Làm giàu nhờ nuôi tôm
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Bình Trung (xã Định Trung, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trong gia đình có truyền thống cách mạng, chàng thanh niên Trần Văn Hừng với tên thân thuộc là Sáu Hừng, lên đường nhập ngũ theo lý tưởng mà cha mình đã hy sinh vì đất nước. Khi hoàn thành nhiệm vụ, phục viên trở về địa phương sau bao năm xa gia đình, ông Sáu Hừng bắt đầu kiếm kế sinh nhai để lo cho mẹ già.
Nhiều đêm bàn tính với vợ, hai vợ chồng ông quyết định gửi 2 con nhỏ lại cho mẹ trông nom và bắt đầu cuộc "tha hương", lên tận tỉnh Ðồng Nai làm thuê với nghề làm rẫy.
Hơn 5 năm nơi đất khách, với sự cần cù và quyết tâm đổi đời, ông Sáu Hừng cùng vợ dành dụm, tích góp mua được vài công đất nhưng cuộc sống gia đình vẫn chưa được cải thiện.
Theo báo Đồng Khởi, năm 1994, rời bỏ Ðồng Nai, vợ chồng ông đến huyện Gò Công Ðông (huyện Tân Phú Ðông bây giờ), tỉnh Tiền Giang trong chương trình khai hoang, lập nghiệp. Ở đó, ông khai khẩn được hơn 5ha đất ven rừng để nuôi tôm thiên nhiên - tôm sú.
Với hiệu quả kinh tế cao nhờ nuôi tôm trên ruộng lúa, năm 2009, ông Sáu Hừng được Hội Nông dân và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang trao danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình nuôi trồng thủy sản.
Và sau gần 7 năm nuôi tôm nơi xứ người, năm 2000 ông Sáu Hừng trở về quê hương - vùng đất ở ấp Bình Trung - Bình Đại - Bến Tre xây dựng mô hình nuôi tôm, song song với đầm tôm ở Tiền Giang và cũng có hiệu quả tốt.
Tuy nhiên, không hài lòng với mô hình tôm xen lúa, ông chủ động học hỏi nghiên cứu và mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp. Ông cho đào ao hết diện tích lúa hơn 1 hecta làm 3 ao nuôi tôm công nghiệp, 2 ao nuôi, 1 ao lắng. Khi có lãi ngày càng lớn, ông mua thêm đất tiếp tục đào ao nuôi tôm. Đến năm 2015, ông phát triển diện tích lên 4 hecta nuôi tôm.
Nhờ mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết hợp với nguồn cung đầu vào con giống chất lượng, nguồn thức ăn, thuốc, sinh phẩm giá hợp lý, lại thả nuôi đúng thời vụ, nên việc nuôi tôm của ông nhiều năm liền đạt kết quả tốt.
Cụ thể, tôm thương phẩm sau mỗi vụ nuôi đạt khoảng 12,5-13 tấn/hecta, tổng doanh thu khoảng 7,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 4,5 tỷ đồng.
Tích cực đóng góp xây dựng quê hương
Ngoài lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp, hiện ông Sáu Hừng còn là chủ đại lý thuốc, hóa chất, thức ăn nuôi tôm, nuôi chim yến và kinh doanh hạ thế bình điện… cung cấp dịch vụ nuôi thủy sản cho bà con trên địa bàn.
"Tôi trăn trở rất nhiều về việc bà con nuôi tôm thiếu con giống và vật tư chăn nuôi thiếu thốn. Thấy điều kiện mình có thể, tôi tiếp tục mở đại lý thức ăn, vừa có nguồn thức ăn nuôi ao nhà, vừa giúp đỡ bà con không có vốn mua thức ăn nuôi tôm, và cung cấp con giống cho bà con", ông Sáu Hừng tâm sự với Dân Việt.
Theo ông Hừng, không phải nông dân nào cũng có sẵn nguồn vốn để mua tôm giống và thức ăn, thuốc,… nên đầu vụ ông thường cho bà con mua thiếu ghi nợ, để hỗ trợ bà con trong chăn nuôi, cuối vụ họ bán tôm rồi trả lại. Có nhiều năm thất mùa, tôm giá thấp, ông cũng cho bà con nợ thêm để an tâm xuống giống.
Bên cạnh đó, hàng năm ông còn phối hợp cùng Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư huyện, xã, mời các công ty thức ăn chăn nuôi, kỹ sư thủy sản, nhà cung cấp giống... tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về cách chọn giống, nguồn thức ăn, thuốc, sinh phẩm, các giải pháp phòng ngừa, điều trị bệnh trên tôm, giới thiệu cách làm của các mô hình nuôi đạt hiệu quả,... để hội viên, nông dân học tập, trao đổi, ứng dụng.
Ông cũng thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay của mình, cũng như những tài liệu nghiên cứu được cho hội viên, nông dân trên địa bản ấp, xã học tập, làm theo.
Được biết, doanh thu của nuôi tôm, cửa hàng vật tư thức ăn chăn nuôi và nhà yến của ông đạt trên 10 tỷ đồng/năm. Mô hình sản xuất, kinh doanh của ông cũng tạo điều kiện cho nhiều lao động có việc làm thường xuyên, với thu nhập cao và ổn định, góp phần giải quyết việc làm, công lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Bên cạnh đó, từ năm 2017 - 2022, ông còn tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới và công tác an sinh xã hội cho xã nhà với tổng số tiền gần 300 triệu đồng như: hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 3 căn nhà tình thương cho hộ nghèo; sửa chữa 2 cây cầu giao thông nông thôn trên địa bàn ấp; hỗ trợ học bổng, học phẩm cho học sinh nghèo hiếu học...
Ðặc biệt, trong đợt phòng chống dịch Covid-19, ông Hừng hỗ trợ nhiều tiền, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho các lực lượng thường trực phòng chống dịch tại địa phương.
Với những kết quả trong lao động sản xuất, kinh doanh và đóng góp tại địa phương, ông Trần Văn Hừng đã được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Hội Nông dân Bến Tre. Năm 2022 ông Sáu Hừng được Trung ương Hội Nông dân khen tặng "Nông dân tiêu biểu tỉnh Bến Tre". Đến năm 2023, ông tiếp tục đạt danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc".
"Tôi nghĩ trong sự thành công và bắt đầu chắc có lẽ ai rồi cũng sẽ trải qua, gặp không ít khó khăn thậm chí thất bại, không đạt được điều mà mình mong muốn.
Bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Điều tôi tâm đắc nhất là các con của tôi đều học hết đại học, có công ăn việc làm ổn định và gia đình hạnh phúc", ông Sáu Hừng chia sẻ.