Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố trước các nguyên thủ quốc gia tham dự cuộc họp rằng cả hai loại vaccine ngừa COVID-19 do Nga phát triển là Sputnik V và EpiVacCorona đều "an toàn và hiệu quả".
Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là ông Putin đã tiêm các loại vaccine này, Bloomberg đưa tin.
"Chúng tôi vẫn chưa bắt đầu tiến hành tiêm chủng đại trà, và nhà lãnh đạo của nước Nga không thể trở thành một tình nguyện viên thử vaccine được. Đó là điều bất khả thi", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố trước báo giới hôm 24/11 vừa qua. "Tổng thống [Putin] không thể sử dụng một loại vaccine chưa được chứng nhận".
Trước đó, ông Putin từng tiết lộ rằng chính con gái của ông đã tham gia thử nghiệm vaccine Sputnik V để chứng minh tính an toàn của loại vaccine này.
Tuy nhiên, việc Điện Kremlin thận trọng cũng là điều có lý bởi Tổng thống Putin thuộc nhóm nguy cơ cao do tuổi tác của ông (68 tuổi). Trong khi đó, cuộc thử nghiệm đối với nhóm tình nguyện viên trên 60 tuổi chỉ vừa mới được tiến hành vào cuối tháng trước.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov cho biết các cuộc thử nghiệm sẽ nhanh chóng hoàn thành, và khi đó đích thân ông Putin sẽ thông báo với người dân về quyết định tiêm vaccine của mình "nếu ông ấy cho rằng đó là điều cần thiết".
Các nhà phát triển vaccine Sputnik V của Nga - loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được đăng ký trên thế giới - hôm 24/11 vừa qua cho biết các thử nghiệm ban đầu cho thấy loại vaccine này có hiệu quả phòng ngừa virus SARS-CoV-2 đến 91,4% - dù họ vẫn chưa công bố các kết quả và kết luận cuối cùng trên tạp chí khoa học.
Còn theo Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), trong số các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn đầu, các dữ liệu ban đầu cho thấy hiệu quả lên đến hơn 95%.
Ảnh: Economic Times
Nga là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ 5 trên thế giới. Tuần trước, con số này đã vượt mốc 2 triệu người.
Hồi tháng 8, Tổng thống Putin đã công bố về việc vaccine Sputnik V được đăng ký và đợt tiêm chủng thứ 2 (dành cho các đối tượng ưu tiên) đã được thông qua vào tháng 10, trong khi các cuộc thử nghiệm trong giai đoạn thứ 3 nhằm xác minh độ an toàn và hiệu quả vẫn đang tiếp tục được tiến hành.
Hiện tại, nhóm các đối tượng dễ bị phơi nhiễm với virus là các nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên nhà nước đã bắt đầu được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo Phó Thủ tướng Tatyana Golikova, các nhà sản xuất hy vọng sẽ có được khoảng 2,9 triệu liều vaccine vào cuối năm nay.
Vaccine giá rẻ của Nga
Theo tuyên bố của chính phủ Nga, vaccine Sputnik V dự kiến sẽ được bán ra thị trường thế giới với giá thấp hơn 20 USD cho 2 mũi tiêm, rẻ hơn đáng kể so với các "đối thủ" của Mỹ do các công ty Pfizer và Moderna phát triển và sản xuất, theo RDIF.
Những kết quả nghiên cứu khả quan tính đến thời điểm hiện tại và giá thành tương đối "mềm" cho thấy RDIF đã có lựa chọn đúng đắn khi tin tưởng vào đơn vị phát triển vaccine Sputnik V, người đứng đầu quỹ này, ông Kirill Dmitriev, bình luận trong một cuộc phỏng vấn.
Một lý do nữa khiến RDIF lựa chọn Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya là vì đơn vị này có kinh nghiệm lâu năm trong việc phát triển các chế phẩm vaccine, đặc biệt là công nghệ sử dụng adenovirus.
Theo RDIF, Nga sẽ bắt đầu giao các lô vaccine quốc tế từ tháng 1/2021, và tiến tới việc sản xuất vaccine để phục vụ nhu cầu của 500 triệu người trên thế giới trong năm 2021. Trong khi đó, nước này dự kiến sẽ cung cấp vaccine miễn phí cho các công dân của mình.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: