Đáp trả đanh thép của ông Putin
Trả lời các câu hỏi của giới truyền thông trong cuộc họp báo thường niên mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã một lần nữa thể hiện lập trường cứng rắn với phương Tây.
Khi được một nhà báo BBC đặt câu hỏi: Với tư cách là tổng thống Nga trong 20 năm, ông có nhận bất kỳ trách nhiệm nào về "tình trạng quan hệ tồi tệ" hiện nay giữa đất nước mình và phương Tây hay không, ông Putin đã đáp trả một cách gay gắt.
"Chúng tôi nghe họ hứa rằng NATO sẽ không mở rộng sang phía Đông - nhưng họ đã không giữ lời".
Ông Putin mô tả NATO "không biết giữ lời".
Tuyên bố của ông Putin phản ánh sự đóng băng chung trong quan hệ giữa Nga và phương Tây trong vài năm trở lại đây.
Điều này đã khiến một nhóm các nhà ngoại giao, tướng lĩnh, nhà nghiên cứu và nhân vật chính trị Mỹ, châu Âu và Nga, được hỗ trợ bởi Mạng lưới các nhà lãnh đạo châu Âu (ELN), viết một lá thư cho tờ Times của Anh vào ngày 8/12, kêu gọi có các hành động ở Moscow và NATO để khôi phục các cuộc đàm phán về cách áp đặt các giới hạn đối với hoạt động quân sự ở châu Âu.
Đây là vấn đề ngày càng trở nên cấp bách. Nếu Mỹ và Nga không đồng ý gia hạn hiệp ước START mới vào ngày 5/2/2021, sẽ không có hiệp ước ràng buộc pháp lý nào đặt ra các giới hạn đối 90% lượng vũ khí hạt nhân của thế giới, lần đầu tiên kể từ những năm 1970.
Làm thế nào để xử lý mối quan hệ với Nga sẽ là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Joe Biden khi ông chuyển đến Phòng Bầu dục sau khi nhậm chức vào ngày 20/1. Trong chiến dịch bầu cử gần đây, tổng thống đắc cử đã xác định Nga là "mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ lúc này, khi phá vỡ an ninh và các liên minh của chúng tôi".
Quan hệ NATO-Nga đã rơi vào tình trạng đóng băng sâu sắc kể từ năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea. Kể từ đó, Nga được cho là đã xây dựng lực lượng quân sự và tiến hành các cuộc tập trận ngẫu hứng ở khu vực Baltic và Biển Đen.
Trong khi đó, các nước thành viên NATO vẫn tiếp tục các chính sách trừng phạt, củng cố thế trận phòng thủ phía Đông của liên minh và hạn chế quan hệ ngoại giao với Nga. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu kể từ khi Mỹ chấm dứt Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung vào tháng 8/2019 với cáo buộc Nga nhiều lần vi phạm. Về phần mình, Moscow đã lên tiếng bác bỏ.
Các bước tích cực
Các chuyên gia ELN đề xuất một loạt các biện pháp gợi ý rằng "những bước đi này có thể góp phần tạo ra một bầu không khí, trong đó việc giải quyết những vấn đề chính trị khó khăn trở nên khả thi hơn".
Nhưng điều này đòi hỏi NATO phải vượt qua ba trở ngại quan trọng. Sự đoàn kết của NATO phải được hàn gắn sau bốn năm, trong đó những lời chỉ trích của Tổng thống Donald Trump đối với mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương là vấn đề cần xử lý.
Cần phải có ý chí chính trị mới ở cả Washington và Moscow để khôi phục các thỏa thuận kiểm soát vũ khí. Và những nỗ lực mới về ngoại giao trong mối quan hệ của phương Tây với Nga phải giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan của Nga – quốc gia đang rơi vào tình trạng trì trệ sau khi Liên Xô sụp đổ nhưng lại khao khát được công nhận vị thế cường quốc của mình.
Các hoạt động quân sự giữa Nga và NATO đã mang đến những lo ngại.
Những bước này là chìa khóa nếu muốn mở ra các cơ hội ngoại giao. Chiến thắng bầu cử của ông Biden được cho là có thể đảo ngược một số xu hướng đáng lo ngại hơn trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Dưới thời Biden, Mỹ sẽ tuân theo chính sách "cứng rắn nhưng tiếp tục đối thoại" đối với Nga, dựa trên sự tham gia quốc tế nhiều hơn và hợp tác hơn nữa với các thành viên châu Âu của NATO.
Người ta hy vọng rằng một chính sách chặt chẽ hơn của Mỹ sẽ làm tăng cơ hội đổi mới đối thoại Nga-NATO. Điều này sẽ tạo cơ hội hợp tác với Moscow về các vấn đề như biến đổi khí hậu, Covid-19, chống khủng bố và chương trình hạt nhân của Iran.
Dấu hỏi lớn về "khôi phục lòng tin"
Ông Biden cũng có thể giúp NATO một lần nữa trở thành nền tảng hiệu quả cho các cuộc đàm phán. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được nếu Washington thay đổi luận điệu của mình và vẫn quan tâm đến các vấn đề an ninh châu Âu cũng như kiểm soát vũ khí.
Những luận điệu đối đầu của ông Trump cần nhường chỗ cho các biện pháp xây dựng lòng tin để có những động lực mạnh mẽ giúp giảm nguy cơ leo thang, nhận thức sai và hiểu lầm tiềm ẩn.
NATO có thể bắt đầu điều này bằng cách giải quyết những lo ngại lâu dài của Nga từ khi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo kết thúc năm 2002. Mỹ có thể trấn an người Nga bằng cách cho phép họ kiểm tra các địa điểm phòng thủ tên lửa của NATO ở Romania và Ba Lan.
Các cuộc thảo luận vào năm 2021 để cập nhật Văn kiện Vienna - thỏa thuận ràng buộc về mặt chính trị cung cấp việc trao đổi và xác minh thông tin về các lực lượng vũ trang và hoạt động quân sự - cũng sẽ rất quan trọng để "khôi phục lòng tin và tăng cường lòng tin lẫn nhau". Và các đồng minh của Mỹ phải tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước Bầu trời Mở, điều mà Biden đã nói rằng ông ủng hộ .
Tất cả điều này sẽ không được bảo đảm trong một sớm một chiều. Sự kiên nhẫn là cần thiết, cũng như sẵn sàng nhìn ra điểm chung để làm cho mối quan hệ giữa Nga và NATO hoạt động hiệu quả.