Bê bối vaccine chấn động
Thông tin về vụ việc được Cục quản lý dược phẩm & thực phẩm tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, công bố trên website của cơ quan này vào ngày thứ Sáu, 20/7 vừa qua.
Theo đó, một cuộc điều tra đi đến kết luận rằng công ty Changsheng Bio-technology, có trụ sở tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã bán khoảng 252.600 liều vaccine DPT kém chất lượng cho Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh tỉnh Sơn Đông - cơ quan phụ trách vấn đề sức khỏe cộng đồng cho khoảng 100 triệu người dân ở tỉnh này.
Kết luận trên không tiết lộ chính xác số lượng trẻ em đã bị tiêm vaccine "rởm" thông qua hệ thống phòng dịch của nhà nước Trung Quốc.
Thông tin chấn động từ Cát Lâm xuất hiện chỉ 5 ngày sau khi cơ quan quản lý dược phẩm nhà nước "khui ra" vu làm giả số liệu trong danh sách sản phẩm của một công ty ở Thâm Quyến về 113.000 liều vaccine bệnh dại.
Vụ việc nghiêm trọng đến mức Cục quản lý dược phẩm quốc gia (Trung Quốc) phải tước giấy phép kinh doanh của công ty trên, đồng thời có thể khởi động một cuộc điều tra hình sự.
Vụ việc của Changsheng Bio-technology là bê bối mới nhất trong lĩnh vực dược phẩm vốn không ít lần dính tai tiếng của Trung Quốc về vấn đề chất lượng.
Tháng 11/2017, nhà chức trách hé lộ Wuhan Institute of Biological Products - một nhà sản xuất vaccine lớn, đã bán tới 400.520 liều DPT kém chất lượng vào thành phố Trùng Khánh và tỉnh Hà Bắc.
Số liệu thực tế vaccine sử dụng trên trẻ em vẫn chưa được công bố, và công ty này chưa bị xử lý.
Vaccine DPT được cung cấp cho cơ quan y tế các tỉnh để tiêm cho trẻ em theo một chương trình bảo vệ sức khỏe bắt buộc. Hiện vaccine "rởm" được xác định là không hiệu quả, nhưng chưa có báo cáo về khả năng nó gây tổn hại đến sức khỏe của trẻ. Chính phủ Trung Quốc chưa ghi nhận trường hợp trẻ bị ốm nào do tiêm phải vaccine kém chất lượng nói trên.
DPT được chính phủ Trung Quốc tài trợ. Những em bé mới sinh thường được tiêm ba mũi, mũi đầu tiên vào khoảng 3 tháng tuổi.
Nhiều bậc phụ huynh cho biết họ đã mất lòng tin vào nhà chức trách, khi vaccine kém chất lượng được phát hiện đã sử dụng trên vô số trẻ em, trong đó những trẻ nhỏ nhất mới chỉ 3 tháng tuổi.
Một số ý kiến nói họ sẽ ngưng sử dụng vaccine ở Trung Quốc đại lục cho con em cho đến khi chính quyền có giải pháp nghiêm túc để xử lý tình hình.
Hiện Trung Quốc chưa xác nhận lượng vaccine "rởm" đã được tiêm cho trẻ em, cũng như lượng vaccine kém chất lượng qua mặt cơ quan quản lý để vào thị trường (Ảnh: Reuters)
"Sóng gió" khi ông Tập rời Trung Quốc
Changsheng Bio-tech bị cơ quan quản lý phạt 3.4 triệu nhân dân tệ (502.200USD). Doanh nghiệp này báo cáo lợi nhuận năm 2017 là 566 triệu tệ, đồng thời nhận được tiền tài trợ 48.3 triệu tệ từ chính phủ.
Vụ điều tra Changsheng được nhà quản lý hé lộ từ tháng 11 năm ngoái, và dự kiến kéo dài 1-2 tháng, nhưng phải đến hồi tuần qua mới được công bố.
Công bố về sai phạm của Changsheng được đưa ra 1 ngày sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở đầu chuyến công du các nước Trung Đông và châu Phi (từ 19/7), và nhanh chóng leo lên vị trí số 1 trên các trang tìm kiếm hàng đầu của Trung Quốc.
Đến 23h30 tối qua (22/7), thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phải ra chỉ thị quan trọng, tuyên bố vụ bê bối vaccine "phá thủng giới hạn đạo đức", "cần phải cho nhân dân toàn quốc một câu trả lời rõ ràng minh bạch".
Ông Lý yêu cầu chính phủ Trung Quốc thành lập tổ điều tra, rà soát toàn bộ quy trình sản xuất, kinh doanh... vaccine và trừng phạt tất cả đối tượng "gây nguy hại cho sinh mạng và an toàn của người dân".
Trước đó cùng ngày, công ty Changsheng cũng ra thông cáo cho biết đã ngưng sản xuất DPT và "gửi lời xin lỗi sâu sắc" đến những người bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, mối quan ngại vẫn bao phủ dư luận Trung Quốc khi chưa thể xác định con số chính xác lượng vaccine kém chất lượng đã lọt qua hệ thống kiểm soát của nhà nước trên khắp các địa phương. Ủy ban sức khỏe quốc gia Trung Quốc chưa ra tuyên bố nào về mức độ ảnh hưởng của vaccine "rởm" đối với trẻ em.
Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - phiên bản từ tỉnh Sơn Đông kêu gọi chính quyền hành động nhanh chóng để xoa dịu lo ngại trong cộng đồng.
Tờ này giật tít trên trang nhất "Đừng để sợ hãi và nỗi tức giận xâm chiếm", nói rằng vụ bê bối mới nhất sẽ "khiến thêm nhiều người nghi ngờ chất lượng vaccine sản xuất trong nước", trong bối cảnh lòng tin của người Trung Quốc vẫn chưa khôi phục hoàn toàn từ bê bối vaccine quá hạn 2 năm trước - khiến 200 người bị bắt giữ.
Vào thời điểm đó (năm 2016), ông Lý Khắc Cường cũng ra cam kết tương tự ngày 22/7, rằng Trung Quốc cần "sửa chữa" những lổ hổng trong giám sát quy trình sản xuất và phân phối vaccine, sau khi vụ việc 570 triệu tệ vaccine được bảo quản không đúng quy cách và quá hạn được tuồn ra khắp đất nước trong nhiều năm liền bị phát giác.
Vụ bê bối vaccine ở Cát Lâm được dự kiến tiếp tục nóng bỏng trong dư luận Trung Quốc, ít nhất cho đến thời điểm ông Tập Cận Bình kết thúc chuyến công du và trở về nước ngày 28/7 tới.