Tổng thống Putin. Ảnh: TASS
Tình hình kinh tế Nga đang chuyển biến theo chiều hướng xấu đi, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo trong một cuộc họp với nội các về các vấn đề kinh tế hôm 9/12 vừa qua, theo hãng thông tấn trung ương Nga TASS.
Những dấu hiệu được nhà lãnh đạo Nga nêu trong cuộc họp bao gồm: người dân bị giảm thu nhập, thị trường lao động phải chịu sức ép, trong khi giá thành các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu (như bột mì, bánh mì, đường và dầu hướng dương) lại tiếp tục tăng lên.
"Thật không may là năm nay người dân bị giảm thu nhập. Thị trường lao động đang phải chịu áp lực khi tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Nhưng còn những chỉ số khác, ví dụ như giá thực phẩm thiết yếu tăng cao thì sao?" - nhà lãnh đạo Nga chỉ ra một vấn đề "nóng" mà nước này đang phải đối mặt và yêu cầu chính phủ đề ra kế hoạch giải quyết.
Trước lời "nhắc nhở" của Tổng thống Putin, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hôm 10/12 đã nhanh chóng khẳng định giới chức nước này sẽ "hành động":
"Chúng ta cần thực hiện các biện pháp cụ thể và hiệu quả nhằm bình ổn giá thành các sản phẩm quan trọng đối với người dân - theo các chỉ thị của người đứng đầu nhà nước", ông Mishustin tuyên bố trong cuộc họp chính phủ.
Vị Thủ tướng Nga nhấn mạnh rằng việc tăng giá thực phẩm thiết yếu là điều "không thể chấp nhận trong bối cảnh thu nhập của người dân bị sụt giảm".
"Tôi kêu gọi các nhà sản xuất, những người đứng đầu các chuỗi bán lẻ, và tất nhiên là cả các nhà nhập khẩu - đừng 'ăn trên lưng' người dân trong bối cảnh khó khăn như hiện nay", ông Mishutin nói.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thu nhập của người dân Nga đã tiếp tục giảm thêm 4,8% trong quý III năm nay - sau khi đã giảm sâu trong quý II xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Mặc dù vậy, theo Tổng thống Putin, giá bánh mì, bột mì và dầu hướng dương vẫn lần lượt tăng 6.3%, 12.9% và 23.8%.
Theo số liệu của hãng tin Bloomberg (Mỹ), mức lạm phát thực phẩm tại Nga đã tăng lên 5,8% trong tháng 11 vừa qua - mức cao nhất kể từ giữa năm 2019.
Năm nay, Nga đã có một vụ mùa lúa mì bội thu, nhưng giá bán mặt hàng này trong nước vẫn tiếp tục tăng so với trước đó. Để bình ổn giá thành, bộ nông nghiệp Nga đã từng đề xuất đặt ra giới hạn xuất khẩu là 17.5 triệu tấn cho giai đoạn từ 15/2 - 30/6. Bloomberg cho biết các quan chức Nga đang cân nhắc áp thêm thuế xuất khẩu cho mặt hàng này, cùng với đó là dầu hướng dương - nếu như giá bán nội địa không giảm trong tháng này.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: