Cụ thể, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hong Kong), trong bức thư chúc mừng được Phó Thủ tướng Hàn Chính đọc tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Đa Quốc gia Thanh Đảo hôm thứ 7 (19/10) vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại cam kết tiếp tục mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty và nhà đầu tư trên toàn thế giới.
"Cánh cửa thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng được mở rộng hơn, môi trường kinh doanh sẽ ngày càng tốt hơn, và cơ hội dành cho các công ty đa quốc gia trên toàn cầu cũng sẽ ngày càng nhiều hơn", ông Tập viết trong bức thư nói trên.
Hội nghị thượng đỉnh Đa Quốc gia Thanh Đảo là sự kiện kéo dài trong hai ngày (19-20/11), do Bộ Thương mại Trung Quốc và chính quyền tỉnh Sơn Đông tổ chức để mang đến cho các công ty đa quốc gia "cơ hội nói lên tầm nhìn và giá trị kinh doanh" của mình, đồng thời đây cũng là dịp để "thúc đẩy hợp tác" giữa các công ty này và nước chủ nhà.
Trong bức thư chúc mừng lễ khai mạc hội nghị, ông Tập đã ca ngợi vai trò của các công ty đa quốc gia trên chặng đường cải cách, mở cửa và phát triển của Trung Quốc trong suốt 4 thập kỷ qua, và gọi các công ty này là những "người tham gia, nhân chứng và người thụ hưởng quan trọng" của quá trình ấy.
Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục mở cửa để mang lại lợi ích không chỉ cho riêng mình, mà còn cho cả thế giới, nhà lãnh đạo nước này khẳng định. Ông Tập đã viết trong bức thư: "Chỉ khi thế giới tốt đẹp, thì Trung Quốc mới tốt đẹp. Chi khi Trung Quốc tốt đẹp, thì thế giới mới có thể trở nên tốt hơn".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Tuyên bố muộn màng
Mặc dù bức thư được viết với tông giọng lạc quan, nhưng những thông điệp của ông Tập lại được đưa ra khi Bắc Kinh đang phải đối diện với sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng quốc tế vì mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo và việc Trung Quốc cố gắng ngăn chặn các công ty nước ngoài lên tiếng về nhiều vấn đề nước này cho là nhạy cảm. Đây cũng là một trong những mâu thuẫn chính trong cuộc chiến thương mại của Trung Quốc và Mỹ.
Các công ty nước ngoài từ lâu đã phàn nàn về những rào cản họ gặp phải khi cố gắng tiếp cận thị trường Trung Quốc, cùng với đó là những ưu đãi đặc quyền mà chỉ các công ty nhà nước Trung Quốc được hưởng.
Mặc dù Bắc Kinh đã cam kết cải cách thành phần doanh nghiệp nhà nước, nhưng các công ty nước ngoài vẫn tiếp tục phàn nàn về tiến độ chậm chạp. Tháng trước, Phòng Thương mại Châu Âu đã thúc giục EU thực hiện thêm các biện pháp phòng thủ để đề phòng nền kinh tế nhà nước Trung Quốc "trỗi dậy" trở lại.
Sheman Lee, giám đốc điều hành của công ty Cổ phần Truyền thông Toàn cầu Forbes, đồng thời là CEO của Forbes tại Trung Quốc, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Thanh Đảo rằng các công ty nước ngoài đang phải đối mặt với một môi trường giao dịch khó khăn trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Các công ty đa quốc gia đang chứng kiến sự tăng trưởng của họ ở Trung Quốc chậm lại trong những năm gần đây do thách thức ngày càng tăng từ các công ty địa phương, cùng với đó là thị trường bắt đầu bão hòa dần và chi phí duy trì hoạt động cũng tăng cao", ông nói.
Craig Allen, chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung, cho biết nhiều công ty đa quốc gia không muốn kinh doanh các sản phẩm tốt nhất của họ ở Trung Quốc vì lo sợ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Trong bức thư khai mạc hội nghị, ông Tập khẳng định rằng trong vòng 15 năm tới, giá trị nhập khẩu hàng hóa hàng năm của Trung Quốc sẽ vượt 30 ngàn tỉ USD, trong khi đó giá trị dịch vụ nhập khẩu sẽ vượt 10 ngàn tỉ USD mỗi năm, điều này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các công ty đa quốc gia.
Ảnh minh họa: Bloomberg
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết sẽ cắt giảm thuế, loại bỏ các hàng rào phi thuế quan và đẩy nhanh các thủ tục hải quan, nhà lãnh đạo Trung Quốc viết.
Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn cũng cam kết rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện việc tiếp cận thị trường và bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế và cam kết sẽ bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, đồng thời sẵn sàng hợp tác với chính phủ các nước khác và các tập đoàn đa quốc gia để thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế, ông Chung Sơn nhấn mạnh.
Lời cam kết về việc tiếp tục mở cửa thị trường Trung Quốc của ông Tập Cận Bình được đưa ra sau khi Hội đồng Nhà nước có tuyên bố tương tự tại cuộc họp hàng tuần hôm thứ 4 (16/10) vừa qua.
Tiếp sau đó, vào ngày 18/10, chính phủ Trung Quốc tiếp tục công bố số liệu gây sốc: trong Quý III năm 2019, nền kinh nước này chỉ tăng trưởng 6% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/1992 đến nay, thậm chí còn thấp hơn cả mức dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB).
Mức tăng trưởng thấp trầm trọng này cho thấy tình trạng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục đi xuống do những tổn hại từ cuộc thương chiến với Mỹ. Chính phủ Bắc Kinh cũng đã thừa nhận điều này và bày tỏ mong muốn sớm đạt thỏa thuận thương mại với Washington.
Sau vòng đàm phán chiến tranh thương mại mới đây tại Washington, Bắc Kinh cho biết họ đã đạt được "tiến bộ thực sự" trong vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ, hợp tác thương mại và chuyển giao công nghệ - tất cả đều là những điểm mâu thuẫn chính với Mỹ.
Mặc dù cam kết như vậy, nhưng Trung Quốc lại đang soạn thảo danh sách "các thực thể nước ngoài không đáng tin cậy" mà họ cho là gây tổn hại đến lợi ích của các công ty Trung Quốc. Đây được coi là đòn đáp trả của Bắc Kinh đối với một động thái tương tự của Mỹ trước đó.
Tuy nhiên, dường như ông Tập đã đưa ra tuyên bố muộn màng, bởi công ty điện tử Samsung của Hàn Quốc hôm 4/10 vừa qua đã tuyên bố chấm dứt hoạt động của dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh tại nhà máy Samsung Huệ Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông - nhà máy cuối cùng của hãng này ở Trung Quốc. Động thái này của Samsung đã khiến Trung Quốc mất đi hàng ngàn việc làm.