Ông Putin đã đanh thép cảnh báo, tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thích “đùa với lửa”?

Anh Tú |

Ankara sẽ gửi lính gìn giữ hòa bình tới Azerbaijan nhưng sẽ hoạt động từ xa, sử dụng máy bay không người lái và các phương tiện kỹ thuật khác để giám sát các vi phạm có thể xảy ra.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba tuần này (17/11) đã cho phép chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Azerbaijan để giám sát thỏa thuận ngừng bắn giữa Azerbaijan và Armenia nhằm mục đích chấm dứt xung đột trong khu vực.

Các nhà lập pháp ở Ankara đã bỏ phiếu ủng hộ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ gửi quân đến Azerbaijan trong sứ mệnh kéo dài 1 năm. Tại đây, từ trung tâm giám sát chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ theo dõi các hành động vi phạm thỏa thuận có thể xảy ra.

Chính phủ của Tổng thống Erdogan được quyền quyết định số lượng quân sẽ được gửi đi nhưng chưa rõ nước này dự định triển khai bao nhiêu. Nhân viên dân sự cũng có thể được triển khai như một phần của sứ mệnh gìn giữ hòa bình.

Ông Putin đã đanh thép cảnh báo, tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thích “đùa với lửa”? - Ảnh 1.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đứng bên cạnh nhau trong cuộc tập trận chung ở Perekeshkul, Azerbaijan ngày 13/8/2020. Ảnh: AA

Dưới sự dàn xếp của Nga, hiệp định đình chiến ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan đã được ký hôm 9/11 vừa qua. Dù là nước nhiệt tình ủng hộ cho Azerbaijan nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một bên tham gia ký kết thỏa thuận hòa bình này. 

Sau khi thỏa thuận được công bố vào rạng sáng ngày 10/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ngay lập tức tuyên bố một lực lượng gìn giữ hòa bình Nga gồm 1.960 binh sĩ, 90 xe bọc thép cùng 380 phương tiện và thiết bị đặc biệt khác sẽ được triển khai tới Nagorno-Karabakh.

Trong mọi thông báo của mình sau đó, Điện Kremlin luôn khẳng định “không có cuộc thảo luận nào về việc triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình chung” giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Nagorno-Karabakh”.

“Việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Thổ Nhĩ Kỳ ở Karabakh không được phối hợp với bất kỳ bên nào. Tuyên bố chung gần đây giữa Nga, Armenia và Azerbaijan không hề đề cập gì đến Thổ Nhĩ Kỳ dưới bất kỳ hình thức nào”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh.

Ông Putin đã đanh thép cảnh báo, tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thích “đùa với lửa”? - Ảnh 2.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tuần tra ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP

Vậy tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết định gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Azerbaijan?

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một biên bản ghi nhớ để thành lập một trung tâm giám sát chung ở Azerbaijan, mặc dù chi tiết kỹ thuật của sứ mệnh này vẫn đang trong quá trình hoạch định.

Trước đó, Azerbaijan từng gây sức ép để đồng minh của mình là Thổ Nhĩ Kỳ, nước trực tiếp hậu thuẫn cho Baku trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, đóng vai trò tích cực hơn trong các cuộc đàm phán hòa bình và là nước đầu tiên tuyên bố tham gia giám sát thỏa thuận ngừng bắn.

Tuy nhiên, giới chức Nga lại nói rằng sự tham gia của Ankara sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi công việc của trung tâm giám sát trên đất Azerbaijan và lực lượng gìn giữ hòa bình Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tới Nagorno-Karabakh.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, trung tâm này sẽ chỉ hoạt động từ xa, sử dụng máy bay không người lái và các phương tiện kỹ thuật khác để giám sát các vi phạm có thể xảy ra.

Chưa rõ trong thời gian tới đây, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện sứ mệnh "gìn giữ hòa bình" ở quy mô như thế nào tại Azerbaijan. 

Thế nhưng, có vẻ như Ankara vẫn rất muốn can dự và khẳng định vai trò của mình trong giải quyết xung đột ở Nagorno-Karabakh, bất chấp Moscow đã tuyên bố rõ ràng rằng, theo thỏa thuận, chỉ có Nga mới được triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại vùng lãnh thổ này.   

Lực lượng gìn giữ hòa bình đầu tiên của Nga lên đường tới Nagorno-Karabakh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại