Tổng thống Nga Vladimir Putin
Ông Putin nêu thiệt hại của EU do trừng phạt Nga
Đài RT (Nga) đưa tin, hôm 17/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận định tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg (SPIEF) rằng các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga là nguyên nhân chính khiến kinh tế của khối này suy giảm.
"Chỉ riêng thiệt hại trực tiếp từ 'cơn sốt' trừng phạt tại EU có thể vượt mức 400 tỷ USD trong vòng một năm", Tổng thống Putin nói thêm rằng chính những công dân EU là đối tượng chịu ảnh hưởng của con số thiệt hại này.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo rằng EU sẽ mất đi khả năng cạnh tranh toàn cầu khi phải gánh chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt trong nhiều năm tới. Theo ông Putin, hiện tại tăng trưởng kinh tế trên toàn khối EU đang giảm tốc, trong khi lạm phát đạt mức cao kỷ lục.
Ông Putin: Các lệnh trừng phạt Nga sẽ không thành công
Báo The Guardian (Anh) cho biết, trong bài phát biểu tại SPIEF, một sự kiện có sự tham gia của nhiều nhân vật chính trị và kinh tế của Nga, Tổng thống Putin cũng đã khẳng định rằng nền kinh tế Nga có khả năng vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây - những biện pháp mà ông chỉ trích là "liều lĩnh".
"Chúng ta là những con người mạnh mẽ và có thể đương đầu với bất kỳ thử thách nào. Giống như tổ tiên và những thế hệ đi trước, chúng ta sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Toàn bộ lịch sử hàng nghìn năm của đất nước ta đã chứng tỏ điều này", ông Putin nói.
Vị Tổng thống Nga khẳng định: "Ngay từ đầu, cuộc tấn công kinh tế chớp nhoáng nhằm vào Nga đã thất bại. [...] Họ [phương Tây] đã không thành công".
Theo nhà lãnh đạo Nga, những vấn đề khủng hoảng lớn hiện nay - bao gồm lạm phát, hay khủng hoảng lương thực - đều là hậu quả do những hành động của phương Tây.
Ông Putin nhấn mạnh: Dự báo của phương Tây về sự sụp đổ của nền kinh tế Nga do các lệnh trừng phạt được tung ra kể từ cuối tháng 2 năm nay vẫn "chưa có hiệu lực".
Tổng thống Putin: "Chỉ riêng thiệt hại trực tiếp từ 'cơn sốt' trừng phạt tại EU có thể vượt mức 400 tỷ USD trong vòng một năm"
Vị Tổng thống Nga nói rằng những dự đoán về sự sụp đổ của đồng rúp và nền kinh tế Nga là một phần của cuộc chiến thông tin chống lại Moskva nhằm "gây bất ổn tâm lý cho người dân Nga và giới kinh doanh Nga."
Ông Putin cũng đã gửi lời khen ngợi tới chính phủ Nga vì đã có nhiều nỗ lực nhằm ổn định nền kinh tế một cách chuyên nghiệp.
"Đầu tiên, chúng ta đã ổn định thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng và mạng lưới thương mại, sau đó là bão hòa nền kinh tế bằng thanh khoản và vốn lưu động để duy trì sự ổn định của các doanh nghiệp và các công ty, cùng với đó là đảm bảo việc làm cho người lao động", ông Putin phát biểu tại SPIEF.
Nhà lãnh đạo Nga thừa nhận rằng mức lạm phát 16,7% ở thời điểm hiện tại là cao, nhưng con số này đang giảm dần nhờ những nỗ lực của chính phủ nước này, và mục tiêu Nga đặt ra là giảm lạm phát xuống 4%.
Ông Putin nói rằng trong tương lai, nền kinh tế Nga sẽ phát triển theo hướng mở - khi đó một số biện pháp kiểm soát của chính phủ sẽ được dỡ bỏ nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ hoạt động tự do hơn.
Ông Putin kêu gọi nước Nga "nắm lấy cơ hội"
Theo RT, tại SPIEF, Tổng thống Putin cũng đã nhấn mạnh rằng Nga cần "nắm bắt các cơ hội" nảy sinh từ các lệnh trừng phạt, và tận dụng sự thiếu vắng hàng hóa phương Tây để xây dựng nền tảng công nghệ và công nghiệp của đất nước.
"Chúng ta tiếp tục gặp những vấn đề về linh kiện, một số giải pháp công nghệ hiện không còn khả dụng, hay hậu cần bị gián đoạn. Nhưng tất cả những điều này lại mở ra cơ hội mới cho chúng ta", ông Putin nói.
Tổng thống Putin nói thêm rằng tình hình hiện tại sẽ tạo ra những động lực mạnh mẽ để xây dựng một nền kinh tế Nga có đầy đủ tiềm lực về công nghệ, công nghiệp, con người và khoa học.
Ông Putin nhấn mạnh: Dự báo của phương Tây về sự sụp đổ của nền kinh tế Nga do các lệnh trừng phạt được tung ra kể từ cuối tháng 2 năm nay vẫn chưa có hiệu lực.
Bị trừng phạt, Nga vẫn ổn: Truyền thông Mỹ "không ngạc nhiên"
Trang Business Insider (BI) mới đây vừa đăng tải bài viết có tiêu đề: "Không có gì ngạc nhiên khi Nga vẫn trụ vững trước loạt đòn trừng phạt của phương Tây: Ông Putin đã chuẩn bị đối phó với chúng trong gần một thập kỷ".
Bài viết đặt vấn đề: Các nhà kinh tế đã dự đoán kinh tế Nga sụp đổ do hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây giáng xuống sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, nhưng 3 tháng rưỡi sau, Nga vẫn trụ vững, thậm chí Tổng thống Putin hôm 7/6 còn tuyên bố rằng đà tăng lạm phát đã chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn ổn định.
Theo BI, một phần lý do là nhờ giá dầu tăng vọt giúp Nga đảm bảo doanh thu bán hàng. Nhưng ngay cả khi không có sóng gió trên thị trường năng lượng, thì Nga cũng đã biết cách chống chọi trừng phạt kể từ năm 2014, khi nước này từng bị trừng phạt do sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập Nga.
Bà Veronica Carrion, một nhà nghiên cứu kinh tế tại Hiệp hội Ngân hàng Mỹ (ABA), Tổng thống Putin đã "biến nền kinh tế Nga thành một pháo đài" để chống chọi với những cú sốc từ bên ngoài.
Sau đây là 3 biện pháp chống chọi của Nga do BI tổng hợp:
1. Tăng cường dự trữ ngoại tệ và tích trữ vàng
Trước khi cuộc xung đột quân sự với Ukraine nổ ra, Nga đã nắm giữ lượng ngoại tệ lớn thứ 5 trên thế giới và tăng cường dự trữ vàng lên khoảng 630 tỷ USD.
Dù bị mất quyền tiếp cận khoảng một nửa số vàng dự trữ do các lệnh trừng phạt, nhưng Nga vẫn còn rất nhiều vàng trong nước, và Nga cũng là nhà sản xuất vàng lớn 2 thế giới.
Kể từ năm 2014, lượng vàng được Nga nắm giữ đã tăng gấp 3 lần. Mỹ đã trừng phạt các giao dịch sử dụng vàng của Nga, nhưng điều đó sẽ không ngăn cản "các nước cơ hội" làm ăn với Moskva, bà Carrion cho biết.
Nga cũng gia tăng quỹ dự trữ khẩn cấp nhờ lợi nhuận từ việc bán dầu và khí đốt. Trong tháng 4 và tháng 6, Nga đã bổ sung 12,7 tỷ USD vào quỹ dự trữ khẩn cấp, và khoản tiền này sẽ được sử dụng để đảm bảo phát triển kinh tế ổn định trước các lệnh trừng phạt.
2. Giảm khoản nợ nước ngoài
Ông Gian Maria Milesi-Ferretti, chuyên gia nghiên cứu kinh tế cao cấp tại Trung tâm Hutchins về Chính sách Tài chính và Tiền tệ, cho biết: Bên cạnh việc tiết kiệm, trong vòng 8 năm qua, Nga còn tích cực trả nợ nước ngoài.
Hiện tại, khoản nợ nước ngoài của Nga khá thấp. JPMorgan ước tính chính phủ Nga nợ khoảng 39 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ vào cuối năm 2021. Con số này là thấp nếu so với Hy Lạp, quốc gia từng tuyên bố vỡ khoản nợ chính phủ 205,6 tỷ euro (277,5 tỷ USD) vào năm 2012.
Tổng nợ quốc gia của Nga chỉ ở mức 17% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 3 con số của nhiều nước phát triển, và các khoản nợ này chủ yếu được tính bằng đồng rúp. Vì vậy, Nga "không thực sự cần phải đi vay", theo ông Anton Tabakh, nhà kinh tế cơ quan xếp hạng của Nga Expert RA. Trong khi đó, nợ quốc gia của Mỹ ở mức khoảng 130% GDP.
3. Nga đang chuyển hướng sang nền kinh tế tự túc
Theo ông Hassan Malik, một nhà phân tích cấp cao của tổ chức đầu tư Loomis Sayles có trụ sở tại Boston, cho biết Nga đang chuyển hướng sang nền kinh tế tự túc - điều này có nghĩa là dù tăng trưởng sẽ chậm và thấp, nền kinh tế Nga sẽ không sụp đổ hoàn toàn.
"Nga là một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể chuyển mình theo hướng tự túc", chuyên gia này cho biết. Nga là nhà xuất khẩu chủ chốt đối với các mặt hàng dầu thô, khí đốt tự nhiên, lúa mì và các kim loại như niken và palladium.
Khi nhiều công ty nước ngoài lần lượt rời Nga do lo ngại về các lệnh trừng phạt, các công ty nội địa đã nhanh chóng thế chỗ.
Tuy nhiên, bản thân Tổng thống Putin hôm 9/6 nói rằng việc thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng hóa sản xuất trong nước "không phải là thuốc chữa bách bệnh", theo AFP. Ông cho biết Nga sẽ tìm kiếm các đối tác thương mại mới và tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp của riêng mình đối với "các công nghệ tối quan trọng".
Theo chuyên gia Milesi-Ferretti, do quy mô và phạm vi của các lệnh trừng phạt hiện tại vượt xa những lệnh trừng phạt Nga từng trải qua vào năm 2014, nền kinh tế Nga sớm muộn cũng sẽ cảm nhận tác động rõ rệt.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo trong một báo cáo hồi tháng 4 rằng nền kinh tế Nga sẽ giảm 8,5% vào năm 2022, và giảm thêm 2,3% vào năm 2023. Đó sẽ là mức suy giảm lớn nhất của nền kinh tế Nga kể từ giai đoạn sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991./.