Ông Tập cam kết chiến thắng đói nghèo, nông dân TQ: Chúng tôi không thể nghèo hơn được nữa!

An An |

Sau đại dịch Covid-19 và trận lũ lịch sử, người nông dân Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng tái nghèo và thiếu thốn đủ thứ.

Không thể nghèo hơn

Xu Rudong, một nông dân sống ở phía Đông Trung Quốc, nghĩ rằng bản thân đã sớm thoát nghèo. Ông đã biến một mảnh đất nhỏ thành một cánh đồng tỏi tây màu mỡ, thu nhập đủ để mua được những thực phẩm đắt tiền như thịt, cá cho gia đình có bốn người con. Ông thậm chí còn mua được một chiếc xe máy điện với số tiền còn lại.

Giờ đây, ông Xu một lần nữa phải vật lộn để chi trả cho những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và thuốc men. Sự suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã làm giảm thu nhập và lũ lụt nghiêm trọng phá hủy mùa màng của ông.

"Chúng tôi rất nghèo, là người nghèo", Xu cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The New York Times (NYT-Mỹ) tại nhà riêng ở Wangjiaba, tỉnh An Huy, một ngôi làng có 36.000 dân. "Tôi không ăn thịt nữa rồi".

Theo NYT, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tuyên bố chiến thắng trong chiến dịch xóa đói giảm nghèo ở nước này trong hai tháng tới. Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh trở lại và những thành tựu trong xóa đói giảm nghèo dự kiến ​​sẽ là trọng tâm trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh trong tuần này.

Ông Tập cam kết chiến thắng đói nghèo, nông dân TQ: Chúng tôi không thể nghèo hơn được nữa! - Ảnh 1.

Hình ảnh trận lụt ở Tứ Xuyên hồi tháng 8. Ảnh: Getty

Chiến dịch xóa đói giảm nghèo do ông Tập khởi xướng tập trung vào khoảng 5 triệu người với thu nhập thấp dưới 2.300 NDT/năm.

Nhưng đại dịch đã bộc lộ những thiếu sót trong cung cấp an sinh xã hội cơ bản ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Một số chuyên gia cảnh báo, phản ứng của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng - ưu tiên hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng và giảm thuế cho các công ty thay vì viện trợ trực tiếp cho các gia đình - có thể làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc, vốn đã thuộc hàng cao nhất thế giới.

Trong khi những người lao động giàu có phần lớn vẫn giữ được việc làm và tài sản trong thời gian đại dịch xảy ra, thì hàng triệu người có thu nhập thấp đang bị giảm giờ làm cũng như thu nhập, cạn kiệt tiền tiết kiệm và buộc phải vay nợ để tồn tại.

Jike Erge, 27 tuổi, một công nhân xây dựng từ tỉnh Tứ Xuyên nói: "Ước mơ của tôi là trở nên giàu có nhưng tôi không biết liệu nó có thể thành hiện thực hay không. Thu nhập và công việc ổn định là điều không thể".

Do các biện pháp phong tỏa liên quan đến Covid-19, Jike đã không có việc làm trong nửa đầu năm nay. Vào tháng 8, anh lại phải trải qua một cuộc khủng hoảng khác khi một trận lũ lụt nghiêm trọng phá hủy ngôi nhà mới xây trị giá khoảng 100.000 NDT. Anh nói rằng anh vẫn chưa nhận được tiền bồi thường của chính phủ vì thiệt hại do lũ lụt gây ra. Trận lụt này ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trên khắp Trung Quốc và là trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua .

"Mặc dù làm việc bên ngoài quanh năm nhưng tôi không có tiền tiết kiệm. Sau đại dịch và lũ lụt, chúng tôi không thể nghèo hơn", anh nói.

Chưa thể bù đắp thiệt hại kinh tế

Trong cuộc họp gần đây của Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc "không hề nao núng trước tác động của đại dịch" và sẽ đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo như lịch trình. Ông đã huy động các quan chức và Bắc Kinh đã bỏ ra chi phí khổng lồ nhằm đạt được mục tiêu này, đây là dấu mốc chính trị quan trọng nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm sau.

Ông Tập cam kết chiến thắng đói nghèo, nông dân TQ: Chúng tôi không thể nghèo hơn được nữa! - Ảnh 2.

Chính phủ Trung Quốc tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất. Ảnh: Getty

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, sức mạnh hệ thống giám sát của chính phủ sẽ đảm bảo rằng người dân sẽ đi tới thịnh vượng. Giới chức địa phương cũng đang lập danh sách chi tiết về mức thu nhập của người dân nghèo và cung cấp trợ cấp, nhà ở và các khoản vay để họ thoát khỏi mức nghèo khổ.

"Bất kỳ nhóm người nào dưới tiêu chuẩn đều được đưa vào hồ sơ và ghi lại", Li Xiaoyun, một học giả tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh, cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về các chương trình xóa đói giảm nghèo, cho biết. "Mọi ngôi làng đều biết".

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề tồn tại lâu nay ở các vùng nông thôn.

Một nghiên cứu gần đây của Chương trình Hành động Giáo dục Nông thôn của Đại học Stanford cho thấy thu nhập của lao động nông thôn đã giảm nghiêm trọng trong thời kỳ cao điểm bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc vào tháng Hai và tháng Ba. Theo báo cáo, chỉ trong hai tháng này, người dân nông thôn đã mất khoảng 1/5 thu nhập, đồng thời giá thực phẩm và chi phí sinh hoạt đều tăng.

Do nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng chậm lại ở nhiều vùng của Trung Quốc, người dân nông thôn cho biết họ chưa nhận được thêm các biện pháp từ chính phủ để giúp họ cải thiện điều kiện kinh tế. Chính phủ Trung Quốc hiện đang hỗ trợ các doanh nghiệp ở khu vực thành thị hồi phục kinh tế.

Zhou Caijuan, một người bán kiwi ở tỉnh Thiểm Tây, cho biết thu nhập của cô đã giảm mạnh trong thời gian đại dịch và cô đang phải vật lộn để trả khoản nợ hàng trăm nghìn NDT. Cô này tiết lộ, giới chức địa phương dường như chỉ quan tâm đến việc thu thập dữ liệu và chụp ảnh tuyên truyền hơn là giúp người dân phát triển.

Zhou Caijuan cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, các quan chức đến vườn cây ăn quả của cô hai lần một tháng, mỗi lần cô phải điền vào các mẫu đơn và trả lời các câu hỏi, điều này khiến cô rất mệt mỏi.

"Dù sao đi nữa, tôi thực sự ghét đói nghèo", cô cho rằng những lời cam kết về các dự án xóa đói giảm nghèo dường như chưa sát với thực tế. Cô nói: "Xóa đói giảm nghèo là chiếc áo khoác lông tuyệt đẹp".

Nhiều người có thu nhập thấp nói rằng dù gặp khó khăn nhưng họ vẫn bị loại ra ngoài danh sách.

Gao Qin, Giáo sư tại Đại học Columbia, chuyên nghiên cứu về hệ thống phúc lợi xã hội của Trung Quốc cho biết: "Người dân [có thu nhập thấp] có thể dễ dàng rơi vào cảnh nghèo đói và đối mặt với đủ loại thiếu thốn".

NYT cho hay, như với bất kỳ sáng kiến nào của chính phủ với các khoản chi tiêu lớn, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên báo cáo các trường hợp hối lộ, biển thủ và các hành vi sai trái khi giải ngân, điều này dẫn đến những lời kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn. Cũng không rõ liệu những nỗ lực xóa đói giảm nghèo - chẳng hạn như các kế hoạch giúp người nghèo bán trái cây, rau và quần áo trực tuyến - có còn tồn tại sau khi Bắc Kinh đạt được mục tiêu hay không.

Hai tháng sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, nông dân ở Wangjiaba nói rằng khoản hỗ trợ của chính phủ (bao gồm trợ cấp một lần khoảng 2.000 NDT và một bao hạt giống) không đủ để bù đắp thiệt hại kinh tế của họ.

Với việc trái cây và rau quả vẫn còn khan hiếm trong làng, ông Xu nói rằng ông sẽ phải chi thêm nhiều hơn so với dự kiến ít nhất 10.000 NDT cho nhu cầu thực phẩm trong năm nay. Ông dự định sẽ bán đàn cừu của mình vào mùa đông này và trồng các loại cây khác để kiếm sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại