Ông Tập đi châu Âu, 4 cộng sự thân tín đi khắp Trung Quốc: Bắc Kinh sắp đón sự kiện quan trọng hàng đầu

An An |

Trong tháng 7 tới, Trung Quốc sẽ tổ chức một hội nghị vô cùng quan trọng. Hội nghị này trước đó đã bị trì hoãn không rõ nguyên nhân.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP-Hồng Kông, Trung Quốc) ngày 11/5 cho biết, đội ngũ quan chức cấp cao của Bộ chính trị Trung Quốc đã thực hiện các chuyến thị sát địa phương để vạch ra định hướng kinh tế chung của đất nước tại Hội nghị trung ương 3 sẽ được tổ chức vào tháng 7 sau một thời gian trì hoãn không rõ nguyên nhân.

Theo đó, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang công du Châu Âu thì bốn trong số bảy thành viên Thường vụ Bộ Chính trị gồm Thủ tướng Lý Cường, Bí thư Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hỗ Ninh và Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường đã đi thị sát khắp Trung Quốc.

Ông Tập đi châu Âu, 4 cộng sự thân tín đi khắp Trung Quốc: Bắc Kinh sắp đón sự kiện quan trọng hàng đầu- Ảnh 1.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm một công ty địa phương tại Tân Cương. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ông Lý Cường đến thăm Tân Cương từ 7-9/5. Tại đây, ông nói khu vực Tây Bắc Trung Quốc cần tăng cường trao đổi quốc tế và phát huy vai trò là cầu nối thương mại giữa các tỉnh thành trong nước với các quốc gia khác.

Trong suốt chuyến thăm, Thủ tướng Trung Quốc đã tới thăm tới các công ty địa phương và yêu cầu các công ty này cần hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh của địa phương như sản xuất năng lượng và thiết bị. 

Tân Cương cũng nằm trong chính sách mở cửa miền Tây Trung Quốc như lời ông Tập Cận Bình nhấn mạnh trong chuyến thăm Trùng Khánh vào tháng trước.

Khu vực miền Tây gồm Trùng Khánh và 11 tỉnh, khu tự trị, được coi là có tầm quan trọng chiến lược về an ninh năng lượng và quốc phòng.

Đến ngày 10/5, Thủ tướng Lý Cường cũng tới thăm tỉnh An Huy và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự chủ và đổi mới công nghệ.

Đó cũng là trọng tâm trong chuyến thăm Liêu Ninh kéo dài 3 ngày của Phó thủ tướng Đinh Tiết Tường. Tại thủ phủ Thẩm Dương và thành phố cảng Đại Liên, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển lĩnh vực sản xuất tiên tiến.

Ông Đinh cũng đến thăm một trường đại học, một số công ty công nghệ và một phòng thí nghiệm nghiên cứu. Ông khẳng định, doanh nghiệp nên đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong đổi mới khoa học và cần thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, giới học thuật và viện nghiên cứu.

Bí thư Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc Triệu Lạc Tế thì đi thị sát Hà Nam từ 7-10/5 và đề xuất địa phương cần có những bước đi thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.

Ông Vương Hỗ Ninh, quan chức được cho có vị thế thứ 4 trong ủy ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc đã tới khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây trong 3 ngày 6-8/5.

Ông nói rằng khu vực này có tỷ lệ dân tộc không phải người Hán cao nhất Trung Quốc, cần thực thi tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc "xây dựng ý thức mạnh mẽ về cộng đồng của các dân tộc Trung Quốc", đồng thời kêu gọi sự hội nhập lớn hơn của các nhóm thiểu số.

Đây cũng là chủ đề trong các chuyến thị sát của ông năm ngoái tới những địa phương như Tân Cương, Tây Tạng và Vân Nam.

Hội nghị trung ương 3 theo truyền thống được đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc sử dụng để đề ra chiến lược kinh tế của đất nước trong 5 đến 10 năm tới. Cuộc họp vào tháng 7 dự kiến sẽ đề cập đến nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến phát triển xã hội.

Vào tháng trước, khi công bố thời điểm diễn ra hội nghị quan trọng này, Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan ra quyết định chủ chốt đã nhấn mạnh những rủi ro "ẩn náu trong các lĩnh vực then chốt" của nền kinh tế Trung Quốc và sự cần thiết phải thúc đẩy cải cách, đạt được lợi thế chiến lược trước các đối thủ nước ngoài.

Hội nghị trung ương 3 dự kiến kéo dài năm ngày cùng sự tham dự của 376 thành viên chính thức và dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc.









Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại