Hãng xe điện non trẻ VinFast mới chỉ 5 năm tuổi đang thách thức những tên tuổi lớn như Tesla hay Hyundai ở thị trường Mỹ cũng như nhiều nước khác.
Tuy nhiên điều nhiều chuyên gia quan tâm hiện nay là liệu VinFast có bứt phá thành công để vươn mình thành một thương hiệu lớn hay xe đi vào vết xe đổ của hàng loạt startup khác như Rivian.
Trong một bài phỏng vấn hồi tháng tư với tờ Reuters, ông Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ rằng: "Thị trường xe điện sẽ tiếp tục phát triển và vượt qua thị trường ô tô động cơ đốt trong. Tôi sẽ không từ bỏ VinFast".
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, VinFast có khoản nợ ròng khoảng 2,9 tỷ USD tính đến cuối tháng 3. Lỗ ròng của hãng xe điện non trẻ này trong năm 2023 cũng đã tăng 15% lên mức 2,4 tỷ USD.
Bất chấp điều đó, câu trả lời đầy mạnh mẽ của ông chủ VinFast cho thấy quyết tâm của hãng xe điện non trẻ này trong việc đối đầu với những tên tuổi lớn như Tesla hay thậm chí là dòng lũ sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc.
Hãng xe điện của Việt Nam này là tập đoàn hiếm hoi ở Đông Nam Á xây nhà máy trị giá 4 tỷ USD tại Mỹ, sân nhà của Tesla. Thậm chí VinFast cũng sẽ mở nhà máy ở Ấn Độ trong nửa đầu năm 2025 và xây dựng một nhà máy mới ở Indonesia trong 2 tháng tới.
Hàng loạt những động thái tích cực này diễn ra trong bối cảnh VinFast chỉ giao được khoảng 9.689 chiếc xe điện trong quý I/2024, còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu bán được 100.000 chiếc cho cả năm nay.
Trước đó vào năm 2023, hãng xe điện 5 năm tuổi này bán được 34.855 sản phẩm nhưng hầu hết là cho những bên liên quan tại Việt Nam dù có nhà máy công suất đến 300.000 ô tô ở miền Bắc.
Cụ thể, hãng tin Reuters cho hay hơn 70% trong số này được bán cho hãng taxi điện GSM cũng được sở hữu bởi ông Phạm Nhật Vượng. Khoảng 10% còn lại được bán cho chính tập đoàn Vingroup và những bên liên quan.
Theo Reuters, dù GSM đang phải đối mặt với chi phí vận hành cao khi muốn mở rộng ở Việt Nam và thị trường quốc tế nhưng ông Phạm Nhật Vượng tự tin cho biết đang có kế hoạch niêm yết hãng taxi điện này trên thị trường nước ngoài nếu điều kiện cho phép.
Khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 8/2023 tại Mỹ, giá cổ phiếu của VinFast đã tăng hơn 700% chỉ sau 2 tuần nhưng hiện đã giảm 90% so với mức đỉnh.
Bất chấp những lo ngại về thị trường xe điện giảm nhiệt, ông Phạm Nhật Vượng vẫn tự tin về VinFast.
"Tôi không lo lắng về doanh số bán xe điện. Sự phát triển của xe điện là tất yếu", ông Phạm Nhật Vượng cho hay.
Không thay đổi kế hoạch
Hãng tin Reuters vào tháng 5/2024 cho biết VinFast có kế hoạch lùi thời hạn thực hiện dự án nhà máy 4 tỷ USD ở Mỹ sang đầu năm 2025 so với lịch trình tháng 7/2024. Theo dự kiến, nhà máy này nếu đi vào hoạt động sẽ có công suất 150.000 chiếc xe điện mỗi năm.
Khi VinFast công bố dự án vào năm 2022, đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho biết nhà máy này có thể tạo thêm 7.000 việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên vào năm 2023, VinFast mới chỉ bán được chưa đến 1.000 chiếc xe tại Mỹ.
Bất chấp điều đó, VinFast cho biết vẫn sẽ không thay đổi kế hoạch bán 100.000 sản phẩm trong năm nay, nhiều gấp đôi so với năm ngoái. Đồng thời ông Phạm Nhật Vượng cũng khẳng định rằng sẽ không thu nhỏ quy mô dự án nhà máy tại Mỹ.
"Thị trường xe điện sẽ tiếp tục phát triển và vượt qua thị trường ô tô động cơ đốt trong. Tôi sẽ không từ bỏ VinFast", ông Phạm Nhật Vượng nói với Reuters.
Được thành lập từ năm 2017 và chuyển hướng tập trung làm xe điện từ năm 2022, VinFast vẫn chưa có lợi nhuận khi lỗ ròng 618 triệu USD trong quý I/2024.
*Nguồn: Tổng hợp