Ông thợ sửa xe đạp nhận bằng cử nhân Luật ở tuổi bảy mươi

Phan Thế Hữu Toàn |

Có lẽ ở vùng đất “xứ Nẫu” Phú Yên, ông là người duy nhất từ trước đến nay bám đuổi ước mơ đại học khi đã ở tuổi “xế chiều”. Người đàn ông đó là Hoàng Tiến Mai – sinh năm 1949, trú ở 83 Nguyễn Công Trứ, phường 3, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên…

1. Giữa cơn mưa tầm tã, tôi tìm gặp ông Hoàng Tiến Mai tại nhà riêng và thật sự bất ngờ khi biết ông là… thợ sửa xe đạp.

Biển hiệu “Ba Tộ” – tên “cúng cơm” của ông từ bé đã mờ nhạt bởi tác động của thời tiết, nhưng suốt chặng thời gian hơn 40 năm qua, dường như ngày nào cũng có khách hàng, từ người quen đến kẻ lạ.

Mải mê sửa xe, cọc cạch kiếm tiền, dù chỉ là những đồng tiền lẻ, nhưng lại góp thêm một chút vào khoản tiền buôn bán phụ tùng xe đạp một thời của người vợ là bà Trịnh Thị Lý để nuôi dưỡng 4 người con trưởng thành.

Khi nói về tấm bằng cử nhân Luật của Đại học Huế vừa mới nhận giữa tháng 10-2018, ông Mai cười – một nụ cười hiền lành, chân chất nhưng đầy ắp niềm vui.

Ông chia sẻ: “Chẳng phải tôi muốn làm sang vì háo danh, càng chưa dám nghĩ tới chuyện mai kia, mốt nọ trở thành luật sư, công chứng viên gì cả, mà từ thời trai trẻ tôi đã mê nghề luật nhưng gia cảnh khó khăn nên tôi không thể thực hiện ước mơ của mình.

Bây giờ thì ước mơ đó đã thành hiện thực, không riêng tôi mà vợ con, cháu đều rất vui…”.

Theo mạch chuyện kể của ông, tôi được biết ông Mai chào đời ở Quảng Bình, khi lên 5 tuổi cha mẹ ông rời quê hương vào Sài Gòn để mưu sinh.

Chưa ổn định đời sống ở nơi tạm cư, thì người cha lâm bệnh nặng và đã qua đời cuối năm 1955 sau nhiều ngày điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trong trí nhớ của ông Mai, lúc đó người mẹ của ông tần tảo mỗi ngày với gánh hàng rau, dưa rao bán trên nhiều ngõ phố ở Sài Gòn để kiếm tiền nuôi con, nhưng khó khăn vất vả vẫn đeo bám cuộc sống thường nhật.

Sau một chuyến đi thăm người thân ở vùng đất Nam Trung bộ, người mẹ ngoài tuổi 40 quyết định đưa ông Mai ra Phú Yên sinh sống.

Ông Mai tâm sự : “Lúc đó tôi chỉ mới 7 tuổi, nên không hề biết mẹ mình đã học nghề sửa chữa xe đạp từ đâu, mà sau khi đến Phú Yên bà mở tiệm sửa chữa xe đạp để kiếm cơm tại căn nhà nhỏ tự tạo lập và cũng là nơi tôi gắn bó từ đó đến nay”.

Dừng lại trong giây lát như để hồi tưởng một thời xa lắc đã qua, ông Mai kể tiếp : “Lúc đó gia cảnh còn nghèo khó nhưng có lẽ do tôi là đứa con duy nhất, nên mẹ tôi đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi được đi học xuyên suốt từ tiểu học đến trung học phổ thông.

Đáp lại tấm lòng thương yêu sâu sắc của mẹ, tôi chăm chỉ học tập và đã được cấp chứng chỉ Tú tài phần thứ 2, tương đương văn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông bây giờ”.

Rời ghế nhà trường ở bậc trung học phổ thông, chàng trai Hoàng Tiến Mai bước vào Đại học Luật Sài Gòn như đã từng mơ ước. Thế nhưng, dòng chảy cuộc sống luôn có những trở ngại phát sinh phía trước.

Sau khi kết thúc niên khóa đầu tiên (1971-1972), ông Mai chuẩn bị bước vào niên khóa kế tiếp thì người mẹ ốm nặng. Tình huống không có người thân đã buộc ông Mai phải xếp bút nghiên trở về Tuy Hòa để chăm sóc mẹ.

Cũng từ đó ông khởi nghiệp mưu sinh bằng nghề sửa xe đạp đã học được từ người mẹ khi còn đi học trung học phổ thông.

Bằng chất giọng trầm ấm, pha chút dí dỏm, ông Mai tâm sự: “Hơn một năm trước khi miền Nam được giải phóng, tôi kiếm được người vợ hiền lành và vẫn kiếm… cơm bằng nghề sửa xe đạp.

Được gần chục năm thì vợ tôi vay mượn tiền từ người thân để mở sạp hàng bán phụ tùng xe đạp ở chợ Tuy Hòa, còn tôi vẫn quản lý cửa hiệu Ba Tộ với hai tư cách là chủ và thợ.Hồi đó xe máy hiếm hoi, có chăng chỉ là những chiếc xe Honda 67, Honda 68 của người khá giả về kinh tế, còn lại hầu hết đều đi xe đạp.

Vì thế ngoài việc sửa chữa xe đạp tại gia, mỗi khi có người đến sạp hàng của vợ tôi chọn lựa, kê ra danh mục phụ tùng để lắp ráp chiếc xe đạp mới thì tôi là người đảm nhiệm thực hiện, nên lắm lúc tôi nói đùa rằng vợ tôi đã có công tạo việc làm cho tôi”.

Dứt lời, ông Mai cười khề khề, trong khi người vợ lại bảo: “Cơm, áo, gạo, tiền trong nhà này mấy chục năm qua đều do anh ấy đảm nhiệm lo toan chủ yếu”.

Ông thợ sửa xe đạp nhận bằng cử nhân Luật ở tuổi bảy mươi - Ảnh 1.
Ông thợ sửa xe đạp nhận bằng cử nhân Luật ở tuổi bảy mươi - Ảnh 2.

Ông Hoàng Tiến Mai sửa chữa xe đạp cho khách hàng.


2. Trở lại câu chuyện về hành trình đến đích cử nhân Luật, ông Mai tâm sự: “Mấy chục năm mưu sinh bằng nghề sửa xe đạp nhưng tôi không sao quên được một thời ngắn ngủi ở Đại học Luật Sài Gòn.

Ước mơ trở thành cử nhân Luật luôn thắp sáng trong tâm trí của tôi và có lúc đã từng thoáng hiện trong chiêm bao, nhưng khi cơ hội mới đến lần thứ hai thì ước mơ đó lại vụt tắt chỉ vì lỗi khách quan…”.

Lúc đó vào tầm giữa năm 1991 - khi ông Mai đang ở độ tuổi 42, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên liên kết với một trường đại học ở phía Bắc tổ chức đào tạo cử nhân Luật hệ vừa học vừa làm, ông Mai háo hức nộp hồ sơ nhưng không được xem xét vì đối tượng ưu tiên dự tuyển phải là cán bộ, công chức – viên chức đương nhiệm tại các cơ quan nhà nước.

Ước mơ chưa thành nhưng ông Mai rất vui vì mấy năm sau đó người con gái Hoàng Thị Anh Đào chia sẻ khát vọng của cha khi chọn hướng đi cử nhân Luật và hiện đang công tác tại UBND phường 5, TP Tuy Hòa.

Lại tất bật mưu sinh suốt ngày bên dầu mỡ, xích, líp, xăm, lốp… xe đạp, mãi đến năm 2014, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên liên kết Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đại học Huế tổ chức đào tạo cử nhân Luật hệ từ xa, ông Hoàng Tiến Mai quyết định đăng ký dự tuyển và theo học bằng tất cả niềm đam mê ấp ủ bấy lâu.

Biết tin ông thợ sửa xe đạp đang độ tuổi xế chiều vẫn còn bám đuổi con đường đại học, đã có một vài người chỉ vì nhận thức hẹp hòi nên tự luận giải rằng ông Mai bị “ấm đầu”, “nóng trán” hay thích “làm sang”.

Mặc kệ lời gièm pha, ông Mai bỏ ngoài tai tất cả, vì ít nhất ông đang hướng đến mục tiêu trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết để có thể tư vấn, hỗ trợ cho nhiều người.

Vui hơn nữa là khi ông khởi sự con đường đại học, vợ và các con ông luôn chia sẻ, động viên, nên ông nỗ lực học tập.

Ông thợ sửa xe đạp nhận bằng cử nhân Luật ở tuổi bảy mươi - Ảnh 3.

Ông Mai tự hào khi kể với cháu ngoại về hành trình trở thành cử nhân Luật của ông.


Cầm tấm bằng cử nhân Luật do Giám đốc Đại học Huế cấp ngày 11-7-2018, ông Mai tâm sự: “Để có được “tài sản” vô giá này, tôi không chỉ dành dụm những đồng tiền nhỏ lẻ từ nghề sửa xe đạp để nộp học phí, mà còn phải dành rất nhiều thời gian ban đêm để… học.

Hơn 40 năm không chạm đến sách vở, bút mực, đến khi đi ngồi trước những tập tài liệu Lịch sử Nhà nước và Pháp luật thế giới, Lịch sử Nhà nước và Pháp luật, Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Lịch sử các học thuyết chính trị và pháp luật, Pháp luật sở hữu trí tuệ… tôi thật sự lo lắng. 

Lắm lúc mới cầm tập tài liệu lên đọc được vài trang thì khách lạ hay quen dắt xe vô tiệm đều hối thúc. Hơn nữa tuổi cao nên thiếu nhanh nhạy, trí nhớ hạn chế, tôi phải dành thời gian nghiên cứu tài liệu nhiều hơn giới trẻ”.

Ông bảo: “Có lần 64 sinh viên cùng khóa tập trung, tôi đảo mắt nhìn một lượt không thấy ai cao tuổi như mình, mà hầu hết đều là cán bộ, công chức – viên chức đương nhiệm ở các cơ quan hành chính – tư pháp. Trong cuộc gặp gỡ lần đầu, một vài “bạn” sinh viên còn nhầm tưởng tôi là “bác bảo vệ” đang kiểm tra nghi vấn gì đó. Có “bạn” còn suy đoán tôi là cán bộ hưu trí thừa tiền đi học cho vui, mãi đến khi một người “bạn” sinh viên cùng khóa tình cờ dừng xe máy trước cửa tiệm “Ba Tộ” mới biết tôi là thợ sửa xe đạp thứ thiệt”.

Nghe tôi hỏi về những dự định sau khi có bằng cử nhân Luật, ông Mai cười vui, bảo: “Khởi đầu câu chuyện tôi đã nói chưa dám nghĩ tới chuyện trở thành luật sư, công chứng viên, vì giới trẻ bây giờ năng động lắm, mình khó có thể theo kịp khi chưa trải nghiệm với nghề.

Dẫu vậy, tôi cũng muốn tiếp tục theo học một khóa đào tạo chức danh tư pháp về nghiệp vụ luật sư để nay mai xin làm trợ giúp viên Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Phú Yên với hy vọng sẽ hỗ trợ cho người nghèo khó khi họ vấp phải những vấn đề liên quan đến pháp luật”.

Chợt nhớ trong hành trình tác nghiệp báo chí ở khu Nam Trung bộ, tôi đã từng viết về tấm gương vượt khó học tập của ông Lương Tuyển, trú ở thôn Tân Quang, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa – một lão nông có hai văn bằng cử nhân khoa học Quản trị kinh doanh năm 54 tuổi và cử nhân Luật ân sự năm 64 tuổi, nhưng khi đến tuổi 70 vẫn ấp ủ ước mơ thạc sĩ, tiến sĩ.

Trước khi tạm biệt ông Hoàng Tiến Mai – một tấm gương hiếu học hiếm có Phú Yên, tôi có thêm bất ngờ khi biết ông thợ sửa xe đạp có bằng cử nhân Luật này khá sành sỏi tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.

Và thêm một lần nữa tôi nhớ đến một câu nói của danh ngôn khuyết danh truyền dạy: “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học” .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại