Sắc lệnh mới của ông Putin
Reuters đưa tin, thông qua sắc lệnh được công bố ngày 26/4, Tổng thống Vladimir Putin đã đặt các công ty con tại Nga của hai thương hiệu lớn Ariston và BSH Hausgeräte nằm dưới sự quản lý của tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom.
Trong đó, Ariston là thương hiệu máy nước nóng hàng đầu của Italy, và BSH Hausgeräte là nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất châu Âu của Đức.
Hãng thông tấn AFP cho biết, sắc lệnh của ông Putin đã đề cập tới việc chuyển quyền kiểm soát 100% cổ phần tại Ariston Thermo Rus và BSH Household Appliances LLC (chi nhánh của Ariston Thermo và BSH Hausgeräte tại Nga) cho Gazprom Household Systems, chi nhánh của Gazprom.
BSH Appliance Appliances đăng ký hoạt động tại St. Petersburg. Mùa xuân năm 2022 (sau thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine), BSH Hausgeräte đình chỉ hoạt động của công ty con tại Nga. Tới tháng 12/2023, theo tờ Kommersant, tập đoàn này đang có kế hoạch bán hoạt động kinh doanh ở Nga cho quỹ đầu tư Can Holding (Thổ Nhĩ Kỳ).
Trong khi đó, Ariston Thermo Rus đăng ký hoạt động tại Leningrad cho tới nay. Chỉ tính riêng trong năm 2023, doanh thu của Ariston Thermo Rus tại thị trường Nga lên tới 9.435 tỷ rúp. Do đó, sắc lệnh mới của ông Putin được xem là đón giáng mạnh vào Ariston Thermo Rus.
Đáng lưu ý, động thái nhằm vào công ty của Italy diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps vừa tiết lộ về kế hoạch của Rome nhằm phối hợp với Pháp và Anh cung cấp tên lửa hành trình tàng hình Storm Shadow/SCALP EG tầm bắn lên tới 550km cho Ukraine.
Ông Shapps gọi các tên lửa Storm Shadow là "vũ khí phi thường", có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trên chiến trường, đặc biệt là ở Crimea. Theo The Aviationist, đây là lần đầu tiên Italy có tên trong danh sách các quốc gia cung cấp loại tên lửa này cho Ukraine.
Italy triệu đại sứ Nga
Phản ứng trước sắc lệnh mới của ông Putin, Bộ Ngoại giao Italy đã triệu tập Đại sứ Nga tại Rome Alexei Paramonov để yêu cầu làm rõ tình hình. Chính phủ Italy đánh giá động thái này của Nga "rất bất ngờ".
Ông Antonio Tajani - Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy - cho biết, ông đã chỉ thị cho Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Italy triệu Đại sứ Nga. Đích thân ông cũng đã liên hệ với Đại sứ quán Italy ở Moscow sau quyết định của ông Putin nhằm chuyển giao quyền quản lý Ariston Thermo Rus cho Gazprom.
Ông Tajani nhắc lại rằng, đây là một "bước đi bất ngờ" của Nga, đồng thời nhấn mạnh "chính phủ Italy đứng về phía các công ty và sẵn sàng bảo vệ họ trên tất cả các thị trường quốc tế".
Về phần mình, Ariston cho biết họ không được thông báo trước về sắc lệnh của ông Putin và "vô cùng ngạc nhiên trước quyết định này". Tập đoàn này đang gấp rút đánh giá tác động của sắc lệnh, xét từ quan điểm quản trị và quản lý.
Trong khi đó, BSH Hausgeräte cho biết họ đang trong quá trình thảo luận với Gazprom Appliance Systems và chưa thể đưa ra bình luận nào khác vào lúc này.
EU họp khẩn với Đức và Italy
Ông Tajani cho biết, hiện Italy đang khẩn trương phối hợp với Đức và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) để xử lý tình hình. Các cuộc thảo luận đã được tiến hành.
Trong tuyên bố chính thức, người phát ngôn của cơ quan ngoại giao EU nhấn mạnh rằng, sắc lệnh mới của ông Putin cho thấy "sự coi thường của Moscow đối với các chuẩn mực quốc tế".
Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS) trong ngày 27/4 đã kêu gọi Nga hủy bỏ quyết định chuyển giao quyền quản lý các công ty con của Ariston và BSH Hausgeräte cho Gazprom.
"Liên minh châu Âu kêu gọi Nga đảo ngược các biện pháp này, và tìm kiếm giải pháp có thể chấp nhận được với các công ty châu Âu mà họ đang nhắm tới" - EEAS nhấn mạnh.
Theo tờ Pravda, 1 năm trước, ông Putin đã ký sắc lệnh về các biện pháp trả đũa các quốc gia "không thân thiện", trong đó cho phép Nga áp dụng chính sách quản lý tạm thời đối với tài sản của các quốc gia không thân thiện trên lãnh thổ Nga.
Trước đó, Moscow đã áp dụng biện pháp quản lý tạm thời đối với tài sản của tập đoàn Uniper (Đức), Fortum (Phần Lan) và nhà sản xuất sữa Danone (Pháp).
Ông Putin tuyên bố việc chuyển tài sản nước ngoài sang quản lý tạm thời "không phải là hành vi chiếm đoạt tài sản", đồng thời nhấn mạnh Moscow vẫn thân thiện với các công ty nước ngoài muốn tiếp tục hoạt động tại Nga.