Vụ nổ bí ẩn và những nghi vấn chưa có lời giải
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/8 dường như đã xác nhận điều mà các chuyên gia vũ khí quốc tế đang đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn: Vụ nổ gây chết người và làm rò rỉ phóng xạ tại một căn cứ quân sự ở miền Bắc nước Nga hôm 8/8 vừa qua là hệ quả từ một cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí mới đầy triển vọng.
Nhà lãnh đạo Nga đã không đề cập đến tên gọi cụ thể của loại vũ khí trên nhưng một số bằng chứng cho thấy vụ thử có liên quan đến tên lửa 9M730 Burevestnik hay SSC-X-9 Skyfall, theo cách gọi của NATO.
Giả thuyết này đã được củng cố thêm khi ngày 20/8 ông Dmitry Peskov - phát ngôn viên của Tổng thống Putin xác nhận vụ thử nghiệm nằm trong quá trình phát triển tên lửa mang động cơ hạt nhân của Nga.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng sự cố trên là kết quả từ một vụ thử tên lửa thất bại.
Michael Kofman, một chuyên gia về Nga tại tổ chức nghiên cứu CNA cho rằng, dù chắc chắn đó là một thử nghiệm lò phản ứng hạt nhân dùng cho một ứng dụng quân sự nào đó nhưng chưa đủ bằng chứng để nói rằng đó là Skyfall.
"Nga có khá nhiều dự án vũ khí khác nhau và các dự án về động cơ hạt nhân khác nhau. Đó có thể là một vụ thử nghiệm cho một thiết bị thuộc một dự án vũ khí khác".
Tên lửa 9M730 Burevestnik hay SSC-X-9 Skyfall theo cách gọi của NATO. Ảnh: The Drive
Dù bất kể nguyên nhân của vụ nổ là gì thì không ít chuyên gia kiểm soát vũ khí vẫn hoài nghi về việc liệu Nga có đủ tiềm lực tài chính và bí quyết kỹ thuật để biến Skyfall thành hiện thực.
Ian Williams, Phó giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cũng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng phát triển và sản xuất Skyfall của Nga.
"Không một quốc gia nào khác, thậm chí là chỉ đang cân nhắc tới loại vũ khí này. Nó chưa được chứng thực về mặt công nghệ và có thể rất đắt đỏ nếu theo đuổi trong thời gian dài".
Vụ tai nạn có thực sự liên quan đến loại vũ khí mới - tên lửa hành trình động cơ hạt nhân mà Moscow tuyên bố có thể bay vòng quanh thế giới nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tháng liền và có khả năng trốn tránh mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ hay không thì những phát biểu của ông Putin vẫn là một chỉ dấu cho thấy Nga đang muốn khôi phục vị thế trên trường quốc tế.
Trong thông điệp liên bang tháng 3/2018, ông Putin đã gây chấn động cộng đồng quốc tế khi tiết lộ về một số vũ khí hạt nhân thế hệ tiếp theo mà theo như lời của chính ông là sẽ khiến lá chắn tên lửa của Mỹ trở nên "vô dụng".
Tại sự kiện này ông Putin đã giới thiệu đoạn video mô phỏng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bay vòng quanh Trái đất, hướng về bờ biển phía Tây bang Florida, khu vực mà báo giới khi đó nhanh chóng xác định ở rất gần với khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bài phát biểu, mặc dù vấp phải nhiều chỉ trích quốc tế nhưng đã gây được tiếng vang lớn trên khắp nước Nga.
"Với những ai trong 15 năm qua đã cố gắng thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang và tìm kiếm lợi thế đơn phương so với Nga, áp đặt các các lệnh trừng phạt bất hợp pháp nhằm kiềm chế sự phát triển của đất nước chúng ta thì tôi sẽ nói như thế này: Không ai có thể kiềm chế được nước Nga. Đã không ai muốn lắng nghe chúng ta. Vậy thì bây giờ họ hãy lắng nghe đây".
Tổng thống Nga Putin quá lo sợ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ?
Các vũ khí được ông Putin công bố gồm có cả một ngư lôi hạt nhân, loại vũ khí siêu âm có thể di chuyển gấp nhiều lần vận tốc âm thanh nhưng chúng đều có một điểm chung là được thiết kế để trốn tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Tuy nhiên, điều này cũng gợi nhớ về mối lo ngại phòng thủ của Nga.
"Tôi cho rằng tầm nhìn bao quát lớn ở đây là Nga đang lo sợ các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ", James Acton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận xét.
Loạt vũ khí mới của Nga được ông Putin tiết lộ trong thông điệp liên bang tháng 3/2018
Ông Putin từ lâu đã cam kết sẽ khôi phục nước Nga vĩ đại trở lại trên trường quốc tế. Không có tiềm lực kinh tế và dân số như nước láng giềng Trung Quốc hay sức mạnh ngoại giao như Mỹ nên vũ khí hạt nhân đã đóng góp phần to lớn khẳng định vai trò cường quốc của Nga.
Vậy nếu Nga không có tất cả các vũ khí hạt nhân này và một hệ thống quân sự tương đối tiên tiến thì họ còn có gì nữa?
Skyfall: SSC-X-9 Skyfall là mã định danh mà NATO đặt cho tên lửa 9M730 Burevestnik của Nga. Năm 2018 khi nó chưa được đặt tên, ông Putin đã mô tả đó là một tên lửa tàng hình bay thấp tương tự như Tomahawk của Mỹ, trang bị động hạt nhân cỡ nhỏ. Ông Putin nói rằng các tên lửa này có phạm vi tấn công gần như không giới hạn và quỹ đạo không thể đoán trước.
Mỹ đã từng thử phát triển một loại vũ khí tương tự những năm 1950 và 1960 và được gọi là SLAM. Tuy nhiên cuối cùng, Mỹ đã phải từ bỏ kế hoạch vì không thực tế do những thách thức trong việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Satan II: Đây là một tên lửa đạn đạo liên lục địa nặng 200 tấn với tầm bắn 11.000 km - SS-X-30 Satan II được Nga gọi là RS-28 Sarmat, dự kiến sẽ thay thế cho R-36M Voevoda. Ông Putin tuyên bố, nhờ giai đoạn đẩy ngắn, vũ khí này sẽ khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc phát hiện và đánh chặn.
Ảnh đồ họa tên lửa Avangard
Avangard: Là một thiết bị phóng lướt có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân bay với tốc độ gấp hơn 5 lần vận tốc âm thanh. Theo ông Putin, Avangard có thể bay quanh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, khiến nó tuyệt đối không thể bị đánh chặn.
Sau khi được tên lửa Satan II đẩy lên độ cao cần thiết, đầu đạn sẽ tách khỏi tên lửa và bay xuống mục tiêu xuyên qua bầu khí quyển Trái Đất. Tên lửa hướng tới mục tiêu giống như một thiên thạch, "một quả cầu lửa", ông Putin nói.
Poseidon: Tháng 2/2019, Nga đã công bố đoạn video đầu tiên về loại vũ khí mà ngày nay gọi là Poseidon, một tàu ngầm không người lái có khả năng vũ trang hạt nhân và chạy bằng lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ.
Nhưng ông Putin lần đầu tiên tiết lộ về sự phát triển của vũ khí mới đáng sợ này trong thông điệp liên bang 2018 của mình. Khi đó ông tuyên bố nó có thể di chuyển liên lục địa ở độ sâu cực lớn và với tốc độ cao hơn nhiều lần so với tốc độ của tàu ngầm thông thường.
Dagger: Ông Putin cũng khoe về Kinzhal (Dao Găm), một tên lửa đạn đạo có khả năng mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân với tốc độ siêu âm.
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, tên lửa có thể được phóng đi từ máy bay ném bom và tiêm kích đánh chặn, tầm bắn hơn 2.000 km và có thể cơ động để trốn tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Tên lửa đã đạt Nga được đưa vào biên chế tháng 12/2017.
Hình ảnh về tổ hợp tên lửa Kinzhal được công bố trong Thông điệp Liên bang Nga 2018