RT đưa tin, tại cuộc họp báo tổng kết cuối năm lần thứ 15 hôm 19/12, trả lời câu hỏi của một phóng viên Nhật Bản về việc Nga – Trung có ý định thiết lập quan hệ đồng minh quân sự hay không, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, Moscow và Bắc Kinh không có ý định thiết lập một khối liên minh quân sự tại Đông Á dù hai bên duy trì mối quan hệ hợp tác quân sự và kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo ông Putin, khác với Nga – Trung, Mỹ lại có ý định thiết lập một khối liên minh quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc ở Đông Á.
Về phần mình, trong những năm gần đây, Mỹ đang đẩy mạnh những nỗ lực nhằm thiết lập một khối liên minh quân sự mới kiểu NATO tại Đông Á. Cụ thể, vào năm 2017, sự kiện Đối thoại An ninh Bốn bên (Quad), một nền tảng cho các cuộc đối thoại chiến lược phi chính thức giữa Mỹ - Nhật – Australia - Ấn Độ, đã được nối lại.
Tới tháng 9/2019, Quad đã được nâng cấp từ một diễn đàn của các quan chức hàng đầu thành cuộc họp của các Bộ trưởng sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhóm họp với Bộ trưởng Ngoại giao ba nước còn lại.
Tổng thống Putin đã chỉ trích động thái của Mỹ ở Đông Á và nhận định đây là hành động gây “phản tác dụng”.
Cũng theo ông Putin, sự thiếu vắng của một liên minh quân sự chính thức không có nghĩa là hai “đối tác chiến lược” Nga - Trung sẽ không thể hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng. Cụ thể, Nga vẫn tiếp tục hỗ trợ Trung Quốc phát triển hệ thống cảnh báo sớm tên lửa .
“Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa chỉ vì mục đích phòng vệ. Hệ thống này không khiến một quốc gia trở nên thù địch mà chỉ nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia”, ông Putin chia sẻ.
Tổng thống Nga nhấn mạnh thêm, mối quan hệ hợp tác giữa Nga – Trung không gây ảnh hưởng lớn tới thế cân bằng sức mạnh trong khu vực và trên thế giới. Bởi Trung Quốc hiện cũng có khả năng tự phát triển hệ thống cảnh báo sớm tên lửa, nhưng với sự hỗ trợ từ Nga, quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn.
Hiện những thông tin về hệ thống cảnh báo sớm được quân đội Trung Quốc phát triển vẫn còn khá ít ỏi, song những hệ thống này thường liên quan tới một mạng lưới radar đặt dưới mặt đất và các vệ tinh trong quỹ đạo.
Hệ thống cảnh báo sớm thường được dùng để phát hiện hoạt động phóng tên lửa từ xa nhằm giúp các hệ thống phòng thủ của một quốc gia có nhiều thời gian nhất có thể để phản ứng trước một cuộc tấn công bất ngờ.
Trong hoàn cảnh, một quả tên lửa chiến lược chỉ mất vài phút để vươn tới và tiêu diệt mục tiêu, hệ thống cảnh báo sớm đóng vai trò làm thay đổi cuộc chơi khi tăng cơ hội đánh chặn tên lửa cũng như một vụ tấn công hạt nhân.