Tên lửa Trường Chinh 4B mang theo vệ tinh Shijian-6 05 phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở phía tây bắc Trung Quốc ngày 10 tháng 12 năm 2021. Ảnh: Wang Jiangbo / Xinhuanet.
THAM VỌNG VŨ TRỤ NĂM 2022 CỦA TRUNG QUỐC
SCMP thông tin, chỉ riêng năm 2021, Trung Quốc đã đứng đầu thế giới với 55 sứ mệnh phóng vào không gian - đối thủ hàng đầu của nước này là Mỹ đứng ở vị trí thứ hai với 43 sứ mệnh phóng không gian.
Chưa dừng ở đó, Trung Quốc đang nung nấu thực hiện mục tiêu khổng lồ: Sứ mệnh không gian 2022 sẽ phá vỡ kỷ lục năm 2021.
Cụ thể, SCMP trích dẫn thông tin được tiết lộ trong sách xanh của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) cho thấy kế hoạch mới đầy tham vọng của Bắc Kinh trong vũ trụ năm 2022.
Trong đó bao gồm: Thực hiện hơn 50 sứ mệnh không gian, trong đó có các phi vụ phóng tàu vũ trụ và hoàn thành Trạm Vũ trụ Trung Quốc (tên là Thiên Cung) trong năm 2022.
Các kế hoạch cũng bao gồm việc đưa 6 phi hành gia từ 2 phi hành đoàn riêng biệt thực hiện đồng thời các sứ mệnh không gian trên quỹ đạo.
Các kế hoạch mới đầy tham vọng của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) là phần mở rộng của thành tích hoạt động hiệu quả cao của nước này trong năm 2021, khi Bắc Kinh thực hiện các sứ mệnh không gian nhiều nhất trên thế giới.
Hình ảnh mô tả cấu tạo của Trạm Vũ trụ Trung Quốc - Thiên Cung/Nguồn: CASC
Các kế hoạchvũ trụ này đã được tiết lộ trong báo cáo của CASC có tiêu đề "Sách xanh về các hoạt động khoa học và công nghệ không gian của Trung Quốc", xem xét các hoạt động không gian vào năm 2021 và công bố mục tiêu cho năm hiện tại (2022).
Sách xanh của CASC phát hành ngày 9/2/2022 cho biết việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung sẽ được hoàn thành trong năm 2022 bằng tàu vũ trụ có người lái thông qua 6 nhiệm vụ. Mô-đun lõi Thiên Hà sẽ là trung tâm điều khiển cho tất cả 6 nhiệm vụ, với các mô-đun Vấn Thiên và Mộng Thiên là nền tảng thử nghiệm chính.
“Khi hoàn thành, trạm vũ trụ Thiên Cung sẽ có không gian sống đủ lớn cho 3 phi hành gia trong thời gian dài hơn và 6 phi hành gia ở lại ngắn hơn,” Bo Linhou, phó trưởng thiết kế trạm vũ trụ Thiên Cung, cho biết.
Hơn 50 lần phóng vào không gian trong năm 2022 sẽ bao gồm các chuyến bay đầu tiên từ các phương tiện phóng mới như tên lửa Trường Chinh 6A, Jielong hoặc Smart Dragon 3.
'GIẤC MƠ VĨNH CỬU CỦA TRUNG QUỐC'
Điều này xảy ra sau khi Trung Quốc thực hiện 55 phi vụ phóng vào năm 2021, cao nhất trên thế giới. Mỹ, đối thủ không gian hàng đầu của Trung Quốc, ở vị trí thứ 2 với 43 lần phóng, trong đó Nga ở vị trí thứ ba với 25 phóng.
Tờ People's Daily (Trung Quốc) cho biết trên Twitter rằng, tổng cộng có 146 vụ phóng vào không gian đã được thực hiện trên toàn thế giới vào năm 2021, con số cao nhất kể từ năm 1957, đưa tổng khối lượng kỷ lục 777,7 tấn (của tàu vũ trụ) vào không gian chỉ trong năm 2021, theo Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) thống kê.
Điều này thể hiện sư bật vọt mạnh mẽ của ngành hàng không vũ trụ thế giới vào năm 2021.
Công nghiệp vũ trụ từ lâu đã được nhấn mạnh là một bộ phận quan trọng trong chiến lược quốc gia của Trung Quốc.
Vào tháng 1/2022, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã xuất bản sách trắng có tiêu đề "Chương trình Không gian của Trung Quốc: Triển vọng năm 2021", đưa ra "mục tiêu tăng cường sự hiện diện trong không gian của nước này một cách toàn diện".
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tham vọng không gian của Trung Quốc trong tương lai. "Khám phá vũ trụ rộng lớn, phát triển ngành công nghiệp vũ trụ và xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc không gian là giấc mơ vĩnh cửu của chúng tôi" - Ông Tập nói vào tháng 1/2022, SCMP thông tin.
Cũng trong tháng 1/2022, CASC đã vạch ra một số mục tiêu cho năm 2022 nhằm đẩy mạnh tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc không gian số 1 thế giới, trong đó bao gồm phát triển động cơ tên lửa để các phi hành gia Trung Quốc có thể hạ cánh lên Mặt trăng vào năm 2030 (cụ thể là siêu tên lửa Trường Chinh 9);
Phi hành đoàn Thần Châu 13, trên đỉnh một tên lửa vũ trụ Trường Chinh 2F, chuẩn bị phóng đi từ sa mạc Gobi ở tây bắc Trung Quốc vào tháng 10 năm 2021. Ảnh: Tân Hoa xã
Ngoài ra, còn có các nhiệm vụ khác cần hoàn thành trong 5 năm tới như: Xây xong trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc và hệ thống quan sát Trái đất có độ phân giải cao; Thực hiện nhiều cuộc đổ bộ lên Mặt trăng để tạo nền tảng cho một trạm nghiên cứu và khoa học ở đó; Xây dựng một hệ thống phòng thủ gần Trái đất chống lại các tiểu hành tinh; Mở rộng hành trình thám hiểm không gian sâu và sự phát triển của tên lửa hạng nặng.
Ngoài ra, còn phát triển hệ thống vận tải không gian, cơ sở hạ tầng không gian; máy bay không gian có người lái; thám hiểm không gian sâu; xây dựng các bãi phóng không gian; các thí nghiệm về công nghệ mới; và quản trị môi trường không gian.
Nguồn: SCMP, Xinhuanet