Ông Pence khẳng định, Mỹ "sẽ tiếp tục sát cánh cùng đồng minh và các đối tác để gìn giữ trật tự mà chúng tôi đã giúp tạo dựng nên, và chúng tôi sẽ bảo vệ tự do trên biển và trên không".
"Điều này đặc biệt quan trọng ở biển Đông," ông nhấn mạnh.
"Hãy để tôi nói rõ: Hành động quân sự hóa và bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông là phi pháp và nguy hiểm. Chuyện đó đe dọa đến chủ quyền của nhiều nước và gây nguy hại cho sự thịnh vượng của thế giới".
"Về phần mình, Mỹ sẽ tiếp tục bay và đi qua bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia của chúng tôi đòi hỏi. Những sự quấy rối sẽ không ngăn được chúng tôi mà chỉ làm các biện pháp đối phó trở nên mạnh mẽ hơn."
Phó tổng thống Mỹ cũng đồng thuận với quan điểm chung của các nước Asean, rằng đã đến lúc phải hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Ông Pence tin rằng bộ quy tắc này "sẽ bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thăm dò và phát triển tài nguyên, cũng như cho phép các nước tự chủ lựa chọn đối tác, và tôn trọng quyền lợi của các bên thứ ba".
Trong phiên họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 15, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh chưa đưa ra phản ứng của nước này trước những chỉ trích trực diện mới nhất của ông Pence.
Trước đó, dự hội nghị cấp cao Asean-Mỹ, ông Pence cũng nêu tầm nhìn của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó ông khẳng định "sự bá quyền và hung hăng không có chỗ đứng" ở khu vực này.
Theo tờ Washington Post, trên hành trình từ Nhật Bản sang Singapore, chuyên cơ của ông Mike Pence đã bay qua biển Đông ở phạm vi chỉ 30km cách các đảo nhân tạo do Trung Quốc cải tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Phó tổng thống Mỹ cũng mô tả chuyến bay này như "một kiểu hoạt động tự do hàng hải, hàng không" của Mỹ.
Hồi cuối tuần trước, tại vòng Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ-Trung Quốc lần thứ hai, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và bộ trưởng quốc phòng James Mattis lần đầu chính thức yêu cầu Bắc Kinh rút số tên lửa triển khai trái phép trên các thực thể ở quần đảo Trường Sa.