Bế tắc giữa hai cường quốc?
Theo National Interest, không phải nói quá khi cho rằng mối quan hệ hiện tại giữa Washington và Moscow bế tắc và căng thẳng không khác gì một cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ hai.
Hiện nay, Mỹ và các đồng minh châu Âu duy trì một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga, tiếp tục kết nạp các quốc gia thành viên mới vào NATO, đồng thời gia tăng cả phạm vi và tốc độ các cuộc tập trận quân sự ở sát biên giới Nga.
Bên cạnh đó, Mỹ đang thực hiện các biện pháp thù địch bổ sung, bao gồm rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) và từ chối cam kết gia hạn Hiệp ước Bầu trời Mở hay Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START).
Về phần mình, Nga cũng thường xuyên có động thái phản ứng với máy bay và tàu chiến của NATO một cách nguy hiểm khi hoạt động gần biên giới nước này.
Ngoài ra, Điện Kremlin được cho là đã bất chấp Học thuyết Monroe lâu đời của Mỹ để ngày càng thiết lập mối quan hệ chính trị và quân sự chặt chẽ với các quốc gia ở Tây Bán cầu, vốn được coi là sân sau bất khả xâm phạm của Washington.
Mối quan hệ Mỹ-Nga ngày càng trở nên độc hại và tình hình đó tạo ra những mối nguy rất nghiêm trọng. Mối quan hệ đã trở nên căng thẳng đến mức cả hai bên dường như đang ở trong tình trạng cảnh báo sẵn sàng đối với lực lượng hạt nhân chiến lược.
Đây cũng từng là tình huống cực kỳ rủi ro từng xảy ra trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh, khi Moscow vào năm 1983 suýt phóng tên lửa vì nhầm tưởng rằng một cuộc tấn công của lực lượng hạt nhân Mỹ đang diễn ra.
Do sự thù địch ngày càng gia tăng, Washington và Moscow đang bỏ lỡ các cơ hội hợp tác trong các vấn đề có cùng chung mối quan tâm.
Theo National Interest, cả hai nước nên hợp tác chặt chẽ hơn để giảm bớt các mối đe dọa do các phong trào khủng bố Hồi giáo gây ra.
Không những vậy, Nga và Mỹ cũng có (hoặc ít nhất nên có) lợi ích chung trong việc kiềm chế ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc, đặc biệt là ở Trung Á. Cả hai nước cũng sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác nhiều hơn trong vấn đề Triều Tiên.
Để tái thiết lập quan hệ, cả Nga và Mỹ cần có hành động kiềm chế.
Nói tóm lại, có rất nhiều lý do để Mỹ và Nga khôi phục mối quan hệ hợp tác. Nhưng cách tiếp cận đó có nghĩa là phải áp dụng các quan điểm và mục tiêu thực tế hơn — đặc biệt là về phía Mỹ.
Washington đã có nhiều hành động khiêu khích Nga trong 1/4 thế kỷ qua. Mỹ đã gây ra mối lo ngại khi mở rộng NATO đến sát sườn Nga, đồng thời can thiệp vào vấn đề Ukraine, gây dựng ảnh hưởng ở vùng Baltic.
Những động thái thiếu sáng suốt như vậy ít nhất một phần là nguyên nhân dẫn đến thái độ bất bình của Điện Kremlin với phương Tây và góp phần kích hoạt sự phản kháng của Tổng thống Vladimir Putin.
Mỹ nên nhường bước trước?
Các hiệp ước giữa Nga-Mỹ đang đi vào bế tắc.
Mặc dù về lý thuyết, cả hai quốc gia có thể từ bỏ các hành động khiêu khích của mình nhưng điều này được cho là sẽ không xảy ra. Ví dụ, Mỹ sẽ không rút khỏi NATO trong tương lai gần, cũng như yêu cầu hủy bỏ tư cách thành viên của các quốc gia được bổ sung vào NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tương tự, việc Washington khăng khăng yêu cầu Nga hủy bỏ việc sáp nhập Crimea cũng là điều vô nghĩa. Việc duy trì các lệnh trừng phạt đối với Nga cho đến khi Điện Kremlin đáp ứng nhu cầu phi thực tế này cũng không mang lại kết quả gì.
Tổng thống Donald Trump và các nhà lãnh đạo phương Tây khác cần chấp nhận thực tế rằng Nga sẽ không từ bỏ Crimea. Việc cố chấp đòi hỏi sẽ chỉ kéo dài sự bế tắc nguy hiểm trong quan hệ của phương Tây với Moscow.
Để hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, cũng như giữa NATO và Nga, cần phải có những hành động kiềm chế và rút lui từ cả hai. Một bước quan trọng sẽ là chấm dứt các hành động khiêu khích quân sự lẫn nhau.
Nga cần phải rút lực lượng của mình khỏi biên giới phía Tây với các nước thành viên NATO, đặc biệt là các nước vùng Baltic, đồng thời ngừng hoạt động triển khai tên lửa ở vùng Kaliningrad.
Ngược lại, Mỹ và các đồng minh sẽ phải hạ cấp đáng kể quy mô và tần suất các cuộc tập trận và hoạt động quân sự của NATO gần Nga - ở Baltic, Đông Ba Lan và ở khu vực Biển Đen.
Đối với vai trò ngày càng tăng của Moscow ở Tây Bán cầu, khi Nga có các chính sách hỗ trợ Venezuela trước áp lực từ phía Mỹ, điều này chỉ nói nên rằng bản thân Washington cũng cần tôn trọng ảnh hưởng ở các khu vực sân sau của Nga.
Cũng giống như Mỹ cần nhấn mạnh rằng Moscow cần tôn trọng ảnh hưởng ở Tây Bán cầu, giới lãnh đạo Mỹ cũng cần tôn trọng tương tự đối với khu vực ảnh hưởng của Nga ở Đông Âu. Cách tiếp cận đó đòi hỏi một số tư duy mới cần thiết từ phía các nhà hoạch định chính sách của Mỹ.
Washington cần chấp nhận thực tế rằng các khu vực ảnh hưởng dù thế nào vẫn là một phần của hệ thống quốc tế.
Khi thế giới ngày càng trở nên đa cực về mặt ngoại giao, kinh tế và ở một mức độ nào đó, thậm chí cả quân sự, các cường quốc luôn muốn khăng khăng giữ cho mình những khu vực ảnh hưởng đặc quyền hay còn gọi là "sân sau".
Nga không phải là quốc gia duy nhất có suy nghĩ như vậy. Điều này cũng được thể hiện bởi Trung Quốc khi nước này tăng cường ảnh hưởng địa chiến lược ở các vùng biển Đông Á.
Bởi vậy, Washington cần dập tắt mong muốn duy trì ưu thế độc quyền ảnh hưởng ở khắp mọi nơi trên toàn cầu khi đối mặt với những đối thủ ngày càng mạnh mẽ và thách thức ngày càng gia tăng.
Đông Âu là một nơi tương đối dễ dàng để Mỹ lùi bước và tôn trọng phạm vi ảnh hưởng của một cường quốc lớn như Nga. Làm như vậy cũng là một bước quan trọng đầu tiên trong việc thiết lập lại mối quan hệ Washington-Moscow.