Hôm 14/10, theo nhiều phương tiện truyền thông Nga, đề xuất của ông Putin về việc phê chuẩn hiệp ước giữa ông và ông Kim Jong Un trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 6 vừa qua đã được đưa vào hồ sơ của cơ quan lập pháp.
Theo hiệp ước được ký kết giữa hai bên, hai nước sẽ “hợp tác với nhau để đảm bảo hòa bình và an ninh lâu dài trong khu vực và quốc tế”.
Cụ thể, Nga và CHDCND Triều Tiên cam kết thiết lập “sự ổn định chiến lược toàn cầu và một hệ thống quốc tế đa cực công bằng” và xây dựng quan hệ đối tác của họ trên “các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, bình đẳng và các nguyên tắc khác của luật pháp quốc tế”.
Trong đó, có một điều khoản nêu rõ "nếu một trong hai bên phải chịu một cuộc tấn công vũ trang của một hoặc một số quốc gia và thấy mình trong tình trạng chiến tranh, bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi cách có thể theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc" và luật pháp quốc gia.
Bên cạnh đó, hai bên cũng cam kết không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào “có hại cho chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự do lựa chọn và phát triển hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa và các lợi ích quan trọng khác của Bên kia” với bất kỳ quốc gia thứ ba nào.
Đồng thời, Hiệp ước cũng thể hiện sự phản đối của Nga và Triều Tiên đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây, mô tả chúng là "các biện pháp cưỡng chế đơn phương ngoài lãnh thổ", bất hợp pháp, trái với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Hai bên sẽ không áp dụng các lệnh trừng phạt như vậy đối với nhau.
Tuần trước, Hàn Quốc tuyên bố rằng hiệp ước này đã có hiệu lực và rằng binh lính CHDCND Triều Tiên "rất có thể" đã chiến đấu cùng với quân đội Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã lập tức bác bỏ cáo buộc này và thẳng thắn cho rằng đây lại là "một trò lừa bịp khác".