Nga chính thức rút quân khỏi Armenia
Tờ Politico cho biết, thông tin được Điện Kremlin xác nhận trong ngày 9/5. Cùng ngày, ông Hayk Konjoryan – lãnh đạo quốc hội của đảng Hợp đồng Dân sự cầm quyền của Armenia thông báo, Yerevan "đã đạt được thỏa thuận" với Moscow về việc rút lực lượng biên phòng Nga ra khỏi các khu vực Tavush, Syunik, Vyats Dzor, Gegharkunik và Ararat, nằm dọc vùng biên giới căng thẳng giữa Armenia với nước láng giềng Azerbaijan.
Đáng lưu ý, các thông báo này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow để thảo luận "về các vấn đề song phương quan trọng nhất, cùng các vấn đề khu vực".
Khi được hỏi "Quyết định rút lực lượng biên phòng Nga (vốn là một phần của cơ quan an ninh Liên bang Nga FSB) có được thảo luận tại cuộc họp hay không?", Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov đã trả lời là "Có".
"Mùa thu năm 2020, theo đề nghị của Armenia, quân đội và lực lượng biên phòng của chúng tôi đã tới đóng ở một số khu vực.
Tuy nhiên, Thủ tướng Pashinyan giờ đây nói rằng, do tình hình thay đổi, họ không còn nhu cầu này. Tổng thống Putin đã đồng ý với ông Pashinyan, quyết định rút quân đội và lực lượng biên phòng của Nga đã được hai phía nhất trí" – Ông Peskov cho hay.
Đây là cuộc gặp hiếm hoi giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ khi Yerevan tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của mình trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu hồi tháng 2 năm nay.
Khi Nga quyết định rút quân khỏi Karabakh vào tháng 4 năm nay theo thỏa thuận với Azerbaijan, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã chỉ trích đó là hành động "đâm sau lưng" Yerevan, đồng thời tuyên bố không có kế hoạch gặp gỡ các đại diện từ chính phủ Nga.
Armenia cũng đã gửi thư chính thức tới Moscow, yêu cầu lực lượng biên phòng Nga rút khỏi sân bay quốc tế Zvartnots ở thủ đô Yerevan.
Quá trình Nga rút quân khỏi các vị trí dọc biên giới Armenia đã bắt đầu được tiến hành từ vài ngày trước. Trong ngày 5/5, hàng dài các đoàn xe quân sự Nga đã được ghi nhận rời khỏi khu vực biên giới của Armenia.
Tuy nhiên, theo ông Peskov, lực lượng biên phòng Nga sẽ tiếp tục lưu trú tại khu vực biên giới Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Nga cảnh báo Armenia sẽ đưa lực lượng phương Tây chiếm lĩnh căn cứ
Theo Politico, mối quan hệ giữa Moscow và nước Cộng hòa Liên Xô cũ đã rơi xuống mức thấp nhất lịch sử trong những năm gần đây.
Tháng 9/2022, liên minh CSTO do Nga dẫn đầu đã từ chối yêu cầu can thiệp từ Yerevan, sau khi Azerbaijan phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều điểm khác nhau trên biên giới Armenia, gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở vật chất và khiến ít nhất 50 binh sĩ Armenia thiệt mạng.
Thủ tướng Pashinyan đồng thời cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga – được triển khai tới khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh từ năm 2020 – đã tự động rời vị trí của họ khi quân Azerbaijan tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng vào tháng 9/2023, khiến 100.000 người dân tộc Armenia phải di tản.
Bộ Ngoại giao Armenia ngày 8/5 tuyên bố, Yerevan "sẽ không tiếp tục tham gia vào các đóng góp tài chính cho CSTO". Thay vào đó, nước này tích cực chuyển hướng sang phương Tây.
Politico cho biết, Yerevan đã tiến hành cuộc tập trận chung với Mỹ, cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, và thậm chí bắn tín hiệu rằng nước này sẽ nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) "một ngày nào đó".
Ông Pashinyan cũng đã tiến tới thỏa thuận phân định biên giới với Azerbaijan, trong đó Yerevan sẽ bàn giao lại cho Baku 4 ngôi làng ở vùng Tavush – vốn là một phần lãnh thổ được quốc tế công nhận của Azerbaijan nhưng do người Armenia nắm quyền kiểm soát kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Politico vào năm ngoái, ông Pashinyan nhấn mạnh, mô hình mà trong đó Armenia phải mời nước khác tới bảo vệ mình, bất kể đó là nước nào, do những vấn đề gặp phải với láng giềng là một mô hình "dễ gây nguy hiểm".
Về phần mình, Nga khẳng định, lực lượng biên phòng Nga đã hết mình hỗ trợ an ninh tại biên giới và ngay trong lãnh thổ Armenia. Moscow phản bác rằng, thất bại của Thủ tướng Pashinyan trong việc quản lý các cuộc cạnh tranh phức tạp ở Nam Caucasus mới là nguyên nhân khiến các nhóm vũ trang Armenia ở Karabakh thất thế khi Azerbaijan phát động tấn công.
Trong cuộc họp báo ngày 18/4, một ngày sau khi Nga xác nhận rút quân khỏi Karabakh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Armenia "chỉ được trao vai trò là một công cụ mà Mỹ và EU muốn lợi dụng để thổi bùng lên ngọn lửa lớn ở Kavkaz (hay Caucasus)".
Bà Zakharova đồng thời cảnh báo, Armenia có thể sẽ tiến hành kế hoạch buộc lực lượng Nga rút khỏi lãnh thổ nước này, sau đó để lực lượng phương Tây triển khai tại các căn cứ mà Nga vốn đóng quân.
Bà Zakharova nhấn mạnh, Nga đang đợi Yerevan "có phản ứng minh bạch và lên tiếng phủ nhận các thông tin về thỏa thuận đạt được với Mỹ-EU". Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, không có sự phủ nhận nào từ phía Yerevan. Ngược lại, tất cả những gì người ta thấy là Nga đã rút quân.