Vị Thủ tướng nhiệt huyết, luôn đổi mới
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, cá nhân ông đã có nhiều gắn bó trong các công việc ở 5 khóa Trung ương Đảng và 4 khóa Quốc hội với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Theo ông Mão, tại ĐH Đảng toàn quốc lần thứ V năm 1982, ông là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được bầu làm Ủy viên TƯ Đảng, còn ông Phan Văn Khải là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh được bầu làm Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng.
Sau đó, ông Khải chuyển sang làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ, còn ông Mão chuyển sang làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
"Có thể nói, từng đó thời gian giữa tôi với anh Khải đã có nhiều kỷ niệm. Tôi thấy ở anh, dù ở bất cứ cương vị, nhiệm vụ nào cũng thể hiện là một người cán bộ nhiệt huyết, tận tâm, luôn tìm tòi, đổi mới.
Nếu coi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những người đi đầu trong sự nghiệp đổi mới thì nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kĩ trị xuất sắc, người tích cực thực hiện sự nghiệp đó bằng cái tâm, trình độ, với sự kiên trì, sáng tạo", ông Mão nói.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, đối với hoạt động Quốc hội, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã có dấu ấn rất quan trọng.
"Vào kỳ họp giữa năm 1994 của Quốc hội khóa IX, chúng ta bắt đầu có chủ trương tiến hành truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội.
Đây là sự kiện rất quan trọng trong đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị nước ta và Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó đã giao cho Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải bàn với lãnh đạo Quốc hội để triển khai.
Phải nói thời điểm đó ngoài ý kiến đồng tình cũng có nhiều ý kiến phản đối.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và ông Vũ Mão trong tấm ảnh mang tên "Những người bạn 5 khóa Trung ương".
Họ lo ngại, nếu truyền trực tiếp khi người hỏi, trả lời nói thoải mái làm lộ bí mật Quốc gia thì sao, hay trả lời chất vấn của Bộ trưởng, kể cả Thủ tướng nếu có sơ suất trong trình bày trực tiếp sẽ bị đánh giá thấp, mất uy tín...
Hoặc nếu ĐBQH hỏi câu hỏi có chất lượng thấp, nặng về cung cấp thông tin, rồi nêu thắc mắc cho địa phương cũng sẽ bị chê...
Trước các vấn đề này, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải rất thận trọng. Sau khi nghiên cứu đề án được chuẩn bị rất công phu, chu đáo, ông không phản đối và đồng tình ủng hộ triển khai.
Có thể nói, ông đã vượt qua "cái ngại" của các thành viên Chính phủ lúc đó khi phải trả lời chất vấn trước Quốc hội và thể hiện tư duy đổi mới", ông Mão kể lại.
Ông Vũ Mão chia sẻ thêm, sau khi kế nhiệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã tiếp tục lắng nghe, thận trọng, tìm tòi, sáng tạo, khắc phục những khiếm khuyết của nền kinh tế để chủ động điều hành.
"Tâm sự với tôi, anh Khải đã chia sẻ việc luôn phải nghiên cứu, lắng nghe các chuyên gia trong nước, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài và chính điều này đã góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 và các năm sau đó", ông Mão nhận định.
Một kỷ niệm sâu sắc, bước ngoặt của đổi mới được ông Vũ Mão nhắc lại, chính là việc lần đầu tiên nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thực hiện trả lời trực tiếp chất vấn của ĐBQH.
"Kỳ họp đó thông qua chương trình chất vấn có phần Thủ tướng trả lời chất vấn. Khi gặp tôi, anh có hỏi: "Từ trước tới nay, thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội là Phó Thủ tướng Thường trực, Thủ tướng chỉ xuất hiện cuối cùng khi cần làm rõ một số vấn đề để Quốc hội "hiểu". Nay mình là Thủ tướng mà cũng phải trả lời chất vấn à?".
Tôi đáp lại "vâng, nội quy kỳ họp đã quy định như vậy, người cao nhất của Chính phủ phải trả lời chất vấn".
Anh Khải nói vui "thế thì mình chấp hành" và sau đó ra hội trường anh cũng nói: "Ở ta chưa có thông lệ Thủ tướng trả lời chất vấn, nhưng hôm nay QH yêu cầu thì tôi trả lời"", ông Mão nhớ lại.
Một vấn đề được ông Mão nhớ nhất là trả lời chất vấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải liên quan đến vấn đề điện nông thôn.
Theo ông Mão, do nhu cầu điện của nông thôn rất lớn mà Nhà nước không có tiền để đầu tư, nên nông dân cả nước đã đóng góp tới 840 tỷ đồng (ở thập niên 90 của thế kỷ trước số tiền đó rất lớn).
Người nông dân sau đó cho rằng, việc họ phải trả tiền điện giống như ở thành thị là không công bằng và kiến nghị Nhà nước phải đối xử công bằng.
Ở 4 kỳ họp trước, Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Bộ Công nghiệp trả lời chất vấn, nhưng với thẩm quyền, Bộ trưởng không thể trả lời thấu đáo để giải quyết kiến nghị. Với trách nhiệm và tình cảm của mình, ông Mão đã thuyết phục nguyên Thủ tướng trực tiếp trả lời vấn đề này.
Ông Vũ Mão. Ảnh: T.N.
"Tiếp thu ý kiến, anh Khải đã triệu tập cuộc họp gồm các thành viên Chính phủ có liên quan để chuẩn bị nội dung trả lời.
Tại phiên trả lời chất vấn, anh Khải đánh giá cao phong trào xây dựng điện nông thôn và việc này cho nhiều bài học.
Anh nhấn mạnh, số tiền đã đóng góp rất có ý nghĩa và đề nghị với Quốc hội trả lại số tiền cho nông dân theo phương thức đầu tư vào nâng cấp đường điện nông thôn, giảm tối thiểu điện thế rơi, nếu còn thì tiếp tục đầu tư vào hệ hạ tầng nông thôn...
Ý kiến của Thủ tướng được Quốc hội nhất trí và rất hoan nghênh, ủng hộ cao", ông Mão chia sẻ thêm.
“Ông Sáu Khải” giản dị trong ký ức của người thợ hớt tóc (nguồn: VTC1)
5 cái phúc của nguyên Thủ tướng Chính phủ
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão chia sẻ, trong quan hệ, trao đổi, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng nhiều lần nhận xét, coi ông là "cầu nối giữa Chính phủ với Quốc hội và tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ trước Quốc hội".
"Tôi luôn nhìn nhận anh Khải là một người anh sống chân thành, chất phác, giản dị và được nhiều người yêu mến", ông Mão nói.
Theo ông Mão, tại kỳ họp Quốc hội trước khi xin nghỉ hồi năm 2006, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã tâm sự là cuộc đời của ông có bốn điều luôn cảm thấy hạnh phúc.
"Một là 7 năm làm Phó Thủ tướng rồi 9 năm làm Thủ tướng đã góp phần đưa đất nước đi lên, kinh tế phát triển.
Hai là bao ngày mong đợi, nay đã có cháu đích tôn và nhiều hơn thế. Ba là khi mình nghỉ hưu, mẹ vẫn còn sống nên có điều kiện chăm sóc mẹ già, thể hiện lòng trung hiếu của đứa con ngoan. Bốn là, khi mình nghỉ vẫn được anh em, bạn bè quý mến, thân thương.
Lúc đó, tôi có nói, anh còn có thêm một cái phúc nữa là khi về hưu vẫn mạnh khỏe, đi đây đó được để ngẫm lại những việc mình đã làm, nhìn các thành quả mình đóng góp.
Hơn nữa, vẫn còn thường xuyên chơi cầu lông, tuy nhiên anh phải bớt hút thuốc lá đấy nhé", ông Mão kể lại và còn cho PV xem bài thơ viết tặng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với tiêu đề "Ngũ phúc trường đời".
Ông Vũ Mão nhấn mạnh thêm, công tác cán bộ hiện nay rất quan trọng và xã hội đang đòi hỏi phải luôn đổi mới nên quá trình công tác của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ là những bài học bổ ích.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và dấu ấn cải cách