Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Theo thông báo ngày 19/8 từ Điện Kremlin, cuộc gọi do Tổng thống Pháp khởi xướng, trong đó 2 nhà lãnh đạo đã thảo luận về “các khía cạnh khác nhau của tình hình Ukraine”.
Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng “các cuộc pháo kích có hệ thống của quân đội Ukraine nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye làm dấy lên nguy cơ về một thảm họa, có thể dẫn đến sự lan tỏa phóng xạ lên một vùng lãnh thổ rộng lớn”.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng một phái đoàn dưới sự bảo trợ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cần được cử đến nhà máy Zaporozhye càng sớm càng tốt để đánh giá tình hình tại chỗ.
“Nga sẵn sàng cung cấp cho các thanh sát viên của IAEA mọi sự hỗ trợ cần thiết”, Điện Kremlin cho biết.
Theo Điện Elysee, Tổng thống Nga Putin đồng ý rằng phái đoàn của IAEA có thể được cử đi theo các điều khoản đã được Ukraine và Liên Hợp Quốc thống nhất. Điều này có nghĩa là phái đoàn của IAEA có thể đi qua lãnh thổ hiện do lực lượng Ukraine kiểm soát. Trước đây, Mátxcơva tuyên bố rằng phái đoàn này chỉ có thể đi qua các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Cũng trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin một lần nữa mời các chuyên gia quốc tế đến thăm một cơ sở giam giữ ở Yelenovka, thuộc Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk. Một cuộc tấn công bằng pháo vào nhà tù, mà Mátxcơva nói là do lực lượng Ukraine thực hiện tháng trước, đã khiến 50 tù binh Ukraine thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Ông Putin thông báo với người đồng cấp Pháp về việc thực hiện thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận này - do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian - cũng sẽ cho phép Nga cung cấp phân bón và thực phẩm ra thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, Điện Kremlin lưu ý, “những trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc của Nga vẫn tồn tại”, điều này tiếp tục có tác động tiêu cực đến an ninh lương thực toàn cầu.
Cuộc điện đàm gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra vào ngày 28/5 và có sự tham gia của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Trong cuộc điện đàm này, Tổng thống Putin đã đổ lỗi cho Ukraine vì cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ, đảm bảo với những người đồng cấp rằng Mátxcơva vẫn sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột và chỉ trích phương Tây vì cung cấp vũ khí cho Kiev.