Sắc lệnh mới nhất từ Tiểu tổ lãnh đạo trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc về cải cách toàn diện, một trong nhiều cơ quan do Chủ tịch Tập Cận Bình thiết lập và đứng đầu để kiểm soát cơ chế ra quyết sách xung quanh mình, ngày 26/6 quyết định Bắc Kinh sẽ tăng cường kiểm tra giám sát các thỏa thuận đầu tư ở nước ngoài, nhằm bảo đảm lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Sắc lệnh được ban hành vào thời điểm chính phủ Trung Quốc muốn hành động cứng rắn hơn nhằm vào các nhà đầu tư của mình, đặc biệt là những doanh nghiệp tư nhân đã nhận những khoản vay khổng lồ rồi rót tiền vào các thương vụ mua lại ở hải ngoại.
Đây là lần đầu tiên ban lãnh đạo Trung Quốc liên hệ rõ ràng về hoạt động đầu tư ra nước ngoài với vấn đề an ninh quốc gia.
"An toàn của các thương vụ và đầu tư ra nước ngoài là một phần quan trọng để bảo đảm các lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc," hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin khi tóm tắt về quyết định của Tiểu tổ lãnh đạo nói trên.
"Chúng ta phải nhấn mạnh sự lãnh đạo của đảng trong hoạt động kinh doanh và đầu tư ở nước ngoài, đồng thời phải nâng cấp số liệu thống kê và giám sát các hoạt động kinh doanh-đầu tư như vậy nhằm nâng cao quản lý."
Các vụ đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc nhằm kiểm soát nguồn năng lượng cùng nguyên liệu thô ở nước ngoài đã chứng kiến nhiều thất bại và tổn thất, trải khắp từ Australia cho tới Venezuela.
Bắc Kinh bắt đầu hạn chế hoạt động thu mua ở hải ngoại từ cuối năm 2016 khi "gắn mác" các vụ đầu tư vào bất động sản, phim ảnh, câu lạc bộ bóng đá là "bất hợp lý".
Cơ quan quản lý ngành ngân hàng Trung Quốc đặc biệt điểm danh các tập đoàn khổng lồ như Wanda, Fosun, Anbang, HNA Group hay Rossoneri Sport Investment Lux là "những nhà đầu tư hung hăng". Chính quyền yêu cầu các nhà băng kiểm tra lại mức độ tiếp xúc nội bộ với những doanh nghiệp này.
Tập đoàn bảo hiểm Anbang trị giá hơn 320 tỉ USD, do tỉ phú Ngô Tiểu Huy - người kết hôn với cháu gái của cố lãnh đạo tối cao Trung Quốc Đặng Tiểu Bình - sáng lập, đã tiến hành hàng loạt thương vụ sáp nhập gây tiếng vang, bao gồm vụ mua khách sạn Waldorf Astoria nổi tiếng ở New York.
Khách sạn Waldorf Astoria ở New York, Mỹ, một trong các thương vụ gây chú ý nhất của Anbang năm 2016 (Ảnh: Reuters)
Truyền thông Trung Quốc hôm 13/6 đưa tin ông Ngô "bị đưa đi để hỗ trợ điều tra". Một ngày sau đó, Anbang thông báo tỉ phú này "rời cương vị Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn vì lý do cá nhân".
Nỗ lực tăng cường kiểm soát các thỏa thuận ở nước ngoài đã cho thấy kết quả. Kim ngạch đầu tư ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2017 của Trung Quốc giảm 53% so với năm ngoái, theo số liệu do Bộ thương mại nước này cung cấp.
"Một vài công ty bị nghi ngờ đã đẩy vốn ra nước ngoài," Huo Jianguo, cựu lãnh đạo một viện nghiên cứu của Bộ thương mại Trung Quốc, nói.
Ông Huo cho biết rất khó để xác định một thỏa thuận đầu tư là một thương vụ kinh doanh hợp pháp, hay chỉ là cách che dấu dòng tiền ở hải ngoại.
Lester Ross, đối tác quản lý ở hãng luật Wilmer Hale (Mỹ), nói rằng ban lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lo ngại an ninh kinh tế gặp bất ổn bởi các vụ đầu tư ra thị trường quốc tế.
"Mối quan ngại thực sự là một số khoản đầu tư không có sự hỗ trợ bằng tài sản và thiếu năng lực tài chính, điều này có thể cấu thành rủi ro mang tính hệ thống cho nền kinh tế Trung Quốc," ông Ross nói.
Nhiều thỏa thuận của các công ty như Anbang còn liên quan đến sự mất cân đối giữa các khoản nợ dài hạn và tài sản ngắn hạn. "Đó là vấn đề có thể tác động đến cả nền kinh tế," Ross bình luận.