Cái khó đầu tiên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam ( VFF ) chính là có quá nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề chọn HLV trưởng, trong bối cảnh sức ép lớn vì thất bại vừa qua của đội tuyển Việt Nam. Tiến cử từ giới truyền thông là rất đa dạng, từ HLV châu Âu đến Hàn Quốc, Nhật Bản và không ít người muốn trao quyền cho HLV nội.
Dù có cả một tổ chức chuyên môn lớn là Hội đồng HLV quốc gia làm nhiệm vụ tư vấn nhưng giữa bể thông tin trái ngược trên, để đưa ra quyết định cuối cùng là không hề dễ dàng. Hãy lấy ví dụ về quan điểm chọn HLV nội, thực tế bóng đá Việt Nam đã không ít lần đặt niềm tin vào những nhà cầm quân trong nước. Đó là trường hợp của HLV Phan Thanh Hùng năm 2012, Hoàng Văn Phúc năm 2013 rồi Nguyễn Hữu Thắng năm 2016-2017.
Ngoại trừ đội tuyển bóng đá nữ gặt hái được nhiều vinh quang dưới thời cả thầy nội lẫn thầy ngoại thì với đội nam, các HLV nội gần như không để lại được dấu ấn tích cực. Gần nhất là trường hợp của HLV Nguyễn Hữu Thắng, người được bầu Đức một tay đưa lên cầm quyền. Việt Nam giai đoạn trên thất bại ở AFF Cup 2016 rồi thua thảm ở SEA Games 2017.
Không phải các HLV nội không đủ tài, một số đầy đủ bằng cấp và cũng chứng tỏ được năng lực chuyên môn trong thực tế. Tuy nhiên, có quá nhiều rào cản khiến các HLV nội khó thành công khi nắm quyền ở đội tuyển Việt Nam . Đó là áp lực từ dư luận, sự can thiệp từ bên ngoài và trên xuống các mối quan hệ khác trong làng bóng đá. Phương án thường được ưu tiên nhất vì vậy vẫn là HLV ngoại. Thực tế 2 chức vô địch AFF Cup của đội tuyển Việt Nam đều dưới tay thầy ngoại, ông Calisto năm 2008 và Park Hang-seo năm 2018.
Trở lại với vấn đề hiện tại, VFF hiện đang đứng trước bài toán khá nan giải tìm người thay HLV Philippe Troussier. Khó bởi thời gian từ nay đến tháng 6 khi đội tuyển Việt Nam tiếp tục đá 2 trận ở Vòng loại thứ 2 World Cup 2026 là khá ngắn. Phương án tạm quyền đã được nhắc tới, tuy nhiên cần lưu ý là không lâu sau đó, đội tuyển Việt Nam lại đứng trước một giải đấu quan trọng khác, AFF Cup 2024.
“Nếu chỉ tạm quyền thì sau đó chúng ta lại mất thời gian tìm kiếm HLV mới, đội sẽ không đủ thời gian để thích nghi với kế hoạch, chiến thuật của HLV mới. Quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2024 có thể bị ảnh hưởng. Hiện chúng tôi đang lên kế hoạch nhưng chắc chắn là không thể vội vàng bởi đây là việc quan trọng”, một lãnh đạo VFF cho biết.
Trong khá nhiều lựa chọn được đưa ra, HLV Park Hang-seo đang được nhiều người nhắc đến. Tuy nhiên trong một sự kiện gần đây, nhà cầm quân Hàn Quốc đã rất ý nhị né câu trả lời khi được hỏi về khả năng trở lại đội tuyển Việt Nam. Đó là phản ứng dễ hiểu nếu nhìn cách ông Park lựa chọn ra đi ở đỉnh cao sự nghiệp, khi đội tuyển Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu sa sút, còn ông đã tới hạn về lối chơi.
Liệu có thể hình dung về kịch bản VFF đưa ra một bản hợp đồng ngắn hạn (1 năm) với mục tiêu chính là AFF Cup 2024, khi đó ông Park Hang-seo sẽ dễ gật đầu? Về vấn đề này, một lãnh đạo VFF cho rằng mọi khả năng đều có thể xảy ra. Thực tế trước đây, bóng đá Việt Nam có trường hợp như HLV A.Riedl, từng nhiều lần giữ ghế HLV trưởng.
“Chúng tôi không loại trừ một khả năng nào khi chưa đưa ra quyết định cuối. Tuy nhiên các phương án ngắn hạn cũng phải phù hợp với chiến lược trong dài hạn. Quan điểm của chúng tôi dù phương án nào thì dài hạn bóng đá Việt Nam cũng phải hướng tới nâng tầm về con người và lối chơi, đặt ra các mục tiêu cao hơn để phấn đấu”, lãnh đạo VFF trên cho biết.