Vũ khí Nga có dồn dập đổ vào Iran?
Lệnh cấm vận vũ khí kéo dài 13 năm của Liên Hợp Quốc đối với Iran đã hết hạn vào ngày 18/10/2020. Nằm trong chiến dịch gây áp lực tối đa chống lại Iran, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ ngăn chặn bất cứ hoạt động xuất nhập khẩu vũ khí nào của Iran và gần đây đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào những giao dịch thương mại như vậy.
Mỹ và các đồng minh của nước này ở Trung Đông cho rằng khi lệnh cấm vận hết hiệu lực, nhiều khả năng Trung Quốc và Nga sẽ dồn dập bán vũ khí cho Iran.Tuy vậy, viễn cảnh này khó có thể xảy ra trong tương lai gần.
Moscow có thể sẽ ký kết các thỏa thuận vũ khí mới với Tehran và thậm chí là cả hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mà Iran đang rất nóng lòng muốn sở hữu. Tehran cũng có thể tìm kiếm các hợp đồng mua xe tăng chiến đấu chủ lực, máy bay, các hệ thống tên lửa đất đối không phục vụ cho kế hoạch đối phó với các lực lượng Mỹ ở Trung Đông.
Tuy nhiên, xét tới rất nhiều rào cản cả về kinh tế và chính trị thì các thỏa thuận như vậy khó có thể thực hiện trong ngắn hạn.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga tham gia duyệt binh tại Quảng trưởng Đỏ
Mặc dù Nga có thể ký hợp đồng mua bán S-400 với Iran nhưng lịch sử của các thỏa thuận vũ khí lớn cho thấy sẽ phải mất rất nhiều năm mới hoàn tất việc giao hàng. Trong trường hợp của Iran, những thỏa thuận như vậy có xu hướng mất nhiều thời gian hơn bình thường.
Chẳng hạn như, hợp đồng chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 của Nga cho Iran cũng phải mất tới gần một thập kỷ. Thương vụ S-300 diễn ra trùng với giai đoạn gia tăng căng thẳng giữa Tehran và Washington về chương trình hạt nhân của Iran.
Vào thời điểm đó, Nga khẳng định việc bán vũ khí phòng thủ như S-300 nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc. Thế nhưng, Nga vẫn cho thấy họ dường như đã bị chi phối bởi các cuộc đàm phán mặc cả với Mỹ và Israel nên đã trì hoãn việc chuyển giao các tổ hợp S-300 cho Iran.
Tương tự, Trung Quốc cũng có thể bắt đầu đàm phán với Iran về gói vũ khí trong khuôn khổ các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa hai nước về một thỏa thuận đối tác lâu dài. Mặc dù vậy, quy mô và tốc độ chuyển giao vũ khí của cả Nga và Trung Quốc cho Iran sẽ bị hạn chế bởi một số yếu tố nhất định.
Giấc mơ S-400 của Iran còn rất xa vời!
Sức ép kinh tế và chính trị đáng kể từ phía Mỹ đối với các công ty vũ khí nhà nước của Nga và Trung Quốc có thể sẽ khiến họ giảm bớt ham muốn và khả năng tiến hành các giao dịch như vậy.
Nguy cơ gia tăng căng thẳng toàn cầu có thể sẽ thúc đẩy Moscow và Bắc Kinh gia tăng các thỏa thuận vũ khí với Tehran. Nga và Trung Quốc có động cơ địa chính trị và an ninh để bán vũ khí cho Iran: chủ yếu để chống lại Mỹ và trong trường hợp của Nga là để tăng cường hợp tác quân sự với Iran ở những nơi như Syria.
Tuy nhiên, xét tới cùng, Nga và Trung Quốc sẽ không sẵn sàng bán vũ khí cho Iran trừ khi họ chắc chắn nhận được các khoản thanh toán.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây ra trở ngại lớn cho Iran khi nước này tiến hành thanh toán các hợp đồng vũ khí lớn với Nga và Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm giá dầu xuống thấp. Kể từ tháng này, toàn bộ hệ thống ngân hàng của Iran đã trở thành đối tượng của các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.
Tên lửa hành trình được Iran phóng đi từ dưới lòng đất ngày 29/7. Ảnh: Press TV
Một lý do quan trọng hơn nữa khiến Nga và Trung Quốc buộc phải cân nhắc việc bán vũ khí cho Tehran đó chính là các đối thủ của Iran trong khu vực: Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út.
Những nước này sẽ tìm cách tận dụng mối quan hệ kinh tế ngày càng gắn bó của họ với Trung Quốc và Nga để ngăn chặn và kìm hãm việc bán vũ khí cho Iran. Trung Quốc đã bán một số lượng đáng kể máy bay không người lái cho các kẻ thù của Iran trong khu vực nên tất nhiên họ sẽ lưu tâm đến việc bảo vệ nguồn thu nhập đó.
Trong những năm gần đây, Nga cũng đã tìm cách thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí với thế giới Ả Rập. Tổng thống Vladimir Putin đã luôn khôn khéo đi theo một con đường thận trọng để cân bằng lợi ích của các bên cạnh tranh trong khu vực và tránh bị kéo quá gần vào bên nào.
Moscow và Bắc Kinh cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi việc bán vũ khí cho Iran có khả năng làm thổi bùng ngọn lửa bất ổn trong khu vực. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ không muốn bị gián đoạn hơn nữa hoạt động tiếp cận các nguồn hydrocacbon từ Trung Đông.
Việc Iran được cho là vô tình bắn hạ một máy bay của Ukraine vào tháng 1/2020 và vụ bắt giữ tàu chở dầu ở Eo biển Hormuz vào năm 2019 cũng có thể gây nghi ngờ về quyết định bán vũ khí cho Iran.
Mặc dù Iran chắc chắn sẽ thúc ép Nga và Trung Quốc cung cấp vũ khí và công nghệ tinh vi hơn cho họ nhưng ngược lại Tehran cũng sẽ phải chấp nhận những hạn chế của họ ở hoàn cảnh hiện tại.
Thay vào đó, Tehran có thể sẽ tìm cách mở rộng khả năng quân sự nội địa của mình, đặc biệt là các chương trình máy bay không người lái, chiến tranh mạng và tên lửa, đồng thời củng cố mối quan hệ với các nhóm vũ trang như Hezbollah, Hamas và Houthi, những lực lượng đã chứng minh được khả năng gây thiệt hại cho kẻ thù của Iran với chi phí tương đối thấp.
“Rồng lửa” S-400 của Nga bắn hạ tên lửa trên không