Ông Putin ban bố học thuyết hạt nhân mới: Cụm từ ẩn ý về Ukraine, hé lộ kịch bản giáng đòn nguyên tử

Hữu Hiển |

Với học thuyết mới được công bố, các cuộc tấn công sâu của Ukraine vào lãnh thổ Nga và tấn công Belarus sẽ kích hoạt biện pháp răn đe hạt nhân từ phía Moscow.

Đài RT (Nga) hôm 25/9 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố một loạt bản cập nhật cho chiến lược quốc gia Nga về sử dụng vũ khí hạt nhân, nhằm giải quyết tình hình quân sự và chính trị đang thay đổi và sự xuất hiện của các mối đe dọa mới.

Vấn đề này đã được đưa ra tại phiên họp của Hội đồng An ninh Nga vào ngày 25/9, có sự tham dự của các bộ trưởng Quốc phòng và Tài chính Nga, những người đứng đầu Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR), Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB), Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom).

"Ngày nay, bộ ba hạt nhân vẫn là sự đảm bảo quan trọng nhất cho an ninh của nhà nước và công dân của chúng ta [Nga], một công cụ để duy trì sự cân bằng chiến lược và cán cân quyền lực trên thế giới", Tổng thống Putin nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì phiên họp của Hội đồng An ninh Nga về răn đe hạt nhân vào ngày 25/9/2024. Ảnh: Kremlin

"Nhà nước phi hạt nhân" ám chỉ Ukraine?

Theo RT, bản cập nhật đầu tiên được đề xuất cho học thuyết hạt nhân của Nga là “mở rộng phạm vi các quốc gia và liên minh quân sự” mà biện pháp răn đe hạt nhân áp dụng và “bổ sung danh sách các mối đe dọa quân sự” nhằm vô hiệu hóa biện pháp răn đe này.

Điều này sẽ coi "hành vi xâm lược chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân" là "cuộc tấn công chung" của họ, vượt qua ngưỡng hạt nhân.

Mặc dù không có quốc gia nào được nêu tên, nhưng theo RT, điều này rõ ràng sẽ áp dụng cho việc Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ hoặc các đồng minh NATO sở hữu hạt nhân của Kyiv cung cấp. Tổng thống Putin trước đây từng nói rằng các cuộc tấn công như vậy sẽ đòi hỏi sự tham gia tích cực của binh sĩ và khí tài nước ngoài, đẩy họ vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Hạ ngưỡng hạt nhân

RT đưa tin, các bản cập nhật được đề xuất cũng "nêu rõ" các điều kiện mà Nga có thể sử dụng vũ khí nguyên tử, ví dụ như "nhận được thông tin đáng tin cậy về một vụ phóng hàng loạt vũ khí tấn công trên không và vũ trụ, và chúng vượt qua biên giới quốc gia của chúng ta [Nga]".

Ông Putin làm rõ rằng điều này có nghĩa là "máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay siêu thanh và các máy bay khác". Việc đề cập đến máy bay không người lái (UAV) ở đây đặc biệt quan trọng, vì Ukraine đã nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công hàng loạt bằng UAV vào các căn cứ chiến lược của Nga.

Mở rộng phạm vi bảo vệ sang Belarus

Theo RT, lần đầu tiên, Nga nêu rõ rằng khả năng răn đe hạt nhân của nước này có thể được sử dụng trong trường hợp Belarus - với tư cách là thành viên của Nhà nước Liên bang - bị xâm lược. Theo đề xuất cập nhật, điều này bao gồm "mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của chúng ta [Nga và Belarus]" thông qua việc sử dụng vũ khí thông thường.

Ông Putin cho biết, tất cả những điều này đã được thống nhất với Minsk và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vào ngày 25/9.

Học thuyết trước đó thế nào?

RT đưa tin, học thuyết hạt nhân của Nga được thông qua vào năm 2020 đã nêu ra bốn tình huống mà Moscow có thể kích hoạt biện pháp răn đe hạt nhân:

Đầu tiên, nếu Nga nhận được "thông tin đáng tin cậy" về việc phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào chính nước này và/hoặc các đồng minh.

Thứ hai, nếu vũ khí hạt nhân hoặc loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác được sử dụng chống lại Nga và/hoặc các đồng minh của nước này.

Thứ ba, nếu kẻ thù hành động nhằm vào "các cơ sở quân sự hoặc nhà nước quan trọng" có thể phá vỡ phản ứng của các lực lượng hạt nhân Nga.

Thứ tư, nếu Nga bị tấn công thông thường, nhưng việc này "đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước".

Nga thử nghiệm tên lửa hành trình hạt nhân Burevestnik. Ảnh: Sputnik/Bộ Quốc phòng Nga

Tại sao những cập nhật lại được đề xuất vào thời điểm này?

Theo RT, đầu năm nay, Tổng thống Putin từng cho biết có thể cần một số bản cập nhật cho học thuyết này, xét đến các mối đe dọa mới nổi lên từ NATO.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hồi tháng 6 cũng mô tả học thuyết hiện tại là "quá chung chung" và cho rằng "sự thiếu hiểu biết" của phương Tây đòi hỏi Nga phải nói "rõ ràng hơn, mạch lạc hơn, chắc chắn hơn về những gì có thể xảy ra" nếu phương Tây tiếp tục "hành động không thể chấp nhận được và leo thang".

Kể từ tháng 5, Ukraine đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh gỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí của những nước này để chống lại Nga, điều mà Moscow tuyên bố rằng sẽ tương đương với sự tham gia trực tiếp của phương Tây vào cuộc xung đột.

Ông Putin nhắc lại vào ngày 25/9 rằng, việc sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn là "biện pháp cực đoan" để bảo vệ chủ quyền của Nga, nhưng Moscow phải tính đến việc "tình hình quân sự - chính trị hiện đại đang thay đổi nhanh chóng... bao gồm cả sự xuất hiện của các mối đe dọa và rủi ro quân sự mới đối với Nga và các đồng minh của chúng tôi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại