lời từ biệt với dân làng).
Từ khi ông đi, không ai biết được tung tích nữa. Bởi vậy, sau này người dân làng Lai Hạ đã lập đền thờ ông ngay tại đất khu đất ông ở. Hàng năm dân làng đều tổ chức lễ hội vào ngày 17/5.
Năm 1995, đền thờ Hàn Thuyên được xếp hạng Di tích quốc gia. Theo thời gian và thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, đền thờ Hàn Thuyên nhiều lần bị tàn phá. Trên nền cũ, người dân Lai Hạ thành kính dựng ngôi đền nhỏ ba gian để tưởng nhớ danh nhân.
Ông tổ văn Nôm
Đền thờ Hàn Thuyên được đại trùng tu vào năm 2010.
Cho đến nay, giới nghiên cứu chưa thể xác định thời điểm chính xác sự xuất hiện của chữ Nôm. Tuy nhiên, lại có thể coi Hàn Thuyên là ông tổ của văn Nôm.
Như Dương Quảng Hàm trong “Việt Nam văn học sử yếu”, cho rằng: “Ông là người đầu tiên biết làm thơ phú bằng quốc âm, nên ông có thể coi là ông tổ của văn Nôm”. Sách “Từ điển nhân vật lịch sử VN” cũng khẳng định: “Ông là sĩ phu đầu tiên đem chữ Nôm dùng vào văn học”.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại: “Hàn Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc ngữ. Thơ phú nước ta dùng nhiều quốc ngữ, thực bắt đầu từ đấy (từ sự kiện bài Văn tế cá sấu)”. Sau này, vua Tự Đức từng có thơ khen Hàn Thuyên: “Quốc ngữ văn chương mới nhúng tay/Chẳng quên tiếng mẹ khá khen thay/Sông Lô đuổi sấu in Hàn Dũ/Nên được nhà vua đổi họ ngay”.
PGS.TS Lại Phi Hùng - Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng: Trước đây có người đã cho rằng bài “Văn tế cá sấu” được viết bằng chữ Nôm, nhưng điều đó không lấy gì làm chắc chắn vì bài văn đã được thả xuống sông không còn lưu truyền văn bản.
Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định đóng góp đặc biệt quan trọng của Hàn Thuyên với nền văn học viết bằng chữ Nôm. Ông được coi là người đầu tiên mang chữ Nôm dùng vào văn học, cụ thể là dùng luật thơ Đường làm thơ Nôm nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là “Hàn luật”.
Đồng thời, Hàn Thuyên là tác giả của tập thơ “Phi sa tập”. Nhờ có ông áp dụng vào thơ phú, chữ Nôm đã khởi đầu trong việc giúp tiếng nói đời thường của dân tộc trở thành ngôn ngữ văn học.
Tập thơ “Phi sa tập” có những bức tranh phong cảnh khá tao nhã viết bằng chữ Nôm. Chẳng hạn như bài “Xuân”: Hoa nở, lộc hường, xuân lại xuân/Cỏ cây mơn mởn đón đông quân/Bướm ong bay rộn. Trời đang ấm/Mừng mảng trăng xuân sáng bội phần.
Dù còn nhiều tranh cãi về thơ văn chữ Nôm của Hàn Thuyên, nhưng giới nghiên cứu cho rằng, những đổi mới của Hàn Thuyên đã mở ra một phương hướng tìm tòi và sáng tạo tích cực trong quá trình phát triển nền văn học chữ Nôm. Với những đóng góp mang tính đề cao bản sắc dân tộc ấy, Hàn Thuyên xứng đáng là nhà văn hóa lớn của Việt Nam.