Tổng thống Putin nói về quan hệ với Belarus
Đài Fox News (Mỹ) đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/7 vừa tuyên bố rằng các liên minh của phương Tây đang giúp thúc đẩy sự đoàn kết của Nga và Belarus sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Fox News cho rằng đây có thể là tín hiệu cho thấy Belarus sắp can dự trực tiếp nhiều hơn vào xung đột ở Ukraine, dù Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã cố gắng tránh điều này.
"Áp lực chính trị và trừng phạt chưa từng có từ phương Tây đang thúc đẩy quá trình hợp nhất (Nhà nước Liên minh) của chúng tôi", hãng RIA Novosti dẫn lời ông Putin.
"Cùng nhau, chúng tôi sẽ dễ dàng hơn trong việc giảm thiểu thiệt hại do các lệnh trừng phạt bất hợp pháp, hay sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phát triển năng lực mới, hoặc mở rộng hợp tác với các nước thân thiện", ông Putin nói thêm.
Ông Putin không nêu chi tiết về việc một liên minh mở rộng với Belarus sẽ như thế nào, nhưng các quan chức Ukraine đã cảnh báo về khả năng Nga tìm cách đưa Belarus vào cuộc xung đột kéo dài.
Bình luận của Tổng thống Putin được đưa ra không lâu sau khi NATO tuyên bố chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh và tăng cường hiện diện quân sự trên khắp châu Âu.
Cuối tuần trước, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ cung cấp cho Belarus các hệ thống tên lửa Iskander-M trong vài tháng tới nhằm chống lại các mối đe dọa từ những nước láng giềng thân phương Tây.
Trước đó, trong một cuộc gặp gỡ ở thành phố St Petersburg của Nga, Tổng thống Belarus Lukashenko đã bày tỏ sự lo ngại về những chính sách "gây hấn", "đối đầu" và "đe dọa" của các nước láng giềng Litva và Ba Lan.
Ông Lukashenko đã đề nghị ông Putin thực hiện một "phản ứng tương xứng" với thứ ông gọi là "các vật thể bay có vũ khí hạt nhân" của NATO đến gần biên giới Belarus, đồng thời kêu gọi Moskva giúp đỡ Belarus chế tạo máy bay quân sự có năng lực hạt nhân.
Trước lời đề nghị của người đồng cấp Belarus, ông Putin nói rằng hiện tại chưa cần phải có một "phản ứng tương xứng", nhưng Nga có thể giúp Belarus nâng cấp các máy bay phản lực Su-25 (do Nga chế tạo) tại các nhà máy của Nga nếu cần thiết.
Ông Putin cũng hứa sẽ cung cấp hệ thống tên lửa dẫn đường di động Iskander-M cho Belarus, thay thế cho tên lửa "Scud" của Liên Xô.
Tổng thống Putin và Tổng thống Lukashenko
Ông Putin thừa nhận đã trao cơ hội cho NATO mở rộng
Newsweek đưa tin, Tổng thống Putin hôm 30/6 đã nhận định với báo giới tại hội nghị thượng đỉnh các nước biển Caspi lần thứ 6 rằng Nga dường như đã "trao cơ hội" cho NATO mở rộng.
Tuyên bố trên được ông Putin đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và khối liên minh quân sự này tiếp tục leo thang, đặc biệt là sau khi NATO tuyên bố chính thức mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập.
"Quan điểm của chúng tôi là NATO là một di sản của thời Chiến tranh Lạnh và hoạt động như một công cụ trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Đây là nhiệm vụ duy nhất của liên minh này. Chúng tôi đã trao cho họ cơ hội [mở rộng], tôi hiểu điều đó. Họ đang sử dụng những lập luận này một cách mạnh mẽ và khá hiệu quả để tập hợp các đồng minh của mình", ông Putin nhận định.
NATO tuyên bố đã sẵn sàng cho mọi kịch bản
Theo hãng tin ABC (Australia), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã khẳng định với báo giới vào ngày cuối của thượng đỉnh NATO rằng liên minh quân sự này đã "chuẩn bị cho mọi tình huống" nếu Nga trả đũa Phần Lan và Thụy Điển vì đã gia nhập khối.
Đây là tuyên bố đáp trả lời cảnh báo của Tổng thống Putin rằng Phần Lan và Thụy Điển "nên hiểu rõ ràng rằng trước đây họ không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào. Nhưng nếu quân đội và cơ sở hạ tầng quân sự của NATO được triển khai, thì chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả tương ứng với mối đe dọa".
Ông Stoltenberg khẳng định Phần Lan và Thụy Điển là hai quốc gia có chủ quyền, và có quyền tự chọn tham gia liên minh quân sự.
Ông Stoltenberg nói: "Chúng tôi sẽ bảo vệ tất cả các đồng minh, và tất nhiên là cả Phần Lan và Thụy Điển, sau khi họ gia nhập. Và chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi tình huống xảy ra."
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng thế giới đã thay đổi trong 12 năm kể từ khi NATO còn coi Nga là "đối tác chiến lược" của liên minh này.
"NATO cũng đang thay đổi", ông Biden nói.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiếp tục khẳng định NATO là một liên minh phòng thủ: "NATO không tấn công và cũng không có ý định tấn công các nước khác. Nó không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ ai trong khu vực lân cận."